Việc tìm được câu lạc bộ mới sẽ giúp tiền đạo xứ Nghệ tiếp tục niềm đam mê cống hiến trên sân cỏ và tìm kiếm cơ hội trở lại đội tuyển quốc gia thì đội bóng thủ đô cũng đỡ phải đau đầu nghĩ cách xoay tiền trả lương cho cầu thủ này.
Sau sự ra đi của Thành Lương, tương lai của Công Vinh là vấn đề được người hâm mộ quan tâm nhất. Lần lượt thông tin về việc tiền đạo 28 tuổi sẽ khoác áo một đội bóng của Indonesia, Ninh Bình rồi Bình Dương và gần đây nhất là CLB của Nhật Bản xuất hiện trên báo chí.
Không có tên trong ĐT Quốc gia, chưa tìm được bến đỗ mới, Công Vinh đang "thất nghiệp" (ảnh minh họa: DT) |
Tuy nhiên, trao đổi với ông Lê Xuân Thông - Giám đốc điều hành của CLB Bóng đá Hà Nội, tất cả những thương vụ nói trên đều chỉ dừng lại ở mức liên lạc, thậm chí, ngay cả Ninh Bình, đội bóng muốn có tiền đạo số 9 này cũng chưa có buổi đàm phán chính thức nào với đội bóng thủ đô.
Ông Lê Xuân Thông cũng phủ nhận thông tin, Công Vinh sẽ sang Nhật Bản thi đấu. Theo ông Thông, ban lãnh đạo của CLB Bóng đá Hà Nội cũng đang bế tắc trong việc tìm kiếm “bến đỗ” mới cho Công Vinh và hiện vẫn đang nỗ lực huy động mọi nguồn tài chính để trả lương cho cầu thủ này.
Khi được hỏi về lý do tất cả những câu lạc bộ muốn hoặc có ý định chiêu mộ Công Vinh trong thời gian vừa qua đều dừng lại nửa chừng, Giám đốc điều hành của đội bóng thủ đô cho rằng, nguyên nhân của sự việc xuất phát từ lý do khách quan và chủ quan.
Ở thời điểm nền bóng đá Việt Nam đang gặp khủng hoảng, các câu lạc bộ đều phải “thắt lưng, buộc bụng” để cắt giảm chi tiêu, và nói không với những thương vụ chuyển nhượng “bom tấn”. Việc một cầu thủ thuộc hạng “sao” như Công Vinh hay hàng loạt các đồng nghiệp khác, gặp khó khăn trong việc gia hạn hợp đồng hay tìm kiếm bến đỗ mới là chuyện dễ hiểu.
Không chỉ Công Vinh, mà rất nhiều ngôi sao khác cũng phải chấp nhận cắt giảm lương hoặc từ bỏ khoản tiền “lót tay” hậu hĩnh thường thấy, chỉ để tiếp tục được theo đuổi đam mê với trái bóng. Tiền vệ Trọng Hoàng mới đây là ví dụ điển hình, khi anh này chấp nhận gia hạn hợp đồng với Sông Lam Nghệ An với mức phí thấp hơn rất nhiều khoản tiền đội bóng xứ Nghệ đề nghị cách đây 1 năm để giữ chân trụ cột của mình.
Lê Công Vinh (Ảnh: TTVH) |
Hàng loạt cầu thủ khác trong thời buổi khó khăn, cũng phải tự tìm kiếm thêm công việc khác, vì nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”. Người có nhiều vốn liếng như cựu thủ môn đội tuyển quốc gia Nguyễn Mạnh Dũng thì theo đuổi nghiệp kinh doanh như mở nhà hàng đặc sản ở quê nhà Hải Phòng. Cựu tuyển thủ quốc gia Lê Quang Cường còn gác hẳn đam mê quần đùi áo số, để ra nước ngoài lập nghiệp cùng gia đình.
Có thể thấy ở thời điểm này, bức tranh bóng đá nước nhà đang mang một màu sắc ảm đạm và đầy bất ổn.
Bên cạnh đó, đại diện của Ban lãnh đạo CLB Bóng đá Hà Nội cũng cho rằng, việc Công Vinh quá sốt sắng trong việc thông tin tới báo chí về tương lai của mình ở thời điểm này là không cần thiết và không nên làm. Có thể thấy cái lý của ông Thông bởi nếu như mọi việc diễn ra “êm thấm” hơn, có lẽ Ninh Bình đã không quá “rụt rè” mà bỏ ngang việc chiêu mộ tiền đạo xứ Nghệ, dù đã có lúc tưởng như mọi việc đàm phán đã hoàn tất.
Nói như Giám đốc điều hành Lê Xuân Thông, Công Vinh đang tự đóng cánh cửa đàm phán với các đội bóng khác về tương lai của mình, chỉ vì cá tính quá ồn ào của một cầu thủ thuộc hàng “sao” nội. Và cho đến thời điểm này – khi mùa giải mới đang cận kề, tiền đạo xứ Nghệ vẫn trong tình cảnh “ngồi chơi xơi nước”, chưa biết đi đâu về đâu còn đội bóng thủ đô vẫn đang “oằn lưng” để thanh toán khoản lương lên tới 28 triệu đồng/tháng sau thuế của cầu thủ này./.