Việc tổ chức một kỳ ASIAD là quá khả năng của Việt Nam. |
Như vậy, sau nhiều lần bàn bạc, chiều 17/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giaoBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.
Với những người yêu thể thao, việc được chứng kiến một kỳ ASIAD tại Việt Nam không khác gì trong mơ. Tuy nhiên, chúng ta đã bỏ ước mơ xa vời và đó là một quyết định đúng.
GDP Việt Nam năm 2013 là xấp xỉ 176 tỷ USD, trong khi đề án tổ chức ASIAD được đưa ra với kinh phí 150 triệu USD. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đây là một con số không tưởng. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi trả lời báo chí cũng cho rằng với số tiền 150 triệu USD ta không thể tổ chức được một kỳ ASIAD.
Chính phủ đã nhìn thẳng vào thực tế đó là Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn. Chúng ta không thể bỏ tiền “tấn” khi đất nước còn nghèo, người dân còn nhiều nơi còn phải chạy ăn từng bữa. Nếu vẫn cố đăng cai ASIAD 18 sẽ mang tới rất nhiều rủi ro.
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo hoàn toàn hợp lòng dân bởi vì ASIAD là đấu trường lớn, nhiều môn thể thao còn xa lạ và không phù hợp với chúng ta. Hơn nữa, thành tích của TTVN tại ASIAD phải nhìn nhận thẳng là càng ngày càng kém. Chúng ta hiện tại không có một VĐV nào có thể dễ dàng giành HCV của đại hội. Nếu nước chủ nhà thi đấu kém cỏi thì sẽ là phản ứng ngược.
Nói cho cùng, mục tiêu chính của các kỳ đại hội thể thao cũng là phổ biến thể thao đến với người dân để qua đó giúp người dân thêm yêu và tập luyện thể thao nhằm nâng cao thể chất của người dân. Tuy nhiên, khi mà những đồng tiền từ thuế của người dân dùng để nâng cấp những công trình cho cuộc chơi lớn và sau đó để nó "mọc rêu, xuống cấp" hoặc sử dụng sai mục đích giống như một số công trình phục vụ SEA Games 22 thì sẽ chẳng có ai ủng hộ.
Vẫn biết rằng, bỏ đăng cai ASIAD sẽ phần nào mất đi uy tín của Việt Nam trên bình diện quốc tế. Nhưng, nếu cứ cố tình đăng cai trong tình cảnh kinh tế hạn hẹp, tổ chức nhếch nhác, thiếu chuyên nghiệp, người dân không đồng tình thì như vậy, uy tín còn mất đi gấp nhiều lần.
Xin lấy ví dụ của Singapore, năm 1973, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã có phát biểu gây chấn động. Ông cho rằng thời điểm đó, thay vì chạy đua theo thể thao chuyên nghiệp thành tích cao, Singapore chỉ nên phát triển thể thao cộng đồng, thể thao học đường. Chưa đầy một năm sau phát biểu của ông, tức đầu năm 1974, Ủy ban Olympic Singapore tuyên bố trả quyền đăng cai ASIAD 1978. Cho tới nay, quốc đảo sư tử vẫn chưa hề đăng cai ASIAD dù họ có đủ tiềm lực, họ dùng số tiền đó để đầu tư trực tiếp cho những người dân nước mình.
Quyết định xin rút không đăng cai tổ chức ASIAD 18 thật sự sáng suốt, hợp ý, hợp lòng dân và tin chắc rằng sẽ được nhân dân nhiệt liệt ủng hộ./.