Chiều 11/4, trong phiên họp thường kỳ Quí I của Bộ VHTT&DL, vấn đề tổ chức Asiad 18 lại tiếp tục "làm nóng" hội trường. Những câu hỏi chủ yếu của các phóng viên xoay quanh vấn đề kinh phí tổ chức Asiad 18, vấn đề bội chi và có nên rút quyền đăng cai Á vận hội hay không?

Liên quan đến việc đăng cai Asiad 18, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Vương Bích Thắng đã nêu rõ các hạng mục cần chi trong gói 150 triệu USD trình Chính phủ: "Sau khi Việt Nam giành được quyền đăng cai, Bộ đã tiến hành xây dựng đề án. Cho đến bây giờ, Bộ đã làm đúng qui trình, triển khai đúng các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Theo chỉ đạo, Asiad 18 sẽ được tổ chức một cách tiết kiệm. Chúng ta sẽ tận dụng tối đa các cơ sở vật chất sẵn có, đồng thời tận dụng các công trình nằm trong qui hoạch chung của thành phố."

img_4869.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Vương Bích Thắng. (ảnh: Hà Tuấn)

"Tổng kinh phí từ ngân sách là 150 triệu USD, được chi cho một số việc như sau. Thứ nhất, kinh phí được dùng để nâng cấp, sửa chữa các công trình thể thao sẵn có. Thứ hai, kinh phí dùng để mua sắm trang thiết bị. Thứ ba là để chi cho công tác tổ chức của Asiad 18. Trong số 150 triệu USD này, chúng ta sẽ không dùng để xây dựng công trình mới. Nhiều luồng dư luận thắc mắc liệu có xảy ra bội chi hay không? Trong đề án trình Chính phủ, chúng tôi cũng nêu rất rõ tổng kinh phí để thực hiện ba vấn đề nói trên là 150 triệu USD, không có bội chi."

Cũng trong phiên họp thường kỳ, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng đã tiết lộ một số nét mới trong đề án tổ chức Asiad trình Chính phủ: "Chúng ta sẽ giảm số lượng các địa phương tham gia tổ chức Asiad. Trong đề án trước đây, chúng ta dự kiến có Hà Nội và 13 địa phương tham gia tổ chức Asiad 18, nay giảm còn Hà Nội và 8 địa phương."

"Điểm mới thứ hai là giảm xây mới các công trình chưa cần thiết: ví dụ như làng VĐV hoặc nhà thi đấu. Chúng tôi đã tính đến phương án sử dụng các khách sạn, ký túc xá của các trường lớn để thay thế làng VĐV. Dự án đường đua xe đạp lòng chảo và cụm sân quần vợt sẽ chuyển sang phương án xã hội hóa, thay vì sử dụng nguồn ngân sách. Đã có một số nhà đầu tư cam kết tài trợ cho các dự án này."

Từ khi Việt Nam giành quyền đăng cai Asiad 18, đã có nhiều luồng dư luận trái chiều về kinh phí tổ chức. (ảnh: OCA)

Như vậy, có thể thấy Bộ VHTT&DL đang tính mọi phương án để tiết kiệm kinh phí tổ chức Asiad 18, trong đó có cả phương án dùng ký túc xá để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho VĐV. Bên cạnh đó, việc xây mới các công trình như đường đua xe đạp lòng chảo, cụm sân quần vợt... sẽ phụ thuộc vào nhà đầu tư. Nguồn ngân sách 150 triệu USD sẽ không bao gồm các hạng mục xây mới.

Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng đưa ra kết luận: "Trong lịch sử chỉ có 2 quốc gia bỏ quyền đăng cai Asiad, đó là Hàn Quốc và Pakistan. Trong hai lần bỏ đăng cai, các quốc gia đó đều đối mặt với nguy cơ xung đột vũ trang. Chúng ta đã ký hợp đồng với Ủy ban Olympic châu Á (OCA), cam kết chỉ trừ trường hợp có nguy cơ xung đột, gây nguy hiểm đến những người tham dự Asiad thì mới dừng đăng cai."

Cũng theo Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng, đề án đăng cai Asiad 18 đã hoàn tất với nhiều điểm mới, trên tinh thần tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn lực sẵn có. Đề án hiện đang được Văn phòng Chính phủ sắp xếp lịch để trình lên Thủ tướng./.