Câu chuyện về việc Việt Nam nên đăng cai hay xin rút quyền tổ chức Asiad 18 vào năm 2019 vẫn nóng bỏng trong những ngày qua. Những ý kiến ủng hộ việc Việt Nam nên tổ chức Asiad 18 dựa vào 2 lý lẽ chủ yếu là “thể thao không chỉ thuần túy mang ý nghĩa thể thao” mà còn liên quan tới khía cạnh uy tín trên trường quốc tế, kinh tế- xã hội và Việt Nam ở thế không thể rút lui vào thời điểm này. Ý kiến phản đối phân tích sâu vào những con số tài chính, trong đó khẳng định đề án tổ chức Asiad 18 với kinh phí 150 triệu USD của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch là không khả thi, sẽ phát sinh với con số lên tới ngàn tỷ đồng. Cụ thể những ý kiến đó là như thế nào?
Theo đề án tổ chức Asiad 18 tại Việt Nam của Bộ Thể thao- Văn hóa và Du lịch, kinh phí tổ chức sự kiện này là 3.150 tỷ đồng, tương đương 150 triệu USD, tương đương với tổng kinh phí tổ chức SEA Games 2003 cũng tại Việt Nam, dù mức trượt giá từ đó đến nay đã là 2-3 lần. Trước những ý kiến lo ngại về khả năng phát sinh kinh phí lên tới 4.000 tỷ đồng và chưa biết con số phát sinh này lấy từ nguồn nào, Bộ trưởng Bộ Thể thao- Văn hóa và Du lịch, Hoàng Tuấn Anh, nhấn mạnh có thể giải quyết vấn đề đó bằng cách… tiết kiệm.
Nước chủ nhà Việt Nam đang có những bước chuẩn bị kinh phí cho Asiad 18 (Ảnh: Dân trí) |
“150 triệu USD là con số dự tính, mà trước khi dự tính chúng tôi đã tính toán hết các vấn đề. Vấn đề thứ nhất là tổ chức thi đấu, khâu khai mạc, bế mạc. Nếu như chúng ta biết tiết kiệm, căn cơ thì chúng ta sẽ tổ chức thành công” – Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng khẳng định việc tổ chức Asiad 18 và tổ chức thành công không chỉ dừng ở khía cạnh thể thao, mà còn liên quan tới nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống: “Asiad gắn liền với cơ sở chiến lược phát triển hạ tầng của Hà Nội, ví dụ như xây dựng sân bay, xây dựng cây cầu mới là do ngân sách TƯ và Hà Nội, không liên quan đến kinh phí tổ chức. Vấn đề thứ 2 là trong điều kiện kinh tế khó khăn, chúng tôi ý thức được điều đó, nhưng khó khăn chỉ là tạm thời”.
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, việc tổ chức Asiad có ý nghĩa rất lớn về chính trị, nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, về mặt kinh tế thì thu hút được các nhà đầu tư vào các công trình thể thao, khách du lịch cũng tới rất đông. Vấn đề thứ 3 là tạo được niềm tin của làng thể thao quốc tế, mà Ủy ban Olympic quốc tế và châu Á trao gửi cho chúng ta vì tin tưởng ta tổ chức được sự kiện. Vấn đề thứ 4, đây là dịp để ta đầu tư cơ sở vật chất thể thao để nâng cao nhận thức, đầu tư phát triển sức khỏe của người dân.
Mặt khác, trả lời trên báo Lao động ngày 01/04, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cũng nêu rõ quan điểm “Việt Nam khó thể rút lui quyền đăng cai tổ chức Asiad”. Bởi “không có nước nào có thể nhận tổ chức thay ở thời điểm này. Trung Quốc vừa đăng cai Olympic 2008, Nhật Bản đã đăng cai Olympic 2020, còn Các tiểu vương quốc Arập thống nhất đã nhận đăng cai Asiad 2023. Trong các nước Đông Nam Á, ở Thái Lan hiện giờ, chính phủ lâm thời không quyết được, Malaysia đã 2 lần bị từ chối nên không tham gia nữa. Còn Indonesia cũng không được vì lý do tế nhị. Nếu ta rút lui bây giờ thì không những ảnh hưởng tới uy tín, mà còn không có cơ hội đăng cai lần nữa”.
Thực tế, Việt Nam có thể trả lại quyền đăng cai Asiad 18 hay không? Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Văn Nên, trả lời báo chí mới đây cho rằng “nếu mình có lý lẽ, không đủ tiền bạc và điều kiện đảm bảo thì vẫn có thể rút”.
“Tiền lệ có 2 nước vì điều kiện khách quan từng trả lại quyền đăng cai tổ chức. Mình có lý lẽ nếu mình thấy không đủ tiền bạc, điều kiện đảm bảo thì cũng có thể rút. Tôi chưa hỏi, chưa nghe khi trả lại có bị phạt không, có chế tài không...” – ông Nguyễn Văn Nên nói.
Ông Nên cũng nhấn mạnh rằng, quan trọng hơn, xét về điều kiện kinh tế, tính chín muồi của cơ hội và những hệ quả tiêu cực phát sinh và rủi ro khi tổ chức sự kiện thể thao này, nhiều lãnh đạo, chuyên gia trong ngành TDTT, chuyên gia kinh tế đều chia sẻ quan điểm “không nên bất chấp tất cả để đăng cai Asiad”.
Nếu kinh phí bỏ ra cho cơ sở hạ tầng phục vụ Asiad không được đầu tư một cách hợp lý với mục đích lâu dài, sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí (ảnh minh họa: Tuổi Trẻ) |
Trả lời báo Tuổi trẻ ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh, cho rằng “nên dừng việc tổ chức Asiad”. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cũng đã phân tích rõ những rủi ro về tài chính khi tổ chức tại phiên giải trình của Chính phủ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, rằng kinh phí 150 triệu USD không thể đủ, có “hơn gấp đôi cũng không đủ” và khẳng định “không nước nào tổ chức Asiad chỉ với 150 triệu USD cả”. Một rủi ro lớn liên quan tới việc xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo, với kinh phí 10 ngàn tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa, hoặc dự án dự phòng khoảng 3000 - 4000 tỷ đồng, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng khẳng định là “lãng phí” và Việt Nam có thể rơi vào thế “đâm lao phải theo lao”.
Cũng trên báo Lao động ngày 1/4, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự khẳng định: “Riêng việc đóng lệ phí cho OCA đã gần 20 triệu USD rồi, còn 130 triệu, chúng ta sẽ làm được bao nhiêu việc? SEA Games 22 đã đội giá gấp 3 lần và cũng phải thừa nhận rằng, có rất nhiều công trình ăn theo”. Ông Hà Quang Dự cho rằng “Bộ trưởng Bộ VHTTDL phải báo cáo trung thực với Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về đầy đủ các khía cạnh của vấn đề đăng cai ASIAD để từ đó có sự cân nhắc, chỉ đạo cho đúng”. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng Việt Nam không nên đăng cai Asiad 2019 vì “chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt”.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, đến nay con số tính toán cho thấy chi phí cho Asiad đã là 500 triệu USD chứ không phải 150 triệu và “con số không dừng lại ở đó”.
Nên đăng cai hay xin rút quyền đăng cai tổ chức Asiad 18 tại Việt Nam vào 2019 không còn là câu hỏi dành cho lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch hay riêng ngành TDTT, mà đã trở thành nỗi băn khoăn của cả xã hội. Và nói như ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, rằng “những băn khoăn của người dân và đại biểu quốc hội về số tiền tổ chức đại hội là hoàn toàn dễ hiểu”:
Băn khoăn của người dân và đại biểu quốc hội thì rất là đúng thôi. Vì trong tình hình kinh tế khó khăn, mà số tiền đầu tư lớn như vậy, thì mọi người đều phải đặt câu hỏi là số tiền ấy lấy từ đâu và có phát sinh không. Cái sự băn khoăn đó là hoàn toàn chính đáng và đều mang tính xây dựng.
Tiếp tục phân tích sâu hơn về con số kinh phí mà ngành Văn hóa- Thể thao và Du lịch khăng khăng khẳng định, cũng như nỗi lo ngại của chuyên gia các ngành về việc tổ chức Asiad 18, chúng tôi sẽ đề cập ở phần 2 của loạt bài này./.