Một năm trước, sự kiện công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời, đánh dấu việc chuyển giao quyền điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp từ VFF sang cho VPF. Nó được xem như một bước phát triển tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp nước nhà, đồng thời đúng theo định hướng khuyến cáo của LĐBĐ châu Á (AFC), rằng: “Bóng đá chuyên nghiệp phải được điều hành bởi các doanh nghiệp thực thụ”.

Phó Chủ tịch VFF, Phạm Ngọc Viễn, sau này được giao kiêm nhiệm Tổng giám đốc VPF, khẳng định: “Sự ra đời của công ty này mang tính tất yếu và là bước cuối cùng, để chúng ta hoàn thiện các cơ chế quản lý bóng đá chuyên nghiệp”. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB HA.GL, thành viên sáng lập công ty VPF, cũng khẳng định: “Đội hình này là đội hình mạnh của đất nước chứ không hề yếu. Tóm lại là những người đang nắm trong tay tương đối lớn tiền, cho nên là các bạn có thể yên tâm, chỉ mong các bạn ủng hộ.”Ông Đoàn Nguyên Đức khi đó cũng khẳng khái trả lời câu hỏi báo chí đặt ra: VPF sẽ làm được gì cho bóng đá Việt Nam? Đó là, “VPF sẽ bằng mọi giá kiếm tiền nhiều nhất cho bóng đá Việt Nam và làm cho bóng đá Việt Nam càng ngày càng phát triển hơn”. Bản thân ông Võ Quốc Thắng, được bầu làm Chủ tịch HĐQT VPF, cũng chỉ trăn trở duy nhất một điều: “Chúng tôi đều là các doanh nhân, bận bịu với nhiều công việc, nhưng nếu không làm thì là người vô trách nhiệm với xã hội. Nhưng nếu tôi làm thì tất cả các CLB phải ủng hộ”. Sự thực vốn như thế, nếu không được ủng hộ, không thể có thành công cuối cùng. VPF đã làm ăn có lãi như trong báo cáo tổng kết, đã ký hợp tác với BTC giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản để hỗ trợ chuyên môn, tư vấn phương pháp điều hành, và đã “đưa giải về đích an toàn”, như cụm từ mà những người tổ chức giải trước đây của VFF thường hay dùng.Nhưng, vẫn còn đó những bê bối thấy rõ trong suốt mùa giải qua, ở trong và ngoài sân cỏ: từ thái độ thi đấu của cầu thủ, trọng tài mắc lỗi chuyên môn, những cáo buộc chạy điểm, “liên minh ma quỷ” giữa các đội bóng… cùng sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch VPF, bị bắt giam vì những tội danh không liên quan tới bóng đá. Câu hỏi đặt ra là liệu vì thế mà ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch CLB Thanh Hóa, thành viên sáng lập VPF, lên tiếng nghi ngờ về khả năng tồn tại của VPF và Thanh Hóa xin rút khỏi VPF nếu như giải đấu này vẫn còn do VPF điều hành, họ chỉ tham dự nếu được trao quyền điều hành lại cho VFF?

doannguyenduc_mevabe.net.jpg
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB HA.GL khảng khái rằng VPF sẽ làm cho bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển (ảnh: mevabe.net)

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch CLB Thanh Hóa lên tiếng công kích VPF trong hội nghị ngày 6/10 vừa qua (ảnh: nld.com.vn)

Tuyên bố rút CLB Thanh Hóa khỏi V- League của bầu Đệ còn có thêm “đồng minh” từ CLB SG.XT, khi ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch CLB này, khẳng định sẽ thôi tài trợ cho đội, không chấp nhận làm “quân xanh” nếu còn tình trạng 1 ông bầu 2 đội bóng: “Nếu nguyện vọng chính đáng này của chúng tôi không được giải quyết thỏa đáng thì tập đoàn Xuân Thành sẽ không tài trợ cho đội Sài Gòn.Xuân Thành, như đã cam kết, dẫn đến tình trạng như một đội bóng vừa giành cúp quốc gia bị giải thể.”

Phát biểu của bầu Đệ được ông Đoàn Nguyên Đức, Phó Chủ tịch giải thích rằng: “VFF góp phần lớn cổ đông nên VPF là của VFF. VPF có sự đồng ý thành lập của 28 đội bóng. Nếu không quá bán thì không thành lập được, nếu VFF không đồng ý thì không làm được”. Nhưng tuyên bố rút đội khỏi giải của bầu Thụy thì ông Đoàn Nguyên Đức không thể trả lời hộ được. Bởi thực tế đang hiển hiện trước mắt: Navibank.Sài Gòn được đề nghị trả về LĐBĐ TPHCM hoặc giải thể; VFF phải đề xuất xóa nợ cho 3 CLB thuộc diện “nợ xấu” và mất khả năng thanh toán đến gần 2 tỷ đồng, gồm CLB QK 4, Nam Định và CLB TPHCM.VPF ra đời có thể là bước cuối cùng “hoàn thiện các cơ chế quản lý bóng đá chuyên nghiệp”. Nhưng V- League đang thực sự trở thành “con tin” của các ông bầu. Và nền bóng đá Việt Nam có thể “vỡ bong bóng” nếu các ông bầu đồng loạt rời bỏ bóng đá, vì nhiều hơn 1 lý do như bầu Thụy hay bầu Đệ đã nêu ra.

Đây chính là lúc bóng đá nước nhà cần VFF hơn bao giờ hết./.