Điểm chung trong phát biểu của những người vừa được bầu vào HĐQT và ban điều hành công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) là đều “vì bóng đá Việt Nam mà làm việc”. Dù là người bức xúc nhất với những tiêu cực của bóng đá nước nhà, sự thật là, ông Nguyễn Đức Kiên, tân PCT công ty VPF, cũng phải thừa nhận “những khuất tất của bóng đá Việt Nam không thể giải quyết một sớm một chiều”. Đó có lẽ cũng là tiếng lòng của không ít người tâm huyết với bóng đá Việt Nam, nhưng chấp nhận rằng “cần có thêm thời gian mới thành công”.

Khi công ty ra đời, chúng tôi không hy vọng rằng những tiêu cực của bóng đá Việt Nam sẽ được thay thế bằng cái gì đó tốt đẹp hơn. Chúng tôi không ảo tưởng vào điều đó. Nhưng chúng tôi sẵn sàng nhìn trực diện vào những tồn tại của BĐVN và tìm kiếm một giải pháp nào đó hiệu quả hơn trong điều kiện có thể. Chúng tôi có thể thay mặt HĐQT của cty đảm bảo với NHM rằng HĐQT và cổ đông của công ty sẽ vì sự phát triển của BĐVN tìm ra giải pháp tốt nhất để đưa BĐVN phát triển và mong được sự ủng hộ của người hâm mộ, giới lãnh đạo và báo chí.

images646486_baukien_bauduc.jpg
Bầu Đức và bầu Kiên tại hội nghị cổ đông VPF

Đó là trải lòng của bầu Kiên khi phát biểu trước báo chí sau Đại hội đồng cổ đông công ty VPF. Chính bầu Kiên cũng thành thật nói rằng “khi đứng ở chỗ này, nơi cách đây 3 tháng nói ra tiếng nói đầy bức xúc về công tác tổ chức giải V- League 2011, bản thân tôi cũng không nghĩ rằng lại có ngày hôm nay”.

Ý tưởng trong chớp mắt, hành động ngang chớp giật, bầu Kiên không ngần ngại tiết lộ việc “lựa chọn nhân sự vào vị trí HĐQT chỉ mất có 2 ngày, và thêm 2 giờ để thuyết phục ông Võ Quốc Thắng vào vị trí này”. Thực tế, xét ở nhiều góc độ, bầu Thắng của ĐT.LA sáng giá nhất, so với những ứng viên cũng được tín nhiệm cao như Lê Hùng Dũng, Nguyễn Đức Kiên, bởi kinh nghiệm nghị trường, vị thế doanh nhân thành đạt và là 1 trong những người đầu tiên làm bóng đá chuyên nghiệp và thành công ở Việt Nam – như nhận xét của bầu Đức HA.GL, để rồi sau đó tự nguyện giới thiệu và chấp nhận làm phó cho đối thủ từng “đánh nhau chết bỏ”.

“Cuộc đời tôi lần đầu tiên làm phó. Từ thế, các bạn cũng có thể hiểu là tôi làm tất cả vì bóng đá Việt Nam. Bóng đá Việt Nam tốt là tôi làm, đó là lý do tôi chấp nhận làm phó cho anh Thắng. Và đương nhiên, tôi sẽ đóng góp, còn anh Thắng tự tin hơn khi có bên cạnh tôi, anh Kiên và anh Dũng, từ đó làm việc tốt hơn. Và tôi nghĩ cái đội hình này là đội hình mạnh của đất nước, chứ không hề yếu. Đó là những người đang nắm trong tay tương đối lớn tiền. Cho nên các bạn có thể yên tâm, bóng đá Việt Nam trong vài năm tới sẽ rất và rất tốt”. – bầu Đức nói.

Bản thân ông Võ Quốc Thắng cũng tự tin sẽ thành công cùng VPF, dù rất bận rộn với các dự án kinh doanh cá nhân, bởi “cứ có tâm là sẽ thành công”. Ông Võ Quốc Thắng chia sẻ những dự định sẽ tiến hành trong thời gian ngắn sắp tới: Ngày khai mạc đã đến gần, nên những gì cần ưu tiên trước, chúng tôi sẽ bắt tay ngay từ ngày mai và làm những gì tốt nhất cho bóng đá Việt Nam thì chúng tôi sẽ chọn ưu tiên.

Việc lựa chọn TGĐ cho VPF là chúng tôi xem về năng lực, kinh nghiệm, hiểu biết và chúng tôi sẽ phân quyền với khả năng, mức độ của từng vị trí. Tôi tâm đắc với câu là không nhắc quá khứ mà hướng đến tương lai. Tôi mong các bạn đừng nhắc về quá khứ mà hãy ủng hộ chúng tôi để cho tương lai sáng hơn. Chúng tôi sẽ cùng ngồi lại để làm những gì tốt nhất cho việc tổ chức các giải bóng đá.

Rõ ràng, dù là ông Lê Hùng Dũng, bầu Kiên, bầu Đức hay bầu Thắng đều cảm nhận được mối lo ngại, sự nghi ngờ, thậm chí cả ganh ghét đối với nhân vật được họ tin tưởng đề cử vào vị trí GDDH, ông Phạm Ngọc Viễn, người tự giới thiệu có thâm niên 46 năm gắn bó với bóng đá. Bản thân ông Viễn cũng có quan điểm riêng khi yêu cầu báo chí làm rõ khái niệm “những vụ lùm xùm” liên quan tới ông, và giải thích rõ: Vụ đền bù của ông Letard, bây giờ hỏi tất cả các doanh nghiệp làm bóng đá ở đây, khi chúng ta ký hợp đồng với một HLV, VĐV và sa thải họ trước hợp đồng thì có cần phải đền bù thời gian còn lại hay không. Đấy là câu trả lời rất là rõ ràng. Khi đó chúng ta mới bắt đầu bước vào làm bóng đá chuyên nghiệp. Tôi đã phải chịu sức ép rất nhiều về vấn đề này trong nhiều năm, mà thực chất đó là đổ lỗi, mà nếu có sai lầm gì thì đã được người ta xác minh toàn bộ hết rồi.

Những người lãnh đạo chủ chốt của công ty VPF – một doanh nghiệp ra đời với mục tiêu là điều hành tốt các giải bóng đá Việt Nam và minh bạch hóa việc thu chi tài chính trong những năm tới – đều đã trải lòng, kêu gọi sự ủng hộ của lãnh đạo, giới truyền thông, hứa hẹn sẽ làm những gì tốt nhất cho việc tổ chức giải bóng đá.

Duy một điều cần nhắc riêng, họ nên làm trước tiên vì NHM bóng đá Việt Nam – bởi chỉ có sự ủng hộ của CĐV, VPF mới “không lỗ” như cam kết. VPF cần làm những gì tốt nhất vì lợi ích của khán giả, chứ không phải cho riêng các CLB, như bầu Thắng xúc động tâm sự. NHM sẽ nhìn vào hành động thực tế của VPF, đúng như lời dàn hòa của ông Lê Hùng Dũng khi báo chí đặt câu hỏi về “những vấn đề xưa kia” của vị tân TGĐ VPF.

Cuối cùng, muốn thành công phải có thời gian. Quan trọng là VPF không được phép thỏa hiệp, công khai lẫn ngấm ngầm, với những tồn tại, bất cập đã được nêu như việc một ông bầu sở hữu 2 đội bóng, “cò” bóng đá, hay rõ ràng nhất là “không nhất thiết phải chi 30% kinh phí hoạt động của đội bóng cho công tác đào tạo cầu thủ trẻ”. Đó chẳng phải là sự thỏa hiệp đầu tiên của VPF với chính các CLB, thay vì hướng về các cầu thủ trẻ đó sao?./.