Thất bại của đội tuyển U23 tại SEA Games 26 đã tạo ra một áp lực rất lớn lên những người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Đặc biệt là thời gian gần đây, người hâm mộ đã liên tục yêu cầu các quan chức VFF phải từ chức, phải chịu trách nhiệm với thất bại của đội tuyển.

Anh-Hoi-nghi-CT-cac-CLB-Duong-Nghiep-Khoi4.jpg

Người hâm mộ liên tục yêu cầu các quan chức của VFF từ chức

Thế nhưng, không có nghĩa rằng sau một thất bại thì những người đứng đầu bộ máy sẽ phải ra đi, nếu vậy thì tại đất nước Brazil, nơi mà về nhì tại World Cup đồng nghĩa với một thất bại, ông Ricardo Teixeira không thể tại vị. Nhưng hoàn toàn nên mổ xẻ một cách nghiêm túc các thất bại và rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu để làm lại, để “thất bại thực sự là mẹ của thành công”. Nếu như vậy người hâm mộ sẽ khâm phục sự dũng cảm của những người đứng đầu VFF đã dám nhận trách nhiệm và cảm thấy xấu hổ khi không hoàn thành trọng trách. Và đơn giản đó chính là những đóng góp với nền bóng đá nước nhà, bởi đơn giản là khi đã không hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo Liên đoàn đã dám hy sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu lớn hơn là sự phát triển của bóng đá nước nhà.

VFF vẫn thường mang những quy định của Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA, những khuyến cáo của Liên đoàn bóng đá châu Á AFC ra như một cách lý giải cho bộ máy và cơ chế làm việc của mình. Và đó là điều rất đúng bởi khi đã là thành viên của một tổ chức chúng ta có nghĩa vụ phải tuân thủ tối đa những quy định của tổ chức đó. Nhưng điều mà người hâm mộ muốn thấy đấy là việc tuân thủ như vậy đã mang lại những gì cho sự phát triển của nền bóng đá nước nhà? Sự phát triển đó được phản ánh ra sao qua bộ mặt của nền bóng đá, ở đây là Giải Vô địch quốc gia V-League và thành tích của các đội tuyển. Xét trên phương diện này thì quả thật là chúng ta chưa nhìn thấy gì. Nhìn qua sơ đồ tổ chức của LĐBĐ Việt Nam thì thấy đầy đủ ban bệ. Nhưng vai trò và cách thức làm việc của các ban bệ này như thế nào thì quả thật rất ít những người ngoài liên đoàn có thể hiểu được một cách thấu đáo. Người hâm mộ chỉ nhìn thấy được những thực tế đang diễn ra.

Đó là tình trang hỗn loạn trong chuyển nhượng cầu thủ và sở hữu đội bóng. Chỉ cần mua lại xuất là một đội bóng xuống hạng có thể nghiễm nhiên trở lại với sân chơi cao nhất. Đó là tình trạng cầu thủ bị kỷ luật treo giò 12 tháng ở CLB này khi chuyển sang CLB khác lại được giảm án ngay lập tức. Các trận đấu của V-League có thể chỉ ra kết quả từ trước khi bóng lăn, các đội mạnh có thể "nằm thẳng cẳng" trước đối thủ yếu hơn ngay trước mắt các quan chức Liên đoàn với một câu trả lời vô tiền khoáng hậu của 1 quan chức “Ở các nền bóng đá phát triển việc một CLB khi đã đạt được mục tiêu thì việc nhường điểm là bình thường”?! Và một câu hỏi muôn thuở được đem ra làm bình phong cho mọi vấn đề : “Bằng chứng đâu?”. 

Đội U23 thất bại tại SEA Games 26 với lý do là các cầu thủ thiếu kinh nghiệm. Vậy đội U23 các nước khác nhiều kinh nghiệm hơn chúng ta ở chỗ nào?

Vai trò của những ban bệ nghiên cứu các đối thủ thể hiện ở đâu khi mà trước khi giải diễn ra không thấy bất kỳ một chuyên gia nào đả động đến vấn đề này? Ai cũng có thể nhìn thấy là chiến thuật thi đấu đặt ra là không phù hợp với các cầu thủ của chúng ta. Vấn đề này đã được thể hiện ngay từ khi tập luyện. Vậy vai trò của bộ máy lãnh đạo, của Hội đồng trọng tài Quốc gia ở đâu? Hay liên đoàn thuê một ông huấn luyện viên rồi khoán trắng cho họ với điều khoản nếu sa thải thì chỉ phải đền bù 3 tháng lương là xong?

Một vấn đề mà gần đây báo chí cũng nhắc đến, đó là sự vắng bóng của các cựu cầu thủ, các chuyên gia bóng đá thật sự trong bộ máy của liên đoàn. Chúng ta đã vô tình bỏ qua những kho kinh nghiệm vô giá của họ.

Một câu hỏi muôn thuở được đem ra làm bình phong cho mọi vấn đề : “Bằng chứng đâu?”. 

Các cầu thủ có thể tôn trọng ông Hỷ, ông Tuấn với tư cách những người lãnh đạo, những người lớn tuổi. Nhưng chắc chắn không thể có sự nể phục về chuyên môn, không thể có ánh mắt ngưỡng mộ các thần tượng bằng xương bằng thịt, không thể có sự thôi thúc trong việc chứng tỏ rằng mình không hề thua kém các thế hệ tiền bối đi trước. Một câu hỏi cần đặt ra là tại sao ở các nước có nền bóng đá phát triển các ngôi sao khi giải nghệ luôn có một chỗ đứng trong việc quy hoạch sự phát triển của nền bóng đá và những ý kiến của họ luôn được lắng nghe một cách tôn trọng.

Cho đến giờ phút này, khi các cuộc họp tổng kết chiến dịch chinh phục huy chương vàng tại SEA Games thất bại đã diễn ra, khi mà công luận cũng như người hâm mộ mong chờ việc mổ xẻ nghiêm túc nguyên nhân thất bại cũng như trách nhiệm của các cá nhân từ bộ máy lãnh đạo thì các quan chức thay nhau vắng mặt với lý do là bận tham dự các cuộc họp.

Không chỉ có vậy, những thành phần chính liên quan đến thất bại của U23 như các trợ lý, cầu thủ cũng chẳng một ai có mặt trong cuộc họp mổ xẻ thất bại để rút kinh nghiệm. Với những động thái này, người hâm hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi sự cầu thị lắng nghe của VFF là như thế nào khi mà mọi thành phần chính đều vắng mặt.

Đã đến lúc phải thay đổi, phải bắt đầu một cuộc cách mạng triệt để từ bộ máy của Liên đoàn để tránh sự chồng chéo và trên hết là có thể điểm mặt chỉ tên mỗi khi cần.

Mọi ý kiến của quý vị và các bạn có thể gửi cho chúng tôi ngay dưới đây hoặc theo địa chỉ noidung@gmail.com ./.