Trong phiên họp khẩn diễn ra tối qua (18/7), theo giờ Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện, độc lập và kỹ lưỡng về vụ máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia (Malaysia Airlines) bị rơi xuống miền Đông Ukraine, làm toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Trong tuyên bố đưa ra tại cuộc họp, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bày tỏ sự cảm thông và chia buồn sâu sắc đối với gia đình các nhạn nhân, người dân và chính phủ các nước có công dân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia ở miền Đông Ukraine hôm 17/7 vừa qua khi đang trên đường từ Amsterdam về Kuala Lampur.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi, tất cả các bên liên quan phải lập tức cho các điều tra viên tiếp cận hiện trường để xác định nguyên nhân của vụ việc.

Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman cho biết: “Vào thời điểm này, LHQ chưa thể xác minh độc lập về thảm kịch đối với máy bay chở khách của Malaysia. Liên Hợp Quốc sẵn sàng hợp tác và đã liên lạc với Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về vấn đề này. Cơ quan này đã đề nghị các quan chức Ukraine cho phép để tập hợp một đội điều tra quốc tế”.

Cũng tại cuộc họp này, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho rằng, Chính phủ Ukraine phải nhận trách nhiệm về vụ rơi máy bay MH17. Ông Churkin nêu rõ: “Chúng tôi đặt tất cả lời khiển trách về phía chính quyền ở Kiev và kêu gọi phía Ukraine có các biện pháp quyết đoán để ngăn chặn các vụ việc tương tự trong tương lai”.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc đặt câu hỏi về việc vì sao kiểm soát không lưu Ukraine lại để máy bay chở khách đi qua khu vực đang tiến hành các vụ không kích nhằm vào dân thường.

Ông Churkin cũng cho rằng chính phủ Ukraine đáng lẽ phải đóng cửa không phận từ lâu chứ không phải đợi đến sau khi xảy ra vụ rơi máy bay làm hàng trăm người thiệt mạng.

Ngay sau cuộc họp khẩn của LHQ, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có buổi họp báo đặc biệt về tình hình Ukraine. Tổng thống Obama cho rằng, 1 tên lửa đất đối không được bắn đi từ vùng lãnh thổ do lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông Ukraine đã bắn rơi máy bay chở khách MH17 của Malaysia.

Ông Obama cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “là người có quyền lực lớn nhất để giảm căng thẳng bạo lực ở Ukraine nhưng đã không lựa chọn phương án này”.

cuu_hoa_pdie_pwyr.jpgHiện trường máy bay MH17 (Ảnh AFP)

Tổng thống Mỹ cũng cáo buộc Nga viện trợ liên tục cho lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông Ukraine, trong đó có cả huấn luyện vũ trang và trang bị vũ khí chống lại máy bay chiến đấu. Ông Obama cho rằng, điều quan trọng nhất lúc này là cần phải có 1 cuộc điều tra quốc tế về những gì đã xảy ra: “Hội đồng Bảo an LHQ đã chấp thuận 1 cuộc điều tra như vậy và chúng tôi yêu cầu tất cả các thành viên, trong đó có Nga, phải tôn trọng tuyên bố của họ. Để tạo điều kiện cho cuộc điều tra này, Nga và những người đòi liên bang hóa ở miền Đông Ukraine cũng như chính quyền ở Kiev cần phải ngừng bắn ngay lập tức”.

Trước đó, lãnh đạo các nước Nga, Pháp, Đức, Hà Lan, Australia đều đã lên tiếng kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ rơi máy bay Malaysia. Chính phủ Malaysia hôm qua (18/7) đã cử một nhóm chuyên gia đối phó với thảm họa gồm 62 thành viên tới Ukraine. Trong khi đó, 30 chuyên gia của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng đã có mặt tại hiện trường để hỗ trợ công tác điều tra nguyên nhân vụ việc.

Cùng ngày, Hãng hàng không Malaysia cho biết, vào ngày xảy ra tai nạn, trực ban kiểm soát không lưu Ukraine đã yêu cầu máy bay MH17 hạ độ cao 600 m, xuống còn 10.060 m khi vào lãnh thổ nước này.

Thông báo của hãng hàng không Malaysia nêu rõ: “Chuyến bay MH17 đã thông báo kế hoạch bay với yêu cầu bay ở độ cao 10.660 m trên toàn bộ không phận Ukraine và gần với độ cao tối đa. Tuy nhiên, khi đi vào không phận Ukraine, MH17 được cơ quan kiểm soát không lưu Ukraine yêu cầu bay ở độ cao 10.060 m”.

Theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Chính phủ Ukraine sẽ chịu trách nhiệm tiến hành điều tra nguyên nhân rơi máy bay. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, nhiệm vụ phân tích hộp đen máy bay là việc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.

Theo công bố mới nhất của Hãng hàng không Malaysia, trong số nạn nhân thiệt mạng có 189 người Hà Lan, 44 người Malaysia (bao gồm phi hành đoàn), 27 người Australia, 2 người Indonesia, 9 người Anh, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Phillipines, 1 người Canada và 1 người New Zealand. Còn 4 hành khách chưa xác định được quốc tịch song Tổng thống Mỹ B.Obama vừa cho biết, 1 công dân nước này đã thiệt mạng trong vụ rơi máy bay MH17.

Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết, Phát ngôn viên của tổ chức này nằm trong số hành khách xấu số trên chuyến bay MH17./.