"Gặp còn hơn không, gặp sớm hơn gặp muộn"
Với tính chất là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước Trung – Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump nên cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông chủ mới của Nhà Trắng thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận.
Ngoài những thông tin chính thức mà Bộ Ngoại giao hai nước cho biết về việc hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận về quan hệ Trung – Mỹ cũng như những vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, Trung Quốc và Mỹ đều có những kỳ vọng riêng đối với cuộc gặp cấp cao này.

trump_xi_dntj.jpg
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Trump đang thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận. (Ảnh: AFP/Getty).
Về phía Mỹ, trong bối cảnh dư luận nước này đang bắt đầu đặt dấu hỏi về khả năng cầm quyền của Tổng thống Trump thì việc bố trí cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ là điểm cộng quan trọng trong việc nâng cao uy tín của ông. Người Trung Quốc có câu: "Gặp còn hơn không gặp, gặp sớm còn hơn gặp muộn".
Tuy lập trường của hai bên đối với các vấn đề quốc tế là rất khác biệt nhưngcuộc gặp sẽ là cơ hội để ông Tập Cận Bình tiếp xúc với ông chủ mới của Nhà Trắng – một người được cho là chưa có nhiều kinh nghiệm ngoại giao nhưng lại có thừa kinh nghiệm trong đàm phán, việc thiết lập quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo sẽ là cơ sở tạo nền tảng cho quan hệ Trung – Mỹ trong thời gian tới.
Trung Quốc hiểu rằng, Mỹ đang trong quá trình "chuẩn bị" chính sách đối với Trung Quốc do đó việc nắm bắt được những "toan tính" của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có ý nghĩa quan trọng để Trung Quốc có thể đưa ra những đối sách tương ứng.
Chưa biết kết quả đến đâu nhưng ông Tập Cận Bình có thể có dịp trao đổi với ông Donald Trump về những vấn đề song phương còn tồn tại hay các vấn đề quốc tế khác mà hai bên cùng quan tâm như: Vấn đề cạnh tranh thương mại, quan hệ hai bờ, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, rồi hệ thống phóng thủ tên lửa (THAAD) mà Mỹ đang triển khai tại Hàn Quốc cùng nhiều vấn đề liên quan khác... 
Ngoài ra, cuộc gặp cũng là cơ hội để Chủ tịch Tập Cận Bình mời Tổng thống Donald Trump tham dự Diễn đàn cấp cao “Một vành đai, một con đường" sẽ được Trung Quốc tổ chức vào tháng 5 tới.

Tiếp tục thúc đẩy mối "quan hệ nước lớn kiểu mới"
Khái niệm mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới là cụm từ do Trung Quốc đưa ra trước. Trong chuyến thăm tới Washington vào tháng 2/2012, ông Tập Cận Bình khi đó là Phó Chủ tịch nước đã lần đầu tiên nêu ra khái niệm này, với mục đích là để giảm sự lo ngại của các nước trong đó có Mỹ, về sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc.
Theo Trung Quốc, quan hệ nước lớn kiểu mới là mối quan hệ với các đặc điểm “không xung đột, không đối kháng, cùng có lợi”. Có thể nói Trung Quốc coi mối quan hệ nước lớn kiểu mới là công cụ quan trọng nhằm tạo lập một môi trường quốc tế hòa bình để tiếp tục phát triển, đồng thời phát huy vai trò là chủ thể hàng đầu trong khu vực theo một tinh thần sẵn sàng cạnh tranh công khai với Mỹ.
Nói cách khác, quan hệ nước lớn kiểu mới là phương tiện để Trung Quốc thực hiện mục tiêu đối ngoại gồm hai khía cạnh bao gồm ngăn chặn khả năng xung đột trực tiếp với Mỹ và tìm cách đấu tranh, thỏa hiệp, tìm kiếm công thức dung hòa với Mỹ. Đây cũng là đường hướng đối ngoại của Trung Quốc đối với Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump thậm chí là cả trong đời tổng thống tiếp theo của Mỹ khi thực lực của Trung Quốc chưa thể cạnh tranh trực tiệp với Mỹ và cũng chưa thể đối đầu trực tiếp với Mỹ.
Trong thời gian gần đây, tuy đạt được nhiều thành tựu phát triển vượt bậc về kinh tế cũng như khoa học kỹ thuật và quân sự, nhưng thực tế Trung Quốc vẫn còn thua kém Mỹ về nhiều mặt. Trung Quốc cần có khoảng thời gian chuẩn bị để có  một vị thế mới, một vị thế mà Trung Quốc có thể cùng Mỹ trở thành chủ thể chính dẫn dắt hệ thống quốc tế.
Vì thế trong giai đoạn hiện nay cũng như tiếp theo Trung Quốc sẽ không ngừng thúc đẩy xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ./.