Cuộc xung đột tại Ukraine và bối cảnh địa chính trị tại Trung Đông đã buộc nhà lãnh đạo thứ 46 của nước Mỹ phải có những điều chỉnh về cách tiếp cận và chính sách sau thời gian dài “lạnh nhạt” với đồng minh chiến lược tại Trung Đông.
"Mục đích chính của chuyến đi là nhằm một lần nữa định vị vai trò Mỹ tại khu vực trong tương lai. Chúng tôi sẽ không để lại khoảng trống ở Trung Đông cho Nga hoặc Trung Quốc. Và chúng tôi đang nhận được kết quả", ông Biden nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố như vậy sau cuộc gặp với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, cùng thông báo về một loạt thành tựu ngoại giao đạt được trong chuyến thăm từ thỏa thuận trao trả lãnh thổ giữa Israel, Ai Cập và Saudi Arabia, việc Riyadh mở cửa không phận cho các chuyến bay dân dụng của Tel Aviv đến dự án 4G tại các vùng lãnh thổ Palextin đến việc OPEC+ trước đó nhất trí tăng sản lượng.
Dù tất cả những điều này là chưa đủ để đưa quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia trở lại thời hoàng kim của những năm 1945 khi cựu Tổng thống Franklin Roosevelt và Quốc vương Saudi Arabia Abdulaziz al Saud ký thỏa thuận khởi động mối quan hệ đối tác giữa hai nước, song rõ ràng ông Joe Biden đang cho thấy quyết tâm khôi phục tầm vóc quốc tế của nước Mỹ. Và một trong những nhiệm vụ đầu tiên là hòa giải giữa Israel và các nước Arab.
“Saudi Arabia sẽ mở không phận cho tất cả các chuyến bay dân sự của Israel. Đó là một quyết định lớn không chỉ về thực chất hay biểu tượng. Điều đó có nghĩa là không phận của Saudi Arabia hiện đã mở cho các chuyến bay đến và đi từ Israel. Đây là bước hữu hình đầu tiên trong tiến trình hướng tới bình thường hóa quan hệ trên phạm vi rộng hơn ”.
Thực tế là trong những năm gần đây, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ và Saudi Arabia đã rạn nứt. Mỹ ngày càng thất vọng với Saudi Arabia, từ vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi đến sự miễn cưỡng trong việc ổn định thị trường dầu mỏ, trong khi Saudi Arabia tin rằng Mỹ không còn sẵn sàng đảm bảo an ninh cho nước này.
Tuy nhiên các sự kiện diễn ra hiện nay đang tạo ra bối cảnh cho sự hòa giải giữa hai quốc gia. Cuộc xung đột tại Ukraine, việc Iran tăng tốc chương trình hạt nhân, lạm phát cùng giá năng lượng tăng mạnh đã buộc Mỹ không thể bỏ qua Saudi Arabia với vai trò là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và là nước duy nhất có năng lực đáng kể để tăng sản lượng nhanh chóng. Mặc dù các thỏa thuận tiềm năng trong tương lai có thể đòi hỏi hai bên phải có những nhượng bộ song sẽ là sự thừa nhận thực tế về những ưu tiên chiến lược của mỗi quốc gia.
Hiện chưa thể đánh giá liệu những nỗ lực này có thể thực sự mang lại kết quả hay không, song rõ ràng Mỹ và phương Tây, vốn đang bị mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột ở Ukraine, kỳ vọng chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden ít nhất cũng sẽ thuyết phục được Saudi Arabia tăng hạn ngạch sản xuất dầu./.