Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 21/7 cho biết, cuộc chiến ở Ukraine phải kết thúc để tránh “vực thẳm của chiến tranh hạt nhân”.

Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận việc sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, trong tuần này, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sử dụng mối đe dọa hạt nhân để ngăn chặn một cuộc phản công của Ukraine ở những khu vực đang bị Nga kiểm soát như Kherson, Zaporizhzhia và Lugansk.

Theo Global Security Review, học thuyết quân sự của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công phi hạt nhân nào trên lãnh thổ Nga. 

“Chúng ta phải dừng lại, đạt được thỏa thuận, chấm dứt tình trạng lộn xộn và cuộc chiến ở Ukraine. Hãy dừng lại và chúng ta sẽ tìm ra cách tiếp tục tồn tại. Không cần phải đi xa hơn. Xa hơn sẽ là vực thẳm của chiến tranh hạt nhân. Chúng ta không cần phải đi đến đó”, ông Lukashenko nói với AFP.

Tổng thống Lukashenko cho rằng Ukraine có thể chấm dứt xung đột bằng cách bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga và chấp nhận các yêu cầu của Moscow.

“Mọi thứ phụ thuộc vào Ukraine. Hiện tại, điểm đặc biệt của thời điểm này là cuộc chiến có thể kết thúc với những điều kiện dễ chấp nhận hơn đối với Ukraine”, nhà lãnh đạo Belarus nói.

Tổng thống Lukashenko kêu gọi các nhà chức trách Ukraine “ngồi xuống bàn đàm phán và đồng ý không bao giờ đe dọa Nga”. Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine phần lớn đã tạm dừng vào giữa tháng 4.

Ông Lukashenko cho rằng Ukraine phải chấp nhận mất lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền Đông và miền Nam Ukraine.

Đồng thời, ông Lukashenko cáo buộc phương Tây đang tìm kiếm xung đột với Nga và kích động cuộc chiến ở Ukraine.

“Các vị [phương Tây - ND] đã thúc đẩy cuộc chiến và đang khiến nó tiếp diễn. Chúng tôi đã thấy những lý do của cuộc chiến này. Nếu Nga không hành động trước, các vị sẽ giáng đòn vào họ”, Tổng thống Belarus nói.

Hôm 20/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, mục tiêu quân sự của nước này ở Ukraine không còn chỉ tập trung vào Donbass ở miền Đông, mà mở rộng sang miền Nam và các khu vực khác.

Ngoại trưởng Nga cũng cho biết việc tổ chức đàm phán với Ukraine không có ý nghĩa gì trong tình hình hiện tại. Theo đó, ông Lavrov nhận định các vòng đàm phán đầu tiên với Ukraine cho thấy Kiev không có “mong muốn thảo luận bất cứ điều gì một cách nghiêm túc”./.