Mặc dù bước đi này được đánh giá là nhằm tránh sự cô lập quốc tế nếu Mỹ rút ngay lập tức khỏi thỏa thuận hạt nhân này, nhưng tối hậu thư cũng đặt ra một thách thức ngoại giao đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn được đánh giá là giàu kinh nghiệm đàm phán.

trump_aaml.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA

Bước đi của Mỹ được cho là không quá bất ngờ vì Tổng thống Trăm đã từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo hủy bỏ thỏa thuận được cho là tồi tệ nhất trong mọi thời đại. Thực tế Mỹ có thể tuyên bố không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt theo điều khoản thỏa thuận hạt nhân- cách hiệu quả nhất để xóa bỏ thỏa thuận này.

Tuy nhiên, chắc chắn việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế, trong đó có cả các đồng minh châu Âu. Với tối hậu thư đưa ra thì Mỹ vẫn cam kết với thỏa thuận hạt nhân, kèm theo điều kiện nó cần được sửa đổi.

Có một số nhận định rằng, với sức ép gia tăng và các điều kiện khó được đáp ứng có thể buộc Iran phải tự tay xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân này. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là liệu Tổng thống Trăm có thuyết phục được 3 nước đối tác châu Âu là Anh, Pháp và Đức ủng hộ một thỏa thuận mới được đàm phán lại hay không. 

Cựu cố vấn chính sách của Mỹ Dennis B. Ross cho rằng, Mỹ muốn gây sức ép với Iran thì cần phải có sự ủng hộ của châu Âu. Tuy nhiên nếu các nước châu Âu hiểu rằng bất chấp việc họ có ngồi xuống thảo luận hay không, thì các điều kiện do Mỹ đặt ra cũng khó nhận được sự ủng hộ từ đối tác Iran, khi đó giá trị của thỏa thuận này cũng không còn ý nghĩa.

Cả 3 nước hiện vẫn khẳng định sẽ tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã kí với Iran năm 2015. Tổng thống Donald Trump nỗ lực thuyết phục các nước châu Âu rằng, thỏa thuận hạt nhân là một trong những nguyên nhân xảy ra làn sóng biểu tình tại Iran thời gian qua, khi Chính phủ Iran đã lạm dụng lợi ích từ việc dỡ bỏ trừng phạt để phát triển vũ khí và hỗ trợ các nhóm cực đoan khác trong khu vực.

Tuy nhiên các nước châu Âu lại cho rằng, những gì đang diễn ra tại Iran càng củng cố niềm tin cần bảo vệ thỏa thuận này, vì đây sẽ là một biện pháp răn đe trước bất cứ hành động nào của Chính phủ Iran.

Chưa nói đến phản ứng của Nga và Trung Quốc, 2 nước mà Mỹ không tính đến trong thỏa thuận mới, việc thuyết phục các đối tác châu Âu chấp nhận tham gia đàm phán lại cũng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. 

Thách thức này  không chỉ giới hạn ở vấn đề Iran, khi cuộc khủng hoảng với Triều Tiên đang chuyển hướng sang ngoại giao với các cuộc đàm phán bất ngờ liên Triều  diễn ra. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên.

Tuy nhiên với việc Mỹ đang từng bước xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, mà không chỉ chính quyền Mỹ mà quốc tế đã tích cực đàm phán  trong một thời gian dài, sẽ đặt ra câu hỏi về sự tin cậy của nhà đàm phán Mỹ trong bất cứ một thỏa thuận quốc tế nào.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng khẳng định, bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran là thông điệp  ủng hộ cách tiếp cận ngoại giao giúp ngăn chặn các loại vũ khí hạt nhân trên thế giới: "Chúng tôi bảo vệ Thỏa thuận hạt nhân Iran chống lại bất cứ quyết định nào muốn hủy bỏ nó.

Bởi vì chúng tôi biết cần thiết có một thông điệp rằng luôn có cách tiếp cận ngoại giao để ngăn chặn phát triển vũ khí hạt nhân. Sẽ là thông điệp vô cùng nguy hiểm nếu thỏa thuận duy nhất giúp ngăn sự phát triển vũ khí hạt nhân bị ảnh hưởng”. 

Nhiều nhà quan sát nhận định, trên cả hai mặt trận Iran và Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Trăm buộc phải nghĩ lại chiến lược luôn được điều khiển bởi các cân nhắc quân sự.

Mặc dù còn quá sớm để đánh giá cụ thể về kết quả các cuộc đối thoại liên Triều liệu có mang lại luồng gió mới cho bán đảo Triều Tiên hay không, nhưng Mỹ dường như chưa chuẩn bị tốt cho triển vọng hồi phục quan hệ liên Triều.

Nhiều nhà quan sát cũng bắt đầu đặt ra câu hỏi với một chính quyền luôn tập trung vào các biện pháp gia tăng sức ép, liệu Mỹ có đủ linh hoạt để đáp ứng được những diễn biến hiện nay trên bán đảo Triều Tiên hay không./.