“Tôi phải nhắc lại rằng, người Mỹ rút quân trước ngày 31/8 tới – điều này chỉ là quyết định đơn phương - nó cũng đã sai với thỏa thuận của chúng tôi. Chúng tôi muốn nói với họ rằng, hãy sơ tán trước thời điểm này, vì họ có đủ phương tiện để làm như vậy. Chúng tôi cũng không ủng hộ người Afghanistan rời đi và không cho phép họ rời đi sau ngày 31/8. Chúng tôi cũng không cho phép người Mỹ ở đây”, người phát ngôn của Taliban nhấn mạnh.
Điều này khiến các nước phương Tây phải lập tức đẩy mạnh việc sơ tán công dân và người tị nạn Afghanistan, đồng thời đưa ra những cam kết trấn an tâm lý cho những người chưa được sơ tán.
“Chúng tôi hiện đang đạt tiến độ để hoàn thành mọi việc trước ngày 31/8. Chúng tôi cố gắng hoàn thành càng sớm càng tốt. Mọi hoạt động kéo dài tại Afghanistan chỉ làm gia tăng rủi ro cho quân đội của chúng tôi. Tuy nhiên, việc hoàn thành trước ngày 31/8 cũng còn phụ thuộc vào sự hợp tác của Taliban”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.
Hiện Bỉ đã hoàn tất các chuyến bay sơ tán. Trong khi, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định, hầu hết công dân Anh cũng đã được sơ tán an toàn, song sẽ sử dụng từng giờ, đến từng phút cuối cùng của ngày 31/8 để di dời người Afghanistan tị nạn.
Hôm qua, Đức đã đàm phán với đại diện của Taliban tại Cata về việc để người dân Afghanistan có thể rời đi sau thời hạn 31/8. Taliban đã đồng ý và cho biết, một khi các lực lượng nước ngoài rời đi, các chuyến bay dân sự sẽ sớm được nối lại và mọi người dân có giấy tờ hợp lệ có thể rời đi bằng những chuyến bay thương mại này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, sẽ sử dụng các biện pháp ngoại giao và kinh tế để gây sức ép lên Taliban để nhóm này cho những người bị kẹt lại trong nước đi di tản sau khi hạn sơ tán kết thúc. Theo cập nhật mới nhất từ ông Blinken, từ ngày 14/8, Mỹ và liên quân đã sơ tán được hơn 82.300 người khỏi Kabul. Trong 24 giờ qua, có 19.000 người được sơ tán trên 90 chuyến bay của quân đội Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 1.500 người Mỹ vẫn còn bên trong đất nước Afghanistan, đang chờ liên lạc và hỗ trợ; cùng hàng nghìn binh sĩ quân đội nước này đang ở sân bay.
Trong khi đó, theo ghi nhận tại sân bay Kabul, còn khoảng 10.000 người đang có mặt ở đây để chờ được sơ tán, chưa tính đến những người chưa vào được sân bay.
Chỉ còn vài ngày nữa thời hạn sơ tán sẽ kết thúc. Tuy nhiên, việc sơ tán đang gặp không ít khó khăn. Mỹ, Anh và Australia ngày 25/8 đã phải đưa ra khuyến cáo công dân không nên đến sân bay Kabul ở thời điểm hiện tại, do lo sợ bất ổn an ninh, với nguy cơ “rất cao” xảy ra các cuộc tấn công khủng bố do tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng tiến hành. Thậm chí, Đại sứ quán Mỹ tại Kabul còn khuyến cáo những công dân đã có mặt tại các cổng sân bay rời đi ngay lập tức và tránh mọi đám đông. Hiện khuyến cáo này vẫn chưa được rút lại.
Dù khó khăn, song thời hạn chót để các nước phương Tây sơ tán khó có thể thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cho biết đã được phía Taliban nhờ hỗ trợ kỹ thuật để vận hành sân bay Kabul sau khi Mỹ rời đi vào ngày 31/8. Theo quan điểm trước đó của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, binh sĩ nước này sẽ ở lại sân bay Kabul nếu được Taliban yêu cầu.
Trái ngược với cảnh muốn rời đi của một bộ phận hàng nghìn người Afghanistan, từng hỗ trợ các nước phương Tây; thì tại biên giới với Pakistan, nhiều người dân Afghanistan tị nạn tại quốc gia láng giềng lại đang trở về vì cho rằng chiến tranh đã kết thúc và tin tưởng Taliban có thể đem lại sự ổn định.
Trên thực tế, Taliban đang nỗ lực ổn định tình hình đất nước; đẩy mạnh đối thoại đàm phán với lực lượng phản kháng tại khu vực Panjshir; bổ nhiệm các chức vụ quan trọng hướng tới một chính phủ mới với những người đứng đầu Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Tài chính và Thống đốc ngân hàng, các tỉnh trưởng là các chỉ huy quân sự dày dặn kinh nghiệm chiến trường. Hôm nay, một quan chức Taliban khẳng định, họ đang dùng tính mạng của mình để bảo vệ an ninh bên ngoài sân bay Kabul, tạo điều kiện cho việc sơ tán của các nước phương tây có thể diễn ra, trong bối cảnh khả năng cao IS sẽ tấn công khủng bố./.