Ai Cập đang chạy đua với thời gian để làm rõ nguyên nhân chiếc máy bay mang số hiệu MS084 của Hãng Hàng không Ai Cập gặp nạn ngày 19/5 trên Địa Trung Hải, làm toàn bộ 66 người thiệt mạng. Nhà chức trách Ai Cập đã xem xét đến giả thiết khủng bố đứng sau vụ rơi máy bay này, trong bối cảnh Ai Cập đã thắt chặt an ninh sau liên tiếp sự cố hàng không trong thời gian qua.

Tổng thống Ai Cập Fattah al-Sisi đã yêu cầu Bộ Hàng không và quân đội triển khai mọi biện pháp cần thiết để tìm kiếm mảnh vỡ của chiếc máy bay, cũng như làm rõ nguyên nhân vụ việc. 

1800_znjp_pqgm_irlw.jpg
Tàu của Hải quân Ai cập tìm kiếm mảnh vỡ của chiếc máy bay mất tích. (Ảnh: Getty)
.

Tại thời điểm này, giới chức Ai Cập không loại trừ bất cứ nguyên nhân nào dẫn đến thảm kịch hàng không này, trong đó, giả thiết tấn công khủng bố được chú ý nhiều hơn so với khả năng máy bay gặp trục trặc kỹ thuật, bất chấp việc Ai Cập đã triển khai vô số biện pháp an ninh để đối phó.

Bộ trưởng Hàng không Ai Cập Sherif Fathi cho biết: “Các máy bay cất cánh sau khi trải qua hàng loạt biện pháp kiểm tra an ninh. Các hành khách cũng phải qua nhiều cửa kiểm soát theo đúng các quy định an ninh được áp đặt tại tất các sân bay trên thế giới. Một máy bay sẽ không được phép cất cánh cho đến khi mọi yếu tố an ninh được đảm bảo”.

Chiếc Airbus A320 của Hãng hàng không Ai Cập gặp nạn vào thời điểm nhiều khó khăn đang bủa vây Ai Cập. Đặc biệt là những mối đe dọa an ninh từ các nhóm phiến quân Hồi giáo trên Bán đảo Sinai, nơi một máy bay chở khách của Nga bị rơi tháng 10/2015, làm 224 người thiệt mạng.

Tổng thống Ai Cập tháng 2 vừa qua đã thừa nhận các phần tử khủng bố chính là thủ phạm gây ra thảm kịch cho chiếc máy bay A321 của hãng hàng không Metrojet của Nga.

Với Hãng hàng không Ai Cập, vụ rơi máy bay mang số hiệu MS084 ngày 19/5 là sự cố hàng không nghiêm trọng thứ 2 của hãng này trong vòng 2 tháng qua. Trước đó, hôm 29/3 một máy bay chở theo 181 người của Hãng hàng không Ai Cập từ Alexandria tới Cairo đã bị không tặc và phải hạ cánh khẩn cấp xuống Larnaca, Cộng hòa Síp. 

Phi hành đoàn và các hành khách trên chuyến bay đã bị đe dọa bởi một người đàn ông cuốn đai bom giả trên người và dọa đánh bom liều chết. Vụ việc sau đó đã được xử lý và không có hành khách nào bị thương, song nó đã gây tổn thất không nhỏ cho Hãng hàng không Ai Cập nói riêng và cả ngành du lịch nước này nói chung.

Vụ mất tích máy bay ngày 19/5 tiếp tục là một đòn giáng mạnh vào ngành du lịch Ai Cập, vốn là nguồn thu nhập quan trọng cho nền kinh tế nước này. Các thống kê cho thấy, trong quý 1 năm nay, số khách du lịch tới Ai Cập đã giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Jean-Luc Leborgne, một khách du lịch thường xuyên tới Ai Cập cũng không giấu sự thất vọng: “Chúng tôi đã rất thất vọng. Bạn biết đấy có tới 80% khách sạn tại Sharm el-Sheikh đã đóng cửa. Nhịp sống và các hoạt động tại đây gần như mất đi. Dù vậy, sau thảm họa rơi máy bay ngày 19/5, chúng tôi vẫn quyết định sẽ tiếp tục chuyến đi của mình”.

Hãng lữ hành lớn nhất tại Anh Thomas Cook ngày 20/5 cho biết nhiều du khách đã từ bỏ những địa điểm nghỉ dưỡng quen thuộc tại Ai Cập, Tunisia hay Thổ Nhĩ Kỳ và lựa chọn các điểm đến mới ở phía Tây Địa Trung Hải như Tây Ban Nha.

Một số quốc gia châu Âu như Anh đã ngừng các chuyến bay tới vùng nghỉ dưỡng nổi tiếng Sharm el-Sheikh của Ai Cập. Điều này khiến số lượng du khách đặt tour tới Ai Cập giảm 5% trong mùa hè này và cổ phiếu của Thomas Cook đã rớt giá 19% sau vụ rơi máy bay của Hãng hàng không Ai Cập ngày 20/5./.