Tại cuộc họp hội đồng thường trực của Tổ chức Hiệp ước về An ninh tập thể, đại diện thường trực của Dushanbe tại Tổ chức này Hasan Sultonov cho biết, “Tajikistan, với tư cách là quốc gia có đường biên giới dài nhất với Afghanistan, đang thực hiện các biện pháp cần thiết để kiềm chế tình hình và chống lại các mối đe dọa và thách thức xuất phát từ nước này. Nhưng rất khó để đối phó với nhiệm vụ này một mình”.
Theo Tajikistan, tình hình đòi hỏi phải có "phản ứng tương xứng" từ Tổ chức Hiệp ước về An ninh tập thể. Ông Sultonov nói thêm, cần phải tăng cường tiềm lực "để bảo vệ các biên giới phía nam". Trong bối cảnh đó, cần đảm bảo thực hiện quyết định của Hội đồng An ninh tập thể ngày 23/9/2013 “về việc hỗ trợ Cộng hòa Tajikistan trong việc củng cố biên giới Tajikistan-Afghanistan”.
Ở Afghanistan, đang diễn ra cuộc đối đầu giữa lực lượng chính phủ và các tay súng của phong trào Taliban cực đoan, những kẻ đã chiếm giữ các vùng lãnh thổ quan trọng ở các vùng nông thôn và tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các thành phố lớn. Bất ổn đang gia tăng trong bối cảnh Mỹ hứa sẽ rút toàn bộ quân khỏi nước cộng hòa vào ngày 11/9.
Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, tình hình ở Afghanistan đang xấu đi nhanh chóng, “bao gồm trong bối cảnh quân đội Mỹ và các nước NATO khác đang rút quân vội vã”. Ông lưu ý, gần đây Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của Tajikistan và Uzbekistan và đang tiếp xúc với những người đứng đầu các nước cộng hòa khác ở Trung Á.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Moscow sẽ làm mọi cách để ngăn chặn mọi hành động gây hấn chống lại các đồng minh của mình trong Tổ chức Hiệp ước về An ninh tập thể, bao gồm cả việc sử dụng căn cứ quân sự ở biên giới Tajik-Afghanistan.
Các đại diện của ban thư ký Tổ chức này đã đến thăm khu vực biên giới hôm 6/7, đánh giá tình hình và sẽ báo cáo với hội đồng thường trực của tổ chức.
Việc quân đội Mỹ và NATO chính thức rút khỏi lãnh thổ Afghanistan bắt đầu từ ngày 1/5. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo, quân đội Mỹ sẽ hoàn toàn rời khỏi Afghanistan trước ngày 11/9. Theo ý kiến của ông, lực lượng quân sự của các quốc gia khác không thể tạo ra cũng như hỗ trợ chính quyền địa phương. Trước đó, trong năm 2020, các quan chức Washington và Taliban đã ký ở Doha thỏa thuận hòa bình đầu tiên trong hơn 18 năm chiến tranh. Nó xem xét việc ra đi của quân đội nước ngoài, trao đổi tù nhân và bắt đầu một cuộc đối thoại liên Afghanistan.
Hiện tại, những kẻ cực đoan đã kiểm soát tới 70% biên giới Afghanistan-Tajikistan. Một phần quân nhân của lực lượng chính phủ Afghanistan buộc phải rút về lãnh thổ của quốc gia láng giềng. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, Tajikistan thông báo điều động quân đội./.