Các tay súng của phe đối lập Syria (Ảnh: AFP) |
Dư luận quốc tế chưa kịp hy vọng vào giải pháp chính trị cho Syria tại Hội nghị hòa bình ở Geneva (Thụy Sỹ), vào giữa tháng 6, thì đã thất vọng bởi việc châu Âu để cho lệnh cấm vận vũ khí đối với nước này hết hạn.
Trong khi đó, Nga lại gửi thêm tên lửa S-300 hiện đại tới Sirya. Những động thái này làm dấy lên sự lo ngại về một cuộc đua vũ trang trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc các nhóm đối lập Syria mất đoàn kết trong việc chọn ra đại diện tham dự hội nghị hòa bình cũng cho thấy, Syria thiếu mọi yếu tố để hình thành một nền tảng thật sự cho giải pháp chính trị.
Trong một tuyên bố hôm qua (28/5), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, việc phe đối lập Syria thiếu ban lãnh đạo là rào cản chính cho hội nghị hòa bình do Nga và Mỹ đề xuất.
Trước đó, giới phân tích đã nhận định rằng phe đối lập ở Syria “chưa hợp đã tan” do mâu thuẫn gay gắt về lợi ích và quan điểm giữa những người theo đường lối tự do với các nhóm của Phong trào anh em Hồi giáo.
Mâu thuẫn nội bộ đã khiến Chủ tịch Hội đồng dân tộc Syria (SNC) Moaz al-Khatib phải tuyên bố từ chức hồi tháng 3 vừa qua.
Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arập thống nhất Anwar Mohammed Gargash lấy làm thất vọng vì đến hội nghị ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vừa qua, các nhóm đối lập Syria vẫn chưa thể chọn ra một nhân vật có thẩm quyền thay mặt họ tham dự hội nghị hòa bình cho Syria tại Geneva vào tháng 6 tới.
“Phe đối lập nên đại diện cho tất cả người Sanni, Siai, Alauy và những người dân Syria thuộc mọi tôn giáo. Chỉ có thể họ mới có thể quy tụ được sự ủng hộ cần thiết cho những bước đi tiếp theo. Những gì xảy ra ở Istanbul thật đáng thất vọng.”
Lúc này, dư luận quốc tế nhớ lại kịch bản chạy đua vũ trang ở Syria, điều đã được nhắc tới cuối năm ngoái, khi Hội đồng dân tộc Syria tuyên bố đã nhận được sự đảm bảo của không dưới 10 chính phủ châu Âu về việc cung cấp vũ khí để chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, xét trên quan điểm của Mỹ và phương Tây, vào thời điểm đó và ngay cả bây giờ, các nước này không thể mạo hiểm viện trợ sát thương cho một đội quân không có sự lãnh đạo thống nhất về mặt chính trị.
Còn xét một cách trung lập, Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu, Iran và Israel đều ý thức được mức độ nguy hiểm của “quả bom nổ chậm” Syria, đặc biệt trong bối cảnh Phong trào Hezbollah liên tục tuyên bố “sẵn sàng tham chiến để bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad”.
Điều này chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng và khoét sâu những mâu thuẫn giáo phái và kéo các nước láng giềng vào vóng xoáy đổ máu.
Vì vậy có thể nói, con đường đến hội nghị hòa bình cho Syria vẫn chưa bị phong tỏa, nhưng hy vọng hội nghị này thành công gần như là điều không tưởng./.