Năm 1977, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã đối mặt với một số vấn đề, theo Joseph Thorndike, một nhà sử học chuyên về chính sách thuế của tổng thống. Số tiền thuế liên bang của ông Carter vào năm 1976 đã được giải quyết nhờ khoản đầu tư lớn mà ông có được từ việc mua thiết bị và các tòa nhà cho trang trại trồng lạc của mình.
Khi trả lời tờ The Washington Post vào thời điểm đó, ông Carter rất buồn vì có cảm giác những người giàu có như ông nên trả ít nhất một số loại thuế. Vì vậy, ông đã tự nguyện trả cho Bộ Tài chính Mỹ 6.000 USD, tương đương 15% tổng thu nhập đã điều chỉnh và nhiều hơn so với 14% mà những người nộp thuế trung bình phải trả trong năm đó.
Tuy nhiên, thời gian đã thay đổi nhiều thứ. Hiện tại, Tổng thống Trump có thể đang trả thuế thu nhập liên bang ít hơn so với mức trung bình mà người Mỹ phải nộp.
Ngày 27/9, tờ New York Times đưa tin Tổng thống Trump chỉ trả 750 USD tiền thuế thu nhập liên bang trong năm đầu tiên đương chức. Đây là mức đóng thuế năm đầu tiên thấp nhất so với bất kỳ tổng thống nào, ít nhất kể từ thời cựu Tổng thống Carter và ít hơn đáng kể so với mức trung bình mà gia đình trung lưu tại Mỹ phải đóng.
Ngược lại, người tiền nhiệm của ông Trump, cựu Tổng thống Barack Obama đã trả gần 1,8 triệu USD tiền thuế thu nhập liên bang trong năm đầu tiên cầm quyền, phần lớn dựa vào tiền bản quyền từ việc bán sách của ông.
Số tiền thuế liên bang trong năm đầu tiên của cựu Tổng thống George W. Bush là 250.221 USD, phần lớn dựa trên tiền lương tổng thống và thu nhập đầu tư từ các quỹ ủy thác mà ông có toàn quyền với tài sản. Các tổng thống tiền nhiệm của ông Trump từng đóng hàng chục nghìn USD tiền thuế trong những năm đầu cầm quyền.
Ngày 28/9, Tổng thống Trump viết trên Twitter: “Tôi đã trả nhiều triệu USD tiền thuế, nhưng cũng giống như tất cả mọi người, tôi được hưởng khấu trừ và tín dụng thuế”.
Ông Trump cũng tuyên bố tài sản của ông vượt xa các khoản nợ và đề cập đến việc tặng lương tổng thống của mình. Tuy nhiên, mức lương đó chỉ là một phần nhỏ so với thu nhập và thua lỗ mà ông Trump báo cáo về doanh nghiệp của mình. Khoản tiền này không ảnh hưởng nhiều đến số thuế tổng thể của Tổng thống đương nhiệm.
Eugene Steuerle, một thành viên tại Viện đô thị (Mỹ) cho biết: “Hầu như không ai trong số những người tiền nhiệm của ông Trump là nhà tư bản lớn. Phần lớn thu nhập của họ là tiền lương và trong một số trường hợp là tiền bản quyền sách. Những khoản đó có xu hướng bị đánh thuế khá cao”.
Tuy nhiên, đối với Tổng thống Trump thì khác. Ông nổi bật với khối tài sản khổng lồ, áp đảo bất kỳ người tiền nhiệm nào. Sự giàu có đó phần lớn đến từ bất động sản thương mại và cổ phần trong các khu nghỉ dưỡng được giám sát bởi hàng trăm tổ chức kinh doanh khác nhau. Theo tờ The New York Times, điều này cho phép ông Trump giảm bớt gánh nặng thuế liên bang bằng cách khai thác lỗ hổng trong bộ luật thuế và khai báo khoản lỗ lớn đối với những dự án này.
“Phần lớn những người rất giàu có thể dễ dàng tránh bị đánh thuế cá nhân do các luật thuế cho phép họ quyết định về số thuế phải nộp, luật phá sản cho phép họ chuyển lỗ cho người khác ngay cả khi họ vẫn giữ được lợi nhuận ở nơi khác. Các hoạt động cho vay ngân hàng có lợi cho người giàu và chính sách tiền tệ trong 3 thập kỷ qua đã trợ cấp rất nhiều cho các nhà đầu tư giàu có”, Steuerle nói.
Tại một cuộc tranh luận tổng thống năm 2016, ông Trump khoe rằng mình “thông minh” khi không trả thuế thu nhập liên bang. Không giống như mọi ứng viên tổng thống khác kể từ thời cựu Tổng thống Richard Nixon, ông Trump đã từ chối công bố bản khai thuế. Các tài liệu do The New Yorks Times phân tích cho thấy, Tổng thống đương nhiệm có khoản nợ hơn 400 triệu USD sắp đến hạn thanh toán.
Nhà sử học về thuế Thorndike cho biết: “Tổng thống không giống bất kỳ ai khác. Họ là người nộp thuế và người đứng đầu về việc thu thuế. Họ là người thực thi thuế của chính họ”. Bởi vậy, ông Thorndike nói rằng, nên có một luật bắt buộc công khai hồ sơ thuế của tổng thống, nếu không, thực sự không có cách nào chắc chắn rằng họ đang thực hiện đúng nghĩa vụ của mình./.