Theo tạp chíForeign Policy, động thái mới nhất của Hải quân Mỹ diễn ra ngày 30/1 khi họ điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Willbur tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam.
Tàu USS Curties Wilbur. Ảnh Hải quân Mỹ |
Trung Quốc- nước ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu khắp Biển Đông- đã gọi đây là hành động xâm phạm lãnh hải của nước này và cáo buộc phía Mỹ “khiêu khích một cách không cần thiết cũng như cố tình gây hiềm khích giữa Trung Quốc với các nước láng giềng”.
Theo Giáo sư Julian Ku tại Đại học Hofstra, dù trên thực tế tình hình trong khu vực đang căng thẳng và sẽ tiếp tục leo thang, các cuộc tuần tra mà Mỹ tuyên bố là để “đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông” khó có thể coi là hành động gây ra hay thậm chí là làm leo thang căng thẳng.
Giáo sư Ku giải thích, Trung Quốc cần nhớ rằng, các cuộc tuần tra tương tự như những gì mà Mỹ đang thực hiện là một phần trong chính sách của Hải quân Mỹ và được lực lượng này thực hiện trên khắp thế giới ít nhất là từ năm 1979 và Trung Quốc không phải là nước duy nhất trở thành mục tiêu của các cuộc tuần tra như vậy của Mỹ.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, riêng trong năm 2014, Mỹ đã thực hiện các cuộc tuần tra như vậy tại các quốc gia như Argentina, Brazil, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Libya, Malaysia, Maldives, Nicaragua, Oman, Peru, Philippines, Sri Lanka và Venezuela cũng như ở Trung Quốc. Mặc dù vậy, Trung Quốc chưa bao giờ lên án hoạt động của Mỹ tại các quốc gia khác với giọng điệu mạnh mẽ như khi tàu Mỹ đi vào lãnh hải của Trung Quốc.
Cũng theo Giáo sư Ku, với việc truyền thông Trung Quốc “chĩa mũi dùi vào hoạt động của Mỹ” cho thấy chính Trung Quốc chứ không phải Mỹ đang cố tình biến hoạt động tuần tra thông thường thành nguồn gốc gây ra căng thẳng Mỹ- Trung cũng như giữa Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực.
Ngoài ra, theo Giáo sư Ku, các cuộc tuần tra của Mỹ không thể là nhằm “thách thức chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc” trong khu vực. Bản thân Mỹ cũng nhiều lần tuyên bố, các cuộc tuần tra này chỉ nhằm bảo vệ “quyền tự do hàng hải” theo đúng luật pháp quốc tế.
Hình ảnh vệ tinh một đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông rồi ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước khi đi qua. Ảnh CSIS |
Theo Điều 17 và 19 của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS 1982) “tàu của mọi quốc gia” có quyền đi qua lãnh hải của một quốc gia chừng nào việc đi qua này không “gây ảnh hưởng đến hòa bình, trật tự và an ninh của quốc gia nói trên”.
…và bắt đầu xuống thang
Trong vụ việc ngày 30/1, sau khi tàu Curtis Wilbur đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, hoạt động này của tàu Mỹ vi phạm luật năm 1992 của Trung Quốc trong đó yêu cầu tàu chiến nước ngoài phải xin phép trước mới được đi vào lãnh hải nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, những quân nhân của Trung Quốc trên đảo Tri Tôn đã phản ứng bằng các theo dõi hoạt động tuần tra và la hét về phía tàu Curtis Wilbur.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại đưa ra “một phiên bản khác” về sự đáp trả của nước này. Theo đó, binh sĩ và tàu chiến của Trung Quốc đã nhanh chóng phát hiện ra tàu khu trục Curtis Wilbur và đã nhanh chóng phát tín hiệu cảnh báo và ngăn chặn tàu này.
Có thể tuyên bố ban đầu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là không chính xác vì họ không thể nắm rõ tình hình trên thực địa như Bộ Quốc phòng nước này. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy sự phối hợp “thiếu ăn ý” giữa hai Bộ này liên quan đến những gì đang xảy ra ở Biển Đông.
Kể cả phản ứng “cảnh báo và ngăn chặn” tàu Mỹ nếu đúng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho thấy nước này đã hết sức kiềm chế trong vụ này. Sự kiềm chế này cũng được Trung Quốc thể hiện hồi tháng 10/2015, khi Hải quân Trung Quốc chỉ “theo dõi và cảnh báo” tàu USS Lassen của Mỹ tuần tra quanh đảo Subi thuộc quần đảo Trường Sa. Trong cả hai vụ này, tàu Hải quân Trung Quốc đều không tìm cách ngăn chặn hay đâm va vào tàu Mỹ.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen đã thực hiện một cuộc tuần tra ở Biển Đông hồi tháng 10 tương tự như tàu USS Curtis Wilbur. Ảnh Hải quân Mỹ. |
Chính vì thế, theo các chuyên gia, Mỹ cần tận dụng cơ hội này để tiến hành một cuộc đối thoại chiến lược thực sự với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Việc Mỹ cứ tiếp tục “gây sức ép” với Trung Quốc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác”./.