“Trên đe” bằng biểu tình
Cuộc khủng hoảng kinh tế đang khiến Ukraine đứng trên bờ vực vỡ nợ. Đầu tháng 6, phái đoàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Ukraine dự báo GDP nước này sẽ suy giảm 9% và lạm phát chạm mốc 46% trong năm nay.
Theo Ngân hàng Quốc gia Ukraine, tổng nợ của nước này ước tính vào khoảng 50 tỷ USD, nợ khu vực công hiện chiếm 71% GDP và dự kiến sẽ là 94% GDP trong năm nay. Trong đó 30 tỷ USD là nợ quốc tế và 17 tỷ USD là trong nội địa.Ukraine đứng trên bờ vực vỡ nợ là nguyên nhân khiến người dân Kiev biểu tình đòi Tổng thống từ chức |
Nga là một trong những chủ nợ lớn nhất của Ukraine và dự kiến Kiev trả hết khoản nợ 3 tỷ USD vào cuối năm 2015. Trong tháng này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Sergey Storchak cảnh báo Kiev sẽ phải trả 75 triệu USD trong số 3 tỷ USD trên, sẽ đến hạn vào ngày 22/6 tới.
Bất chấp việc ngày 12/3 năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhất trí cho Ukraine vay tín dụng trị giá 17,5 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế của quốc gia này. Số tiền này sẽ được giải ngân trong vòng 4 năm. Mặc dù vậy, gói cứu trợ 17,5 tỷ USD của IMF chưa thấm vào đâu so với số tiền mà Kiev cần.
Hôm 16/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraine Natalie Jaresko thừa nhận quốc gia Đông Âu đang bị Nga thúc món nợ 3 tỷ USD và nước này đang “đau đầu” tìm cách để trả số nợ này một cách sớm nhất.
Người dân Kiev đã đón nhận những thông tin kinh tế “bi đát” bằng cơn thịnh nộ trên quảng trường Maidan suốt 1 tuần qua. Người dân mang theo biểu ngữ “Chúng tôi đói”, “Hãy tăng tiền lương hưu” tuần hành dọc từ phố Khreshchatyk cho đến trung tâm thủ đô.
Họ đòi Chính phủ của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk phải từ chức còn Tổng thống Petro Poroshenko thì phải bị đưa ra tòa xét xử. Người biểu tình cho rằng, họ là những nhà lãnh đạo thất bại khi không đảm bảo được cuộc sống cho người dân.
Một số khác đến khu vực hành chính ở Kiev yêu cầu tăng tiền trợ cấp xã hội và giải quyết vấn đề việc làm.
Cuối tuần qua, Kiev phải điều Vệ binh Quốc gia tới bảo vệ tòa nhà quốc hội khi hàng trăm người xuống đường biểu tình vì lo lắng sẽ bị mất trắng số tiền gửi trong các ngân hàng.
Cuộc chiến đang diễn ra ở miền Đôngcũng như những chính sách quản lý kinh tế của Kiev không hiệu quả khiến đồng hryvnia xuống giá thê thảm, và tương lai còn dự báo sẽ ảm đạm hơn.
“Dưới búa” đòi chiến tranh
Đảng Cánh hữu Ukraine cuối tuần qua đã ra “tối hậu thư” dành cho ông Poroshenko.
Những người theo đường lối chủ nghĩa dân tộc cực đoan này yêu cầu Tổng thống Ukraine phải nhanh chóng đưa quân đi đánh Donbass, chấm dứt Thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Nếu không “lịch sử” cuộc nổi dậy Maidan như đã từng làm với cựu Tổng thống Yanukovych có nguy cơ tái diễn…Các thành viên của đảng Cánh hữu đòi Tổng thống Poroshenko tấn công lực lượng miền Đông Ukraine (ảnh: RT) |
Trên trang web của mình, nhóm Cánh hữu Ukraine công bố: “Chúng tôi yêu cầu chính quyền của Tổng thống Poroshenko bác bỏ các thoả thuận Minsk và phát động trở lại chiến dịch tấn công quân sự nhằm giải phóng những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở miền Đông Ukraine”.
“Chúng tôi cũng yêu cầu Tổng thống cải tổ nhân sự trong Bộ Quốc phòng và Quân đội, trừng phạt thích đáng các tội phạm nhà nước thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovich, có những bước đi thực sự trong cuộc chiến chống tham nhũng…”.
Tuyên bố trên của nhóm Cánh hữu được đưa ra sau khi xảy ra tình trạng leo thang bạo lực ở những khu vực lãnh thổ nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine.
Phái đoàn đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE ) cho biết trong một bản báo cáo hồi cuối tuần vừa rồi rằng, họ đã thấy “tình trạng leo thang bạo lực ở mức độ cao hơn trong những ngày gần đây” ở khu vực xung quanh nơi từng là sân bay Donetsk.
Nhóm Cánh hữu nổi lên là một liên minh của những thành phần chủ nghĩa dân tộc quá khích, cực đoan được thành lập năm 2013 và quyết định trở thành một đảng phái chính trị vào năm 2014.
Nhóm này đóng vai trò chủ chốt trong lực lượng thực hiện cuộc nổi dậy Maidan hồi đầu năm ngoái đồng thời cũng nổi danh là một trong những thành phần hung hăng nhất trong các cuộc giao tranh đường phố dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Yanukovych. Sau đó, nhóm Cánh hữu cũng là thành phần chiến đấu ác liệt nhất ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, nhóm này lại đang phải vật lộn để tìm chỗ đứng chính trị ở Ukraine sau sự kiện Maidan. Trong các cuộc biểu tình ở Maidan hay các cuộc giao tranh, đụng độ ở miền Đông Ukraine, nhóm Cánh hữu tỏ ra hữu dụng với chính quyền Kiev nhưng vào thời điểm hiện nay, khi Kiev đang chật vật củng cố chính quyền thì nhóm Cánh hữu lại khiến Tổng thống Poroshenko phải đau đầu.
Nguy cơ bị đảo chính?
Tổng thống Poroshenko đã thể hiện nỗi lo lắng ra mặt về tương lai của mình, có khả năng sẽ ảm đạm như người tiền nhiệm Yanukovych.Ông Poroshenko đang lo mất ghế Tổng thống Ukraine (ảnh : AP) |
Sputnikđưa tin hôm 20/6, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko yêu cầu tòa án hiến pháp thừa nhận cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych hồi tháng 2/2014 là bất hợp pháp. Đây là động thái hoàn toàn bất ngờ bởi trước đó, ông Poroshenko là người đã rất tích cực ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ cuối 2013, dẫn đến việc lật đổ ông Yanukovych tháng 2/2014.
Ông Poroshenko cho rằng, việc lật đổ người tiền nhiệm là vi hiến, bởi hiến pháp khẳng định Tổng thống Ukraine được bảo vệ bởi pháp luật và chức danh tổng thống sẽ được gắn liền với ông mãi mãi.
Quyết định phế truất ông Yanukovych của quốc hội là hành động làm suy yếu hiến pháp.
Trước tuyên bố đầy bất ngờ của Tổng thống Ukraine, báo Nga dẫn nhận định của đại diện đàm phán hòa bình của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, ông Denis Pushilin: “Quyết định về việc tước bỏ danh hiệu tổng thống của ông Viktor Yanukovych là một tiền lệ mà ông Poroshenko tuyệt đối không muốn có. Ông Poroshenko đang chuẩn bị trước cho tương lai của chính mình”.
Nói rõ hơn theo ông Pushilin, đương kim Tổng thống Ukraine đang “vật vã” tìm một giải pháp rời chính trường êm ả hơn người tiền nhiệm Yanukovych, trong trường hợp xấu nhất xảy ra./.