Thế kỷ 21 sẽ được định hình và chi phối bởi mối quan hệ giữa siêu cường Mỹ và một Trung Quốc đang nổi. Một cuộc Chiến tranh Lạnh sẽ đe dọa đến trật tự của thế giới, trong khi đó sự hợp tác cùng có lợi có thể mang lại cho tất cả các bên sự thịnh vượng. Kịch bản hợp tác cùng có lợi dễ xảy ra hơn trong xu thế chung của thời đại. Tài nguyên địa lý, kinh tế và năng lượng của Mỹ và Trung Quốc có thể thúc đẩy sự hợp tác gần gũi hơn giữa hai bên.                                              

Thứ nhất là về địa lý. Mỹ nằm ở lục địa giàu tài nguyên nhất là Bắc Mỹ. Khu vực Trung tâm Tây Mỹ có đất đai màu mỡ với những con sông lớn nhất thế giới thuận tiện cho giao thông đường thủy, cho phép xuất khẩu thực phẩm và các sản phẩm khác với giá cả cạnh tranh. Các quốc gia lân cận Mỹ hoặc là có lịch sử thân thiện (như Canada) hoặc thiếu khả năng để tạo ra sự đe dọa đối với Mỹ (Trung Mỹ và vùng Carribean) nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Môi trường thuận lợi này cho phép Mỹ tập trung thể hiện sức mạnh và thống trị thương mại hàng hải toàn cầu. Do Trung Quốc nằm ở phía bên kia đại dương, mặc dù Hải quân Mỹ có sự hiện diện lớn ở vùng biển này, nên không nước nào trực tiếp đe dọa đến bên còn lại.

obama_tap_can_binh_qhya.jpgÔng Obama (phải) và ông Tập (ảnh: White House)
Trong khi đó, Trung Quốc có dân số đông và diện tích lớn cùng với đường bờ biển dài. Tuy nhiên, sự chú trọng của Trung Quốc trong quá khứ chỉ là ở nội địa, ngoài những nỗ lực xây dựng sức mạnh hải quân để vươn ra bên ngoài. Lãnh thổ trung tâm của Trung Quốc có thể bị tổn thương bởi Nga ở phía Bắc, Nhật Bản ở phía Đông, nhiều nước "cứng rắn" ở phía Tây, và các quốc gia đang nổi lên là Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam ở phía Nam. Nói cách khác, Trung Quốc bị “bủa vây”, và những mối đe dọa lớn nhất là từ các cường quốc đất liền, đặc biệt là từ Nga và Ấn Độ. Vì thế Trung Quốc không thể đương đầu với Mỹ, vì Trung Quốc cần sự hỗ trợ của Mỹ hoặc đứng ngoài cuộc trong bất cứ cuộc xung đột nào với Nga hoặc Ấn Độ.

Thứ hai là về kinh tế. Nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc tất yếu sẽ trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn, và các nền kinh tế khi liên kết chặt chẽ với nhau thường dẫn đến sự liên minh về địa chiến lược. Mỹ theo mô hình kinh tế tự do với chu kỳ thịnh vượng và suy thoái khắc nghiệt hơn so với các hệ thống kinh tế kế hoạch. Trong các cuộc suy thoái, các công ty thường giảm quy mô hoặc rút khỏi kinh doanh gây ra tình trạng thất nghiệp cao. Kinh tế Mỹ có thể chịu đựng sự lên xuống này bởi vì Mỹ từ lâu đã quyết định đánh đổi sự ổn định kinh tế cho sự tăng trưởng dài hạn hơn. Sự tăng trưởng này cùng với những lợi thế khác giúp Mỹ ở vị thế là một siêu cường trong thời gian dài. Mỹ sử dụng những lợi thế của mình để duy trì một "trật tự thương mại" toàn cầu dưới hình thức các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới. Điều này mang lại tăng trưởng kinh tế cho thế giới cũng như sự thành công của nền kinh tế dựa vào tiêu dùng của Mỹ.

Trái lại, nền kinh tế Trung Quốc là dạng "chủ nghĩa tư bản nhà nước" khác hẳn với các mô hình "quán quân nhà nước" của châu Âu. Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu các sản phẩm chế tạo sang Mỹ của Trung Quốc khiến cho hai nền kinh tế phụ thuộc vào nhau hơn. Sự vượt lên về tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ của Trung Quốc sẽ sớm kết thúc mà chưa có được sự tiến triển về việc chuyển dịch sang một kinh tế dựa vào tiêu dùng nhiều hơn. Trung Quốc chưa đạt được mục tiêu về sự phân phối bình đẳng về tài nguyên và lợi ích mà sự tăng trưởng kinh tế mang lại. Những bất bình đẳng này là nguyên nhân của những bất ổn trong nước. Sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế đã dẫn tới những đấu đá chính trị trong nước và điều này có thể sẽ tiếp tục trong tương lai.

Mỹ có thế mạnh trong các lĩnh vực như sản xuất thực phẩm, giáo dục, công nghệ và chế tạo công nghiệp chính xác. Trong khi đó Trung Quốc mạnh ở các lĩnh vực như công nghiệp nặng, chế tạo nhẹ và lao động rẻ. Đây là điều kiện để hai bên hợp tác kinh tế hơn nữa trong những lĩnh vực là thế mạnh của mỗi bên.

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nhập khẩu năng lượng của Mỹ

Cuối cùng là về năng lượng. Mỹ và Trung Quốc sẽ xích lại gần nhau hơn về mặt địa chính trị do những lợi ích năng lượng. Hầu hết các chính sách ngoại giao của Trung Quốc đều tập trung vào các nỗ lực tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, đặt biệt là dầu mỏ. Trong những thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ nỗ lực để có thể tự túc năng lượng thông qua việc mở rộng năng lực thủy điện và các nhà máy nhiệt đốt cháy bằng than đá.

Khu vực Green River Shale giàu tài nguyên đá phiến sét chứa dầu ở Utah, Mỹ
Tình hình năng lượng của Mỹ, đặc biệt là các nguồn tài nguyên về dầu mỏ và khí tự nhiên, có ưu thế vượt trội so với Trung Quốc. Dầu mỏ là loại tài nguyên không thể phục hồi, và các quốc gia OPEC rất có thể sẽ không có khả năng để đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ hiện nay kiểm soát nguồn dự trữ dầu chưa khai thác lớn nhất thế giới, đó là Lưu vực sông Green River (ở Utah). Khu vực này có khoảng gần 3.000 thùng khoáng chất chứa dầu mỏ (đá phiến sét chứa dầu) chưa khai thác. Riêng khu vực địa chất này có thể chứa nhiều dầu hơn các nguồn dự trữ còn lại của thế giới đã được biết đến.

Khi nhu cầu năng lượng tăng lên, Trung Quốc rất có thể sẽ trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu của Mỹ về loại dầu này. Không có nguồn dầu nào khác có thể cung cấp đủ cho nhu cầu của Trung Quốc. Các nguồn dự trữ khoáng đá sét chứa dầu của châu Âu và Nga ít hơn so với của Mỹ. Nếu Mỹ đầu tư một phần tương đối nhỏ tài sản dựa trên năng lượng mới cho Hải quân để đảm bảo cho tuyến đường thương mại Thái Bình Dương, thì sự giao thoa kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc gần như không thể đảo ngược. Trung Quốc mặc dù có lượng dự trữ khoáng đá sét chứa dầu lớn nhưng chi phí để sản xuất quá lớn và gần như không thể thực hiện được.

Áp lực chính trị trong nước, quan ngại về môi trường và nhu cầu gia tăng đối với năng lượng đồng nghĩa rằng vấn đề mấu chốt của chính sách ngoại giao Trung Quốc trong tương lai gần sẽ là tập trung vào việc đạt được những nguồn cung dầu mới và bảo vệ các tuyến đường cung dầu hiện có xuyên Ấn Độ Dương.

Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với những mục tiêu này của Trung Quốc bởi vì hầu hết dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi phải đi qua khu vực biển này. Do Trung Quốc chưa đủ năng lực hải quân nên sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Hải quân Mỹ để bảo vệ tuyến đường thương mại dầu mỏ của mình. Tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không thay đổi điều đó.

Trong lĩnh vực năng lượng, Mỹ rốt cuộc sẽ trở thành một quốc gia xuất khẩu năng lượng và nhiên liệu, và Trung Quốc rốt cuộc sẽ nhập khẩu các nguồn năng lượng từ Mỹ. Điều này sẽ liên kết hơn nữa hai nền kinh tế và thiết lập các mối quan hệ kinh tế vững chắc.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều mong muốn một sự hợp tác cùng có lợi để đáp ứng những mục tiêu về an ninh và phát triển của mình. Những cân nhắc, đánh giá về địa lý, kinh tế và năng lượng chỉ ra rằng hai quốc gia sẽ trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn trong thế kỷ này./.