Ngày 30/8, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã rời Manila đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc cấp nhà nước đầu tiên nhằm tìm cách tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và củng cố quan hệ ngoại giao với nước láng giềng lớn nhất của mình.

Điều này được Tổng thống Aquino khẳng định trước khi lên đường sang Trung Quốc rằng, Philippines đánh giá cao quan hệ với Trung Quốc, một trong những nước láng giềng quan trọng nhất của Philippines ở châu Á.

Cũng chính bởi vậy, trong chương trình nghị sự của chuyến thăm, ông Aquino sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, ký kết các thỏa thuận về kinh tế và thương mại, đồng thời gặp gỡ các doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Hạ Môn.

Trợ lý Ngoại trưởng Philippines, bà Cristina Ortega cũng cho báo chí biết Manila hy vọng sẽ ký một kế hoạch kinh tế 5 năm với Trung Quốc mà trên cơ sở đó kim ngạch thương mại song phương năm 2010 đã đạt 10 tỷ USD sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2016, đạt 60 tỷ USD. Các quan chức Philippines cũng cho biết họ mong muốn tìm kiếm đầu tư của Trung Quốc vào một loạt dự án cơ sở hạ tầng, từ đường sắt đến đường bộ, sân bay và trường học.

Mang theo hàng trăm doanh nhân, ông Aquino sẽ tìm kiếm các thỏa thuận thương mại trị giá 7 tỷ USD với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong chuyến công du kéo dài 5 ngày này. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thêm sự hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước, cụ thể nó cũng nhằm giới thiệu cho các nhà đầu tư Trung Quốc rằng Philippines là một điểm đến hấp dẫn và có thể sinh lợi.

Thế nhưng, có thể nói, ngoài những mục tiêu kinh tế đầy hấp dẫn ấy, mục tiêu “hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ song phương” và “thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau để bảo đảm một môi trường hòa bình và ổn định ở biển Đông” mới thực sự là mục tiêu quan trọng nhất của chuyến thăm. Theo dõi diễn biến căng thẳng liên quan đến những tranh chấp trên biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, hẳn dư luận chung đều hiểu rằng, động thái tiến hành chuyến thăm Trung Quốc vào thời điểm này của Tổng thống Aquino chính là để tìm cách xoa dịu căng thẳng ấy. Và dẫu giới phân tích nhận định chuyến thăm sẽ không đạt được kết quả đột phá nào liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông trong khuôn khổ chuyến thăm, thì dư luận chung vẫn cho rằng “chuyến đi nhằm tạo ra một bầu không khí tích cực cho sự quản lý rủi ro. Điều tốt nhất mà hai nước có thể làm vào thời điểm này chỉ là khống chế căng thẳng”.

Là một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết biển Đông, Philippines đã từng cứng rắn lên tiếng cảnh báo đang tiến hành những bước đi nhằm hiện đại hóa quân đội, đồng thời muốn đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ra Liên Hợp Quốc. Tổng thống Aquino gần đây cũng lên tiếng tuyên bố rằng ông sẽ không đặt những ưu tiên kinh tế lên trên vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở biển Đông, nơi tàu thuyền Trung Quốc bị cáo buộc đã bắn ngư dân Philippines trong năm nay. Thế nhưng, hơn ai hết, Philippines hiểu được cái giá của hoà bình, ổn định để phát triển và thịnh vượng. Bởi vậy, giữ quan hệ tốt với Trung Quốc, giải quyết mọi tranh chấp bằng hoà bình sẽ có lợi cho cả đôi bên hơn là giữ thái độ thù địch hay “quốc tế hoá” vấn đề.

Có lẽ bởi vậy, lời phát biểu của Tổng thống Aquino với báo chí trước chuyến thăm bày tỏ “tin tưởng Manila và Bắc Kinh sẽ có thể giảm bớt căng thẳng xung quanh những tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông” và “Chính phủ hai nước cũng nhất trí rằng sẽ không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ song phương”… là những lời phát biểu chân thành nhất, thể hiện thiện chí cao nhất của Manila trong các nỗ lực xây dựng quan hệ láng giềng gần “hữu hảo” Philippines - Trung Quốc./.