Trung Đông chia rẽ vì bất đồng giữa các quốc gia Sunni và Shiite?
Thảo luận về các diễn biến hiện nay tại Trung Đông tại một cuộc hội thảo do Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) tổ chức mới đây, các chuyên gia về Trung Đông của Nga đều cho rằng, bối cảnh hỗn loạn tại Syria, căng thẳng gia tăng tại Yemen và mối đe dọa ngày càng lớn từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể sẽ khiến khu vực Trung Đông bị cuốn vào một cuộc xung đột lớn hơn.
"Những xung đột đang diễn ra tại khu vực Trung Đông có thể dẫn đến sự suy thoái của các vấn đề an ninh quốc tế và sự thay đổi của dòng chảy thương mại, năng lượng thế giới", Hiệu trưởng MGIMO, Anatoliy Torkunov cho biết.
Khủng bố IS ngày càng bành trướng tại Trung Đông (Ảnh: Vice) |
Theo các chuyên gia, một Trung Đông chia rẽ như hiện nay là bởi các quốc gia như Ai Cập - từng tuyên bố mình là lãnh đạo của thế giới Arab, hay các quốc gia tương đối quyền lực và đầy tham vọng như Iraq và Syria đều đã đánh mất đi vị thế của họ. Trong khi Iraq bị mất vị thế của mình do sự can thiệp của Mỹ bắt đầu từ năm 2003 và kéo dài cho đến nay thì “Mùa Xuân Arab” đã ném Syria và Ai Cập vào cuộc nội chiến và đặt các nước này trên bờ vực của sự sụp đổ kinh tế.
Những diễn biến trên đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là thiếu đi sự đoàn kết giữa các quốc gia Arab bởi các nước đều có một cách tiếp cận khác nhau về sự hỗn loạn đang diễn ra hiện nay trong khu vực và làm thế nào để đối phó với nó.
Trong hoàn cảnh như vậy, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) do Saudi Arabia dẫn đầu đã tạo thành một trung tâm quyền lực mới trong khu vực.
Sự dồi dào về các nguồn năng lượng đã mang lại cho các quốc gia GCC sự độc lập nhất định về kinh tế và các quốc gia này gần như không bị ảnh hưởng bởi sự biến động của khu vực Trung Đông trong những năm qua dù phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Kết quả là cán cân quyền lực trong khu vực nghiêng nhiều hơn về phía các quốc gia GCC.
Tuy nhiên, bên cạnh các quốc gia GCC, Iran cũng được xem là quốc gia có ảnh hưởng nhất trong vùng Vịnh Ba Tư và có khả năng trở thành quốc gia lãnh đạo của thế giới Arab. Cuộc xâm lược do Mỹ đứng đầu ở Iraq lật đổ chế độ Saddam Hussein đã khiến Iraq suy yếu và dẫn đến sự gia tăng của các nhóm Shiite nắm quyền. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này đã giúp Iran mở rộng tầm ảnh hưởng của mình qua Iraq tới Địa Trung Hải. Việc tạo ra cái gọi là "lưỡi liềm Shiite" trong khu vực Trung Đông là Iran - Iraq - Syria - Lebanon đã khiến lãnh đạo các nước Arab theo dòng Sunni lo ngại.
Cho đến nay, có khá nhiều ý kiến cho rằng, sự gia tăng ảnh hưởng của Iran và khả năng các biện pháp trừng phạt đối với nước này sẽ được dỡ bỏ sẽ khiến kinh tế Iran phát triển nhanh hơn. Điều này cũng dẫn đến sự gia tăng ảnh hưởng chính trị của Iran trong khu vực, đe dọa đến các lãnh đạo Sunni ở Trung Đông và tạo ra sự bất ổn định hơn.
Tuy nhiên, đa số các chuyên gia về Trung Đông của Nga đều cho rằng, đã có sự thổi phồng quá mức về cuộc đối đầu giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite như là một nhân tố chính của sự mất ổn định ở khu vực Trung Đông.
Chuyên gia nghiên cứu tại Viện Đông phương thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Lana Ravandi-Fadai cho rằng, "vai trò của Iran trong khu vực được đánh giá quá cao và khả năng của Tehran ảnh hưởng đến các quá trình thay đổi chính trị ở Trung Đông đã được phóng đại". Bà Landa và các chuyên gia khác đều thống nhất cho rằng, cuộc đấu tranh giữa người Sunni - Shiite tại Trung Đông rõ ràng là đã bị thổi phồng lên.
Xung đột tại Yemen có thể được giải quyết nếu Nga-Mỹ hợp tác (Ảnh: AP) |
Nga và Mỹ có phối hợp để giải quyết bất ổn ở Trung Đông
Những lo ngại về ảnh hưởng của Iran có thể là nguyên nhân dẫn đến quyết định của Saudi Arabia can thiệp vào tình hình bất ổn tại Yemen hiện nay.
Tháng 3/2015, Saudi Arabia đã dẫn đầu một liên minh gồm 9 quốc gia Arab tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân Houthi [được cho là có sự hậu thuẫn của Iran] tại Yemen. Kết quả cho tới giờ vẫn không biết bên nào thắng cuộc, tuy nhiên chiến sự tại Yemen có thể khiến Trung Đông rơi vào vòng xoáy bất ổn lớn hơn.
Xung đột tại Yemen cũng có thể là một mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhiều ý kiến cho rằng, các tổ chức khủng bố được hưởng lợi nhiều nhất từ các cuộc không kích của liên quân Arab. Trớ trêu thay, Houthi lại chính là lực lượng duy nhất trên mặt đất hiện nay tại Yemen có thể chống lại AQAP và IS.
Theo các chuyên gia, hiện Saudi Arabia khó có thể triển khai một lực lượng trên mặt đất tại Yemen nếu không có sự hậu thuẫn từ Mỹ. Tuy nhiên cho đến nay, Nhà Trắng vẫn miễn cưỡng và chưa quyết định khởi động bất kỳ chiến dịch nào trên mặt đất tại Yemen dù vẫn lên tiếng ủng hộ Saudi Arabia.
Xét ở một khía cạnh khác, Mỹ hiện đang can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Syria và Iraq, chính vì vậy Mỹ không đủ khả năng để tiếp tục sa lầy ở Yemen vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực chống khủng bố của Mỹ cũng như quan hệ với Iran.
Theo các chuyên gia và các nhà ngoại giao Nga, những diễn biến hiện nay ở Trung Đông có thể là một cơ hội tốt để Nga và phương Tây, đặc biệt là Mỹ có thể phối hợp hành động. Nhiều chuyên gia lạc quan cho rằng, đây là thời điểm Nga và Mỹ có thể bắt đầu một khởi đầu mới.
Khi mà đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran có thể kết thúc thành công trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, các cường quốc nên có những bước đi mang tính quyết định hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Yemen. Trong trường hợp này, Mỹ và Nga nên dùng ảnh hưởng của mình đối với các bên tham gia vào cuộc xung đột ở Yemen và thúc giục họ ngồi vào bàn đàm phán.
Cũng theo các chuyên gia, Nga và Mỹ nên sử dụng ảnh hưởng của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Yemen để nó không rơi vào tình trạng như Syria. Việc “bắt tay” giải quyết khủng hoảng ở Yemen cũng giúp cho Trung Đông không rơi vào vòng xoáy bất ổn lớn hơn ảnh hưởng tới tình hình địa chính trị cũng như cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực này./.