Đây được xem là cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ qua bởi dự thảo cải cách Hiến pháp lần này nếu được thông qua sẽ không chỉ thay đổi mạnh mẽ nền chính trị quốc gia này mà còn có thể tạo nên những bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.

erdogan_csvv.jpg
Tổng thống Erdogan. (Ảnh:Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ)

Chủ đề quan trọng nhất và được bàn luận nhiều nhất trong dự thảo cải cách Hiến pháp này là về quyền hạn của Tổng thống. Với Hiến pháp hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia theo chế độ Nghị viện, trong đó quyền lực thực chất thuộc về Thủ tướng trong khi Tổng thống đóng vai trò thứ yếu.

Đây là điều mà đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayip Erdogan muốn thay đổi, dù trên thực tế ông Erdogan đã là chính trị gia nắm giữ quyền lực lớn nhất trong nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ hơn một thập kỷ qua.

Nếu Hiến pháp mới được thông qua, chức danh Thủ tướng sẽ bị xoá bỏ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khi đó sẽ được Hiến pháp trao quyền bổ nhiệm các Phó Tổng thổng và Bộ trưởng trong nội các. Tổng thống cũng được bổ nhiệm 12/15 thành viên của Toà Hiến pháp và 6/13 thành viên của Hội đồng thượng thẩm.

Sức đối trọng của Nghị viện khi đó sẽ bị hạn chế. Tổng thống có quyền ban hành lệnh tình trạng khẩn cấp mà không cần sự đồng ý trước của Nghị viện.

Ngoài ra, Tổng thống có thể điều hành toàn bộ quốc gia bằng các sắc lệnh song song với các luật do Nghị viện soạn thảo và ban hành. Trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, Tổng thống cũng chỉ có thể bị miễn nhiệm nếu có 3/5 số Nghị sĩ tán thành.

Có thể nói, Hiến pháp mới nếu được thông qua sẽ biến ông Erdogan thành một siêu Tổng thống cả về quyền lực và thời gian tại vị. Theo Hiến pháp mới, một nhiệm kỳ Tổng thống sẽ kéo dài 5 năm và được tái cử 1 lần. Vì thế, trên lý thuyết, nếu ông Erdogan tái cử trong cuộc bầu cử Tổng thống lần tới vào năm 2019, ông có thể tại vị đến tận năm 2029.

Với các đối tác phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Liên minh châu Âu, cuộc trưng cầu ý dân ngày 16/4 tới do ông Erdogan phát động, mang đến lo ngại về việc quan hệ hai bên sẽ càng thêm xấu đi.

Điều này xuất phát từ tuyên bố công khai trong thời gian qua của ông Erdogan rằng nếu cuộc trưng cầu ý dân cải cách Hiến pháp thành công, ông sẽ cho tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác để chấm dứt việc xin gia nhập Liên minh châu Âu, với lí do châu Âu cố tình ngăn cản tiến trình này.

“Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế là một nước châu Âu”, ông Erdogan khẳng định trước những người ủng hộ hồi tuần trước.

“Vấn đề là châu Âu không muốn xem chúng ta là một phần của họ. Những kẻ cho phép người dân từ phía bên kia thế giới được tự do du lịch vào nước mình lại muốn giữ công dân của chúng ta bên ngoài cửa, sau khi đã ngăn cản chúng ta suốt nửa thế kỷ qua. Liệu có phải là có những chuẩn mực khác nhau cho họ và cho chúng ta? Đúng là thế”.

Tình hình hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt Liên minh châu Âu vào thế lưỡng nan.

Một mặt, châu Âu phản đối mạnh mẽ các diễn biến gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc chính quyền của ông Erdogan xâm phạm các giá trị về nhà nước pháp quyền.

Mặt khác, châu Âu lại không thể làm đổ vỡ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bởi nước này không chỉ là đối tác quan trọng nhất của Liên minh châu Âu trong việc giải quyết khủng hoảng người tị nạn mà còn là thành viên lớn của khối quân sự NATO và giữ vai trò địa chính trị đặc biệt quan trọng tại cửa ngõ châu Âu./.