Sau 5 năm nội chiến, lần đầu tiên một thoản thuận ngừng bắn được các bên tuân thủ, mặc dù vẫn còn những tiếng súng lẻ tẻ ở một số nơi. Ngày 7/3 tới được ấn định là ngày bắt đầu cuộc đàm phán giữa các bên đối địch nhau ở Syria, dưới sự bảo trợ của Nga và Mỹ.

Sự đồng thuận hiếm hoi Mỹ - Nga về một số vấn đề cốt lõi tại khu vực, khiến dư luận kỳ vọng vào tiến trình hòa bình ở Syria có thể được vãn hồi.

Sự đồng thuận Mỹ - Nga

nga_my_sgvw.jpg
Lệnh ngừng bắn một phần ở Syria đạt được sau sự đồng thuận của Mỹ và Nga. (Ảnh: TASS)

Theo giới quan sát, cả Nga và Mỹ đều tìm cách can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Syria, song sự thành công thì không giống nhau. Với hơn 4.000 cuộc không kích mà Mỹ tiến hành nhằm hỗ trợ cho phe đối lập “ôn hòa” ở Syria tuy đã làm suy yếu IS, nhưng không gây được nhiều ảnh hưởng về mặt chiến lược.

Còn đối với Nga cho đến nay cũng đã có hàng nghìn đợt không kích vào IS. Chỉ tính từ ngày 10 – 16/2, các máy bay Nga tại Syria đã tiến hành 444 đợt không kích và tấn công vào 1.593 mục tiêu khủng bố ở các tỉnh Deir ez-Zor, Daraa, Homs, Latakia và Aleppo. Sự hợp đồng tác chiến không – bộ với Syria có hiệu quả đã giải phóng được 73 ngôi làng trên vùng lãnh thổ rộng 800 km2.

Nhà bình luận chính trị (Anh) ông Owen Matthews nhận định trên tờ Newsweek rằng, các cuộc không kích của Nga và đồng minh vào thành phố Aleppo mới đây đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: ông Putin hiện đang là người quyết định đoạn kết của cuộc chiến ở Syria.

Hành động của Nga đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho ông Assad, làm hồi sinh các lực lượng vốn đã rất rệu rã của quân đội Syria. Cùng với việc can thiệp quân sự, Tổng thống Nga Putin còn tìm cách hòa giải các phe phái trong cuộc chiến ở Syria.

Trong khi Mỹ đã tiêu tốn hàng triệu USD để huấn luyện đội quân phái đối lập “ôn hòa” nhưng trên thực tế với hàng trăm nhóm khác nhau đều tự nhận mình là đối lập, bao gồm cả các nhóm khủng bố trá hình. Trong khi tình báo quân sự Nga lại chọn cách hợp tác với chính quyền Syria và tìm cách bắt tay với các nhóm nổi dậy có xu hướng muốn giảng hòa với ông Assad.

Rõ ràng, nhưng ý tưởng giải quyết vấn đề bằng cách hậu thuẫn cho phe đối lập được gọi là “ôn hòa” ở Syria của Mỹ và phương Tây đã không hiệu quả và buộc phải thừa nhận vai trò của Nga và vị thế của Tổng thống Syria Assad.

Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào thế “kẹt”

Được biết, cho đến nay đã có 38 nhân vật đối lập có khả năng trở thành đồng minh của Damascus do Nga tích cực lôi kéo họ từ hồi tháng 10 năm ngoái. Kết quả là một số thủ lĩnh nổi dậy đã tới Moscow bàn về các điều khoản hợp tác và một số quan điểm, nội dung đã đạt được thỏa thuận.

Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria được cho là nguyên nhân khiến tình hình thêm rối. (Ảnh: AFP)

Trong những người bạn tốt mà Nga mới có được ở Syria phải kể đến là người Kurd, vừa qua Chính quyền Dân chủ Tự quản Rojava đã đơn phương tuyên bố lập chính phủ mới trong khu vực do người Kurd kiểm soát ở Bắc Syria, họ đã chọn Moscow là nơi mở văn phòng đại diện đầu tiên của mình ở nước ngoài.

Hơn 200 cố vấn quân sự Nga cũng đã được triển khai tới thị trấn Qamishli do người Kurd kiểm soát gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đảm bảo an ninh cho một sân bay quân sự mà Nga đang sử dụng. Nhờ vậy, Nga đã có một thành trì để từ đó tấn công IS ở phía Đông Bắc Syria và bảo vệ người Kurd khỏi các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự kiện người Kurd nổi dậy đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ không kiềm chế được. Họ đã cho quân đội khai hỏa nhằm vào các vị trí của người Kurd (YPG) ở Syria nói là để tự vệ. Thổ Nhĩ Kỳ còn đe dọa có thể thiết lập một vùng đệm ở Syria cho quân đội của họ nếu cần.

Tình hình trên, đã làm xáo trộn chính sách của Mỹ ở Syria, bởi vì Mỹ luôn coi người Kurd là các đồng minh thân cận trong suốt nhiều năm, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ thành viên NATO lại đối đầu trực tiếp với với cả Nga và người Kurd.

Hiện cả Mỹ và Nga đều coi Thổ Nhĩ Kỳ là nơi đã chuyển giao vũ khí cho các nhóm nổi dậy bên trong lãnh thổ Syria thông qua các cửa khẩu ở khu vực biên giới Bab al-Salam, và theo nhận định của Nga Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ còn đi xa hơn nữa.

Tình hình càng trở nên phức tạp thêm, kể từ khi Arab Saudi đưa máy bay chiến đấu sang Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tiến hành không kích ở Syria. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi đều thống nhất rằng, lực lượng đặc nhiệm của họ sẽ tham gia các chiến dịch trong tương lai nhằm giải phóng Raqqa khỏi tay IS.

Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng một cuộc đụng độ khác sẽ leo thang nhanh chóng hơn, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị không kích ở Syria. Trong trường hợp đó, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ viện tới Điều 5 trong Hiệp ước thành lập NATO rằng: “một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một thành viên sẽ được coi là nhằm vào tất cả liên minh”, với hy vọng buộc NATO phải vào cuộc với lợi thế thuộc về họ.

Hòa bình vẫn mong manh

Ông Fyodor Lukyanov - chủ tịch Ủy ban Chính sách Quốc phòng và Đối Ngoại của Nga phát biểu với hãng tin Bloomberg rằng: “Một cuộc can thiệp toàn diện của Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn không thể tránh khỏi. Nó sẽ dẫn tới một cuộc xung đột hoàn toàn khác - lực lượng chiến đấu của đối thủ sẽ lớn hơn rất nhiều và nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp Nga - Thổ Nhĩ Kỳ là không loại trừ".

Triển vọng hòa bình Syria được cho là vẫn rất mỏng manh. (Ảnh: CNN)

Tuy nhiên, bất chấp các nước nghi ngờ và lên phương án khác để triển khai nếu thỏa thuận hòa bình tại Syria thất bại nhưng trước sau Nga vẫn giữ nguyên quan điểm, thái độ tích cực. Ngày 26/2, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh không nên đưa ra bất cứ kế hoạch B nào và từ bỏ ý tưởng tiến hành một chiến dịch trên bộ tại đây.

Ông Lavrov cho biết, Nga sẽ “thảo luận và làm việc để thực hiện kế hoạch theo sáng kiến của Tổng thống hai nước là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Hiện tại đang tiến hành các liên hệ rất sâu, vì bây giờ hai quốc gia (Nga và Mỹ) sẽ bằng mọi cách sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các lực lượng, phe phái và các bên tham gia xung đột”.

Giới phân tích cho rằng, việc Nga can thiệp vào Trung Đông và giữ vững lập trường trong thực thi thỏa thuận hòa bình tại Syria là vì lợi ích của cả Nga và châu Âu, nhất là việc ngăn chặn nguy cơ bùng phát dòng người di cư đang gây bất ổn ở châu Âu hiện nay.

Mặc dù dư luận vẫn còn ý kiến cho rằng, ông Putin đang thực hiện một chiến lược mạo hiểm ở Syria vì Nga sẽ phải đối mặt với một nhà lãnh đạo nóng nảy và vô tình của Thổ Nhĩ Kỳ là ông Erdogan, cùng một Saudi Arabia ngày càng hiếu chiến.

Như vậy, sau 5 năm nội chiến, cánh cửa hòa bình ở Syria đã hé mở, nhờ sự đồng thuận của các bên tham chiến và các bên bảo trợ Nga – Mỹ. Tuy nhiên, sau thắng lợi đối với IS thì các bên lại gặp phải mâu thuẫn mới đó là sự vào cuộc của Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi với những toan tính lợi ích khác nhau, khiến triển vọng hòa bình mà người dân Syria có thể đạt được lại trở nên mỏng manh hơn.

Vì thế, giới phân tích và dư luận cho rằng, những khó khăn vẫn còn đang ở phía trước, đòi hỏi các cường quốc và các nước trong khu vực phải có sự nỗ lực hơn nữa thì mới có thể chấm dứt cuộc nội chiến Syria và đưa lại hòa bình cho nhân dân khu vực Trung Đông đang chịu nhiều đau khổ kể từ khi cơn bão “Mùa Xuân Arab” tràn qua./.