Với thất bại của vòng đàm phán thương mại mới nhất, Mỹ và Trung Quốc ngày 1/6 bắt đầu áp mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau. Động thái “ăn miếng trả miếng” mới nhất này một lần nữa cho thấy tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa đi tới đâu và khiến các thị trường toàn cầu như “ngồi trên lửa”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters. |
Ngày 1/6, Mỹ đã bắt đầu tăng thuế từ 10% lên mức 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 200 tỷ USD. Việc tăng thuế gây tác động đối với một loạt hàng hóa tiêu dùng và các thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có: modem và bộ định tuyến Internet, mạch in, đồ gỗ, máy hút bụi và thiết bị chiếu sáng.
Trong khi đó, cùng ngày, Trung Quốc đã điều chỉnh tăng thuế lên 10%, 20% và thậm chí là 25% đối với hơn 5.000 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trong danh mục 60 tỷ hàng hóa đã áp thuế trước đó. Biện pháp mới nhất này của Trung Quốc đặc biệt nhằm vào các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, thể thao và cả đàn piano hay đồ chơi. Những mặt hàng này đều bị đánh thuế cao 25%.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy dù đã trải qua hơn 10 vòng đàm phán, song các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đi tới đâu. Chỉ 1 ngày trước khi các biện pháp đánh thuế mới có hiệu lực, chính quyền Trung Quốc đã công bố một vũ khí mới trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ khi thông báo thiết lập danh sách đen các doanh nghiệp “không dáng tin cậy” nhằm đáp trả cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Tập đoàn thiết bị viễn thông hàng đầu nước này Huawei.
Trước đó hồi tháng 5 vừa qua, Huawei đã bị Mỹ xếp vào danh sách các công ty đáng ngờ và các thực thể tại Mỹ không được phép bán thiết bị công nghệ cho tập đoàn này. Quyết định của Mỹ có hiệu lực trong 3 tháng, có nguy cơ đe dọa ngành công nghiệp Trung Quốc, vốn rất phụ thuộc vào nhập khẩu chíp điện tử của Mỹ để sản xuất các dòng điện thoại thông minh.
Cũng vì thế, nhiều công ty đã quyết định tạm thời giữ khoảng cách với Huawei, đặc biệt trong đó có Google, với hệ điều hành Android được tranh bị cho phần lớn các thiết bị di động trên thế giới. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, nền kinh tế nước này đủ khả năng phục hồi để quản lý tác động từ cuộc xung đột thương mại với Mỹ.
“Thị trường nội địa Trung Quốc là nhân tố chính thu hút đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc đạt gần 5.800 tỷ USD, đứng thứ hai toàn cầu và tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng trưởng nhanh. Với những nền tảng như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chú ý đến một thị trường lớn như Trung Quốc”, ông Vương Thụ Văn nói.
Cuộc khẩu chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tăng lên một cấp độ mới sau khi Trung Quốc dù không chỉ đích danh song cáo buộc nhà lãnh đạo Mỹ đã nói dối. Rất tin tưởng vào khả năng đạt thỏa thuận giữa hai nước bất chấp những căng thẳng thương mại hiện nay, Tổng thống Trump hồi giữa tuần cho rằng, Trung Quốc rất muốn đạt được một thỏa thuận, bởi cuộc chiến tranh thương mại hiện nay đã có tác động tàn phá đối với nền kinh tế số 1 châu Á. Trung Quốc cũng không ngần ngại đáp trả cho rằng, Mỹ đã hơn 1 lần đưa ra những lời nói dối như thế này.
Trước những câu hỏi: “Liệu cuộc chiến ăn miếng trả miếng này giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đi bao xa?”, một cựu quan chức Trung Quốc cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại có thể kéo dài 30 năm, thậm chí là 50 năm. Trong một dấu hiệu mới nhất cho thấy tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, kết phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường phố Wall đã giảm mạnh, khép lại “tháng 5 ác mộng”, với các chỉ số chủ chốt tháng giảm lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái: chỉ số Dow Jones mất 6,7%, Nasdaq 7,9% và S&P 500 6,6%./.
Trung Quốc sắp công bố Sách Trắng về đàm phán thương mại Mỹ - Trung