Trung Quốc vừa lên tiếng quy trách nhiệm cho Mỹ thực hiện "tấn công kinh tế”, tiếp tục làm leo thang cuộc khẩu chiến dường như không có điểm dừng giữa hai nước. Việc Trung Quốc không ngừng đưa ra những thông điệp cứng rắn với Mỹ cùng những hành động thực tế trả đũa qua lại lẫn nhau của hai bên càng chứng tỏ hai ông lớn này khó có thể sớm dàn xếp những bất đồng hiện tại.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (phải) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tới nước này dự Đối thoại Shangri-La hôm 30/5. Ảnh: StraitsTimes. |
Xung đột thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang ở mức căng thẳng tột độ, thậm chí được dự báo sẽ trở thành chủ đề “đốt nóng” Đối thoại Shangri-La 2019 khai mạc tối 31/5 tại Singapore. Giáo sư Alexander Vuving- Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu, Mỹ nhận định Đối thoại Shangri-La 2019 với sự góp mặt của lãnh đạo Bộ Quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc sẽ đi vào lịch sử như một cột mốc trong cuộc leo thang cạnh tranh chiến lược giữa hai nước.
Sức nóng của cuộc so găng thương mại giữa hai ông lớn này cũng bao trùm chương trình nghị sự của Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 đang diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị này hôm 30/5, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là để tất cả các quốc gia hợp tác với nhau, điều này chỉ có thể được thực hiện nếu chúng ta là một phần của một hệ thống toàn cầu hóa. Đây chính là lý do tại sao Mỹ và Trung Quốc phải làm việc cùng nhau. Mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu thế giới bị chia cắt thành hai khối, với các hệ thống, công nghệ và nền kinh tế riêng rẽ”.
Trong một diễn biến mới nhất, Trung Quốc vừa cáo buộc chính sách thương mại của Mỹ là "khủng bố kinh tế điển hình, bá quyền kinh tế và chủ nghĩa đơn phương kinh tế”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhận định, Nhà Trắng đã "mang lại thiệt hại lớn cho nền kinh tế của các quốc gia khác và chính nước Mỹ". Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy khi phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày hôm qua (30/5) cũng cảnh báo không có bên nào thắng trong chiến tranh thương mại và nhận định hành động châm ngòi xung đột thương mại của Mỹ rõ ràng là “hành vi khủng bố kinh tế trắng trợn, là chủ nghĩa nước lớn về kinh tế và là hành động bắt nạt kinh tế".
Không chỉ dừng lại ở những lời cảnh báo suông, liên tiếp những hành động thực tế và kế hoạch cụ thể mà Trung Quốc đưa ra thời gian gần đây đã phần nào cho thấy mối quan hệ thương mại đầy sóng gió với Mỹ ngày càng chứng kiến thêm những tình tiết phức tạp mới.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước leo thang mạnh, Trung Quốc- quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, đã dừng mua đậu tương Mỹ. Chưa kể Trung Quốc cũng được cho là đang có ý định sử dụng đất hiếm làm vũ khí “phản công” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Hiện giới quan sát lo ngại, tất cả những diễn biến căng thẳng đã đến giai đoạn cao trào như hiện nay trong cuộc chạm trán thương mại giữa hai ông lớn Mỹ- Trung, không chỉ gây tác động tiêu cực tới chỉ riêng hai nước này, mà sức ảnh hưởng của nó có thể lan rộng tới nhiều quốc gia trong khu vực, thậm chí trên quy mô toàn cầu.
Một số hậu quả nhãn tiền có thể nhìn thấy ngay được. Như việc các cổ phiếu châu Á tăng giảm đan xen ngay trong phiên giao dịch ngày hôm nay (31/5) sau khi số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc thu hẹp mạnh hơn dự báo trong tháng 5/2019 giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang bước vào giai đoạn ngày ngày càng khốc liệt hơn. Rõ ràng, tâm lý giới đầu tư cổ phiếu tiếp tục bị đè nặng bởi nỗi lo xung đột thương mại kéo dài giữa hai siêu cường kinh tế có sức ảnh hưởng lớn sẽ kéo theo những tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu./.
Đối thoại Shangri-La 2019: Tập trung thảo luận các vấn đề nóng
Đối thoại Shangri La 2019: Mỹ và Trung Quốc lần lượt chiếm diễn đàn