Những ngày tháng lễ hội
Theo Guardian, thông thường, việc gọi đồ uống tại Quảng trườngSt Mark ở Venice sẽ tốn của du khách kha khá tiền. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra vào ngày 3/3, khi nhiều chủ quầy bar tại đây tặng du khách một đồ uống miễn phí cho mỗi thức uống mà họ gọi.
Một nhóm người Italy ở Rome tập thể dục ngoài ban công trong khi tuân thủ yêu cầu ở yên trong nhà. Ảnh: Reuters |
Đây được coi là nỗ lực của Venice nhằm thu hút du khách đến thành phố trong bối cảnh dịch bệnh đang khiến ngành du lịch tại đây bị tổn hại nghiêm trọng. Kế hoạch này dự kiến sẽ kéo dài tới hết tháng 3.
Tại Rome, nhiều nhà hàng mời khách du lịch thưởng thức món mỳ “virus carbonara” – cái tên mang đầy tính châm biếm giữa mùa dịch Covid-19 – như một cách để truyền thông điệp tới du khách rằng, họ vẫn nên tiếp tục kỳ nghỉ của mình thay vì về nhà đóng cửa cách ly.
Đó là khoảng thời gian kéo dài suốt tuần đầu của tháng 3, khi các chủ quán bar, nhà hàng, khách sạn tại Italy vẫn chưa nhận thức hết được mối nguy từ dịch Covid-19. Hơn thế nữa họ vẫn phải tiếp tục sinh kế của mình trong bối cảnh các nhà lãnh đạo quốc gia Nam Âu này liên tục có những hành động và thông điệp rất dễ gây hiểu nhầm về tính chất nghiêm trọng của Covid-19.
Cụ thể, ngày 27/2, chỉ 4 ngày sau khi 11 thành phố miền Bắc Italy bị cô lập và số người thiệt mạng vì Covid-19 là 17, lãnh đạo Đảng Dân chủ Nicola Zingaretti đã đến thăm Milan, thủ phủ của tâm dịch Lombardy, và gặp gỡ một nhóm sinh viên.
Chính trị gia này thậm chí còn kêu gọi: “Chúng ta không thể thay đổi thói quen của mình. Nền kinh tế của chúng ta còn mạnh hơn bất kỳ nỗi sợ hãi nào. Hãy ra ngoài làm một ly rượu, tách cà phê hoặc ăn pizza”. Chỉ 9 ngày sau, khi số người thiệt mạng vì Covid-19 tăng lên 233, ông Zingaretti công khai thừa nhận mình cũng mắc Covid-19.
Cũng trong ngày 27/2, Thị trưởng Milan Beppe Sala chia sẻ một video với khẩu hiệu: “Milan không dừng bước” với nhiều hình ảnh người dân ôm hôn nhau, rủ nhau đi ăn nhà hàng, đi dạo và chờ tàu điện.
Nhà tâm lý xã hội học tại Đại học Vita-Salute San Raffaele Giuseppe Pantaleo nhận định: “Ban đầu, mọi người không tin vào những gì đang diễn ra và các chính trị gia như Zingaretti và nhiều người khác chỉ muốn trấn an cộng đồng. Ông ấy đến Milan để thể hiện rằng, một vài hành động mang tính xã hội vẫn không vấn đề gì và Chính phủ đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp phòng chống dịch bệnh nhưng hiển nhiên là ông ấy đã đánh giá thấp nguy cơ lây nhiễm”.
Thậm chí ngay cả khi Covid-19 đã lan rộng, người dân Italy vẫn không từ bỏ “sự lạc quan và hài hước của mình”. Nhiều người liên tục đăng tải những tranh biếm họa, video hài trên mạng xã hội về Covid-19, trong đó có cả video về một bà lão hướng dẫn cách rửa tay an toàn. Một video khác có cảnh những tội phạm lên kế hoạch buôn lậu Amuchina – một loại dung dịch nước rửa tay đang bán rất chạy vào thời điểm đó – thay vì cocaine.
“Dù là cộng đồng ngoài đời thực hay trên mạng xã hội, người Italy vẫn phản ứng với Covid-19 bằng những lời đùa cợt. Đó là phản ứng phổ biến của họ khi họ nghĩ rằng họ đang đối mặt với cái chết dù khi đó chưa ai coi đó là một mối nguy thực sự”, ông Pantaleo bình luận.
Ngay cả khi những cái ôm và nụ hôn bị hạn chế dựa trên những khuyến nghị về “giãn cách xã hội”, người Italy vẫn thường xuyên ra ngoài, đi bar, ăn hàng, vào công viên, thư giãn trên bãi biển. Do không phải đi học, giới trẻ nước này thậm chí còn đi chơi với nhau nhiều hơn.
Binh sĩ Italy kiểm soát khu vực Piazza del Duomo ở Milan. Ảnh: Rex |
Bước ngoặt 8/3
Mọi thứ cứ tiếp diễn cho đến bước ngoặt 8/3, khi số người chết vì Covid-19 tăng tới hơn 50% so với 1 ngày trước đó. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ra lệnh phong tỏa vùng Lombardy và 14 tỉnh khác nằm dọc phía Bắc nước này. Tin tức về lệnh phong tỏa bị rò rỉ trên báo chí Italy vài giờ trước khi ông Conte công bố chính thức và người dân ở phương Bắc ồ ạt tháo chạy.
Lệnh phong tỏa quốc gia được công bố vào ngày 10/3 nhưng phải vài ngày sau người dân mới cảm nhận được tác động thực sự của lệnh này khi các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng bị đóng cửa [trừ quầy thuốc và các cửa hàng nhu yếu phẩm- ND].
Lời lẽ của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte lúc này đã trở nên rõ ràng hơn nhưng cũng mềm mỏng hơn. Ông cảm ơn người dân Italy vì “những hy sinh lớn lao” mà họ đang làm vì lợi ích chung của cộng đồng, trước khi nhắc lại lời kêu gọi mọi người nên ở yên trong nhà.
Nhà tâm lý học Sara Raginelli chia sẻ: “Từ lúc các chính trị gia thay đổi tone giọng của mình và bắt đầu nói một cách rõ ràng và thẳng thắn hơn, người dân Italy cũng bắt đầu thay đổi hành vi cũng như nhận thức của mình. Ngay khi được yêu cầu ở nhà và thực hiện các biện pháp giới hạn cần thiết, đa số người dân đã tuân thủ”.
Dù vậy, kể từ khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, chỉ trong một tuần, cảnh sát Italy đã xử lý hơn 40.000 trường hợp người dân vì vi phạm lệnh phong tỏa, trong đó nêu rõ người dân chỉ được ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết. Do hiểu lầm lệnh này, một số người dân thậm chí còn đi dạo chơi trong công viên trong khi họ được khuyến nghị chỉ dạo bộ xung quanh nhà khi rất vắng người.
Khi dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và số người tử vong vì Covid-19 lên đến 4.825 trong ngày 21/3, Thủ tướng Italy Conte lại có bài phát biểu quan trọng, trong đó ông yêu cầu mọi doanh nghiệp, trừ những đơn vị kinh doanh hàng hóa và dịch vụ thiết yếu phải đóng cửa. Ông Conte nhấn mạnh: “Đây là cuộc khủng hoảng khó khăn nhất của chúng ta kể từ sau Thế chiến 2”.
Đường phố Turin vắng lặng khi dịch Covid-19 lên cao điểm ở Italy. Ảnh: EPA |
Nhà tâm lý xã hội học Pantaleo nhận định: “Khi chúng ta đối mặt với nguy cơ bản thân hoặc bạn bè và người thân có thể tử vong vì Covid-19, chúng ta mới thực sự nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vấn đề và ngày càng cư xử theo đúng chuẩn mực xã hội hơn.
Chính vì thế, việc làm gương của những nhà lãnh đạo là rất quan trọng bởi nếu các nhà lãnh đạo tuân thủ chặt chẽ những quy định mà họ đề ra, người dân cũng sẽ noi theo. Chúng ta cũng sẽ đề cao tinh thần tự giác của bản thân để cùng hành động hướng tới mục tiêu chung là đóng góp cho xã hội bằng cách thầm lặng nhất là ở yên tại nhà”./.
Trần Khánh/VOV.VN (Biên dịch)
Theo Guardian