Dư luận thế giới đang rất quan tâm tới chuyến thăm Ba Lan của Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt đầu vào ngày 11/03. Có thể nói rằng, đây là mối quan hệ mà cả hai nước đều mong muốn vun đắp bởi Ba Lan được biết đến như một đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức ở Đông Âu. Tuy nhiên, thúc đẩy quan hệ song phương có lẽ chỉ là một phần mục đích chuyến thăm này.

Trong bối cảnh, tình hình Ukraine-quốc gia “sát vách” với Ba Lan đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng và ở thế bị giằng co giữa 2 bờ Đông – Tây, chuyến thăm Ba Lan của Thủ tướng Đức Merkel còn nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Ba Lan đối với các động thái của phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine. 

angela.jpg
Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: AFP)

Quan hệ Đức- Ba Lan hiện nay đang phát triển rất tốt và là thành quả của chính sách hòa hợp giữa hai quốc gia này trong khoảng 20 năm nay. Tất cả chúng ta đều biết là Đức-Ba Lan có quá nhiều ân oán trong quá khứ, đặc biệt là trong Thế chiến II, chính vì vậy, việc hai quốc gia giờ đây có quan hệ tốt đẹp được coi là một thành tựu về hội nhập của Liên minh châu Âu.  
Ba Lan là quốc gia có tầm quan trọng lớn về địa chính trị, là biên giới giữa Tây Âu với Đông Âu nên đương nhiên nước Đức sẽ thu được lợi ích rất lớn nếu có một Ba Lan phát triển, ổn định và quan hệ tốt với mình làm vùng đệm với Đông Âu. Ba Lan từ khi gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phát triển rất nhanh, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển với tốc độ tốt nhất ở châu Âu, kể cả trong giai đoạn châu Âu khủng hoảng từ 2008 đến nay. Nhờ đó, quan hệ Đức-Ba Lan giờ được coi là một trục quan trọng của Liên minh Châu Âu.

Đức và Ba Lan có tầm nhìn giống nhau về phát triển, có gắn bó chặt chẽ về dân cư, ở Đức có một lượng người gốc Ba Lan rất lớn. Gần 30% xuất khẩu của Ba Lan là vào thị trường Đức và kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 80 tỷ euro, biến Ba Lan thành đối tác quan trọng nhất của Đức ở Đông Âu, trên cả Nga. Chuyến đi này của bà  Angela Merkel vì thế sẽ củng cố quan hệ hai nước. Nước Đức sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng về phía Đông trong khi Ba Lan tận dụng được các nguồn lực đầu tư từ nền kinh tế số 1 châu Âu.

Chắc chắn cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ là một trong những trọng tâm trong chuyến đi này của bà Merkel, thậm chí có thể là chủ đề quan trọng nhất. Ba Lan thuộc Đông Âu nhưng thực tế thì Ba Lan đã hội nhập toàn diện vào Liên minh Châu Âu và NATO, là một thành viên của phương Tây nên chuyện Ba Lan đứng về quan điểm của phương Tây trong khủng hoảng Ukraine là việc không cần bàn cãi.

Việc quan trọng trong chuyến thăm của bà Merkel là bàn thảo kỹ hơn với các nhà lãnh đạo Ba Lan về các cách thức ứng phó với khủng hoảng Ukraine, mà chính xác hơn là cách phản ứng với Nga. Ba Lan có biên giới rộng lớn với Ukraine, miền Tây Ukraine có nhiều quan hệ gắn bó với Ba Lan nên cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ có những tác động rất lớn đến an ninh và chính trị của Ba Lan.

Ba Lan là láng giềng của Ukraine, chung đường biên giới rộng lớn. Với vị trí đó, Ba Lan là phiên dậu, là rào chắn của Liên minh Châu Âu trước “đốm lửa” Ukraine. Nếu tình hình ở Ukraine xấu đi, chẳng hạn có một cuộc nội chiến, thì Ba Lan sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Khi đó, an ninh của Ba Lan bị đe dọa, Ba Lan còn phải ứng phó với các làn sóng người tị nạn từ Ukraine. Vì thế, nếu không có Ba Lan ở vùng đệm, tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ lan thẳng vào trung tâm châu Âu. Lịch sử khốc liệt của Chiến tranh thế giới II đã chứng minh cho điều này, khi Ba Lan là chiến trường đãm máu đầu tiên và đất nước Ba Lan gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Một yếu tố nữa làm nên tầm quan trọng đặc biệt của Ba Lan là lịch sử phát triển của nước này. Ba Lan là quốc gia Đông Âu từng có thời gian dài nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga. Tuy nhiên, Ba Lan đã quyết tâm dứt khỏi quỹ đạo của Moscow để gia nhập Liêm minh Châu Âu, gia nhập NATO. Nói cách khác, Ba Lan của quá khứ ở vào tình huống tương tự Ukraine ngày nay, tức phải lựa chọn việc đi theo Liên minh Châu Âu hay đi theo Nga.

Cho đến thời điểm này, Ba Lan chứng minh là họ đang đi đúng hướng. Cách đây hơn 20 năm, nền kinh tế Ba Lan và Ukraine ngang bằng nhau, xuất phát điểm giống nhau nhưng giờ đây nền kinh tế Ba Lan đã có quy mô lớn gấp 3 lần nền kinh tế Ukraine. Với châu Âu, Ba Lan là một ví dụ cho sự thành công của họ khi Đông tiến, là một thắng lợi chính trị nên sự tham dự của Ba Lan trong các chính sách Đông tiến của Liên minh Châu Âu và NATO có ý nghĩa rất quan trọng.

NATO thì đã đặt lá chắn tên lửa ở Ba Lan còn Đức và Pháp thì cùng với Ba Lan tạo nên một cơ chế gọi là “tam giác Weimar”, theo đó Đức-Pháp-Ba Lan liên kết để giải quyết các vấn đề chính trị, an ninh của châu Âu, nhất là trong quan hệ với Đông Âu. Vai trò này của Ba Lan đã được thể hiện khi 3 Ngoại trưởng Đức-Pháp-Ba Lan dàn xếp được một thỏa thuận ngừng xung đột ở Ukraine hôm 21/2 giữa Tổng thống bị lật đổ Yanukovych và phe đối lập.

Các nước châu Âu đang tìm mọi cách, thông qua con đường ngoại giao để hạ nhiệt và tìm được giải pháp với Nga. Cuộc gặp giữa bà Merkel và các lãnh đạo Ba Lan cũng là theo hướng đó, có thể hai bên sẽ thúc đẩy mạnh hơn các nỗ lực này. Đức và Ba Lan đang có nhiều lo ngại chung với cuộc khủng hoảng Ukraine. Với Ba Lan thì lo ngại về an ninh, với Đức thì lo ngại về nguy cơ đổ vỡ quan hệ với Nga. Đức là nước không muốn có những biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga do Đức phụ thuộc đến trên 30% khí đốt từ Nga. Đây là hai nước có quan hệ kinh tế sâu rộng, nếu Nga bị trừng phạt, kinh tế Đức cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Ba Lan, do nằm giữa Nga và châu Âu, cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu căng thẳng với Nga leo thang. Tuy nhiên, khúc mắc đang nằm ở chỗ, Ba Lan vẫn muốn Liên minh Châu Âu mạnh tay với Nga do cảm thấy bị đe dọa về an ninh. Chính Ba Lan đề xuất các cuộc họp khẩn của NATO gần đây. Thủ tướng Đức có thể sẽ thuyết phục các lãnh đạo Ba Lan xử lý cuộc khủng hoảng này một cách mềm dẻo hơn. Cả 3 nước Đức-Ba Lan-Nga đều có ràng buộc kinh tế chặt chẽ với nhau, căng thẳng chính trị leo thang sẽ không có lợi cho nước nào./.