Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (5/7) triệu tập các tư lệnh quân khu đồn trú dọc biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria về thủ đô, để tham gia cuộc họp bàn về khả năng can thiệp quân sự vào Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triển khai 54.000 binh sĩ tại các khu vực dọc biên giới giáp Syria.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ bên các sĩ quan quân đội nước này (ảnh: haaretz) |
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, ít khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra hành động can thiệp quân sự đơn phương vào Syria ngay lập tức, vì với tình hình hiện nay thì quyết định can thiệp vào nước láng giềng Trung Đông sẽ mang lại hại nhiều hơn lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ, chương trình nghị sự của cuộc họp đề cập đến việc triển khai hơn 400 xe thiết giáp chở quân. Ngoài ra, vai trò của Lực lượng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hỗ trợ chiến dịch này cũng được đưa ra thảo luận.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường lực lượng quân sự, triển khai xe tăng và các tên lửa chống tăng tại khu vực biên giới. Những bước đi này của Thổ Nhĩ Kỳ làm dấy lên những đồn đoán về khả năng chính phủ có kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria để đẩy lùi nhóm vũ trang IS quay trở lại biên giới, cũng như dừng bước tiến của lực lượng người Kurd tại Syria đang đạt được thắng lợi chống lại những nhóm cực đoan trong khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những lực lượng phản đối chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời là nơi tiếp nhận hơn 1,8 triệu người tị nạn khi cuộc chiến tranh tại Syria nổ ra. Bất chấp sức ép của Mỹ cũng như các đồng minh NATO khác trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn do dự triển khai quân sang nước láng giềng Syria. Tuy nhiên, mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng gần đây khi ảnh hưởng của lực lượng người Kurd tại Syria đang được mở rộng, được cho là mối đe dọa đến an ninh nội địa. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép thành lập một nhà nước người Kurd dọc biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Vì sao khó?
Tuy vậy, giới quan sát nhận định, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Syria sẽ khó diễn ra sớm trong bối cảnh hiện nay. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria, quân đội nước này sẽ phải đối mặt với một mối đe dọa lớn nhất đó là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), luôn lên tiếng phản đối sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. IS có thể sẽ coi công dân Thổ Nhĩ Kỳ là mục tiêu trong các vụ tấn công. Một viễn cảnh như vậy làm bất ổn thêm tình hình chính trị và an ninh tại Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria có thể gây ra các vấn đề ngoại giao nghiêm trọng với Iran và Nga, 2 nước vốn ủng hộ chính phủ Syria hiện nay. Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng chưa có sự đồng thuận với Mỹ hay các đồng minh NATO khác (đang ủng hộ lực lượng người Kurd tại Syria chống IS) về khu vực “vùng đệm an toàn”.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Tanju Bilgic cho rằng, nước này cần một khu vực an toàn và cấm bay để bảo vệ người tị nạn Syria. Ông nói: “Chúng tôi muốn gánh nặng này trên vai Thổ Nhĩ Kỳ cần phải dừng lại và chúng tôi không muốn có thêm nhiều người phải đi sơ tán. Chúng tôi muốn những người tị nạn Syria có cuộc sống bình thường. Lựa chọn tốt nhất hiện nay đó là thành lập một khu vực cấm bay và an toàn. Chúng tôi đang thảo luận lựa chọn này với Mỹ”.
Tuy nhiên, Mỹ và một số nước thành viên NATO chưa ủng hộ kế hoạch này. Rõ ràng, cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều khác biệt về mục tiêu trong cách can thiệp vào cuộc khủng hoảng Syria. Đối với Mỹ, tiêu diệt IS là mục tiêu chính, trong khi đó đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mục tiêu của họ không chỉ là IS, mà còn là chính phủ Syria và lực lượng người Kurd.
Thêm vào đó, công luận Thổ Nhĩ Kỳ cũng không mấy mặn mà với kế hoạch quân sự tại Syria, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Chính vì vậy, chính phủ nước này đang phải cân nhắc tất cả các nguy cơ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng can thiệp quân sự vào nước láng giềng.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Ahmet Davutoglu hiện cũng bác bỏ bất cứ triển vọng can thiệp quân sự đơn phương sớm vào Syria, vì cho rằng sẽ không thuận lợi trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, ông khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đợi lâu khi mối đe dọa đối với an ninh nước này đang ngày càng gia tăng./.