Ngày 1/10, hơn 30 người đã thương vong trong một vụ xả súng điên cuồng tại tiểu bang Oregon miền Tây nước Mỹ.
Theo nguồn tin báo chí và cảnh sát địa phương, vụ xả súng xảy ra tại trường Cao đẳng Cộng đồng Umpqua ở thành phố Roseburg của bang Oregon vào lúc 10h30’ sáng 1/10.
Các nhân chứng cho biết, họ đã nghe thấy nhiều loạt đạn và tiếng la hét. Cũng theo nguồn tin này thì hung thủ đã bị bắn hạ.
Sinh viên Hannah Miles (phải) ngồi cạnh chị gái của mình Hailey sau khi được sơ tán khỏi trường và được đoàn tụ với người thân. (ảnh: REX). |
Trong khi đó, CNN dẫn lời một quan chức địa phương cho biết, thủ phạm vụ xả súng đã bị bắt giữ. Trường Cao đẳng Cộng đồng Umpqua đã bị đóng cửa ngay lập tức sau khi xảy ra thảm kịch. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường và điều tra vụ xả súng.
Hiện có nhiều thông tin khác nhau về con số thương vong. Theo bà Ellen Rosenblum- người đứng đầu cơ quan công tố của bang Oregon, có 13 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương trong vụ xả súng này.
Bà Kate Brown- Thống đốc bang Oregon cho biết, kẻ tình nghi là một nam thanh niên 20 tuổi. Hiện vẫn chưa rõ liệu đối tượng này có phải là sinh viên Trường Cao đẳng trên hay không.
Vài giờ sau khi xảy ra vụ xả súng, Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ sự giận dữ, đồng thời kêu gọi giới lập pháp nước này gạt qua những bất đồng để thúc đẩy việc sửa đổi Luật kiểm soát súng đạn.
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Obama nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật kiểm soát súng đạn và khẳng định không thể để tình trạng bắn giết bừa bãi gây tổn hại cho người dân: “Các vụ xả súng đang ngày càng trở nên quen thuộc với chúng ta. Thông tin về các vụ xả súng cũng thường xuyên được nhắc đến. Chúng ta đang trở nên tê liệt trước những vụ việc như thế này. Chúng ta đã nói đến vấn đề kiểm soát súng sau mỗi vụ việc ở Tucson, Newtown, Aurora hay Charleston”.
“Không thể để dễ dàng cho những kẻ muốn gây tổn hại cho những người khác và để những người như vậy chạm tay vào súng đạn”, ông Obama cho biết thêm.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng kêu gọi cần phải có một ý chí chính trị về việc soạn thảo một luật kiểm soát súng hợp lý: “Chúng ta cần phải có ý chí chính trị để làm mọi điều có thể để người dân được an toàn. Các bạn và tôi đều biết là cần phải có các biện pháp cụ thể kiểm soát súng để có thể ngăn chặn bạo lực, ngăn chặn súng đạn rơi vào những bàn tay lầm lỗi, và để cứu sống nhiều mạng người. Tôi cam kết làm mọi điều có thể để đạt được điều đó”.
Vụ xả súng ở bang Oregon là vụ việc mới nhất trong một loạt các vụ xả súng nhằm vào các trường học, các rạp chiếu phim và các căn cứ quân sự cũng như nhà thờ tại Mỹ trong mấy năm gần đây.
Vụ xả súng này một lần nữa dấy lên yêu cầu cần kiểm soát súng chặt chẽ hơn ở Mỹ. Nhưng câu hỏi đặt là liệu nước Mỹ có thể thực sự kiểm soát súng đạn được hay không?
Đây không phải lần đâu tiên Tổng thống Mỹ kêu gọi về một bộ luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn. Sau vụ thảm sát đẫm máu hồi tháng 12/2012 tại Trường tiểu học Sandy Hook ở thành phố Newtown thuộc bang Connecticut làm 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em từ 6 đến 8 tuổi, Tổng thống Obama đã ban hành 23 biện pháp hành chính, nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tái diễn.
Chính quyền của Tổng thống Obama còn đưa ra dự luật kiểm soát súng đạn, trong đó điều khoản siết chặt kiểm tra lý lịch đối tượng mua súng là nổi bật hơn cả.
Theo đó, ngoài những người nộp đơn xin mua súng, các cuộc triển lãm súng đạn hay các giao dịch súng đạn qua mạng Internet đều phải trải qua quá trình kiểm tra hồ sơ lý lịch.
Tuy nhiên, những điều khoản mà Tổng thống Obama đưa ra lại đụng chạm tới lợi ích của một bộ phận các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng mà Hiệp hội súng đạn quốc gia (NRA) đầy quyền lực là đại diện, với khoảng 4,5 triệu hội viên.
Hiệp hội này cho rằng, các biện pháp hạn chế súng đạn là vi phạm quyền hiến định của người dân. Bởi trên thực tế, kinh doanh vũ khí là một trong những ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ và vì thế, không dễ gì người ta từ bỏ chúng. Đây chính là lý do khiến các nhóm vận động hành lang ra sức lôi kéo lá phiếu của các nghị sĩ, đặc biệt là Đảng Cộng hòa, để bảo vệ các lợi ích nhóm của họ. Điều này đã khiến các dự luật của Nhà Trắng đưa ra đều bị "treo".
Chính Tổng thống Obama đã phải thừa nhận rằng, việc không thuyết phục được Quốc hội thông qua dự luật cải cách cơ chế buôn bán và sở hữu súng đạn là thất vọng lớn nhất trong nhiệm kỳ làm Tổng thống của ông từ năm 2009 tới nay.
Ông Obama cũng cho rằng các vụ thảm sát bằng súng đạn thường xuyên xảy ra một phần do hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa không thể tìm được tiếng nói chung để thông qua luật kiểm soát súng đạn.
Theo ông Obama, để có thể thực sự kiểm soát súng đạn, đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ thì cần phải có sự ủng hộ của toàn thể giới lập pháp Mỹ./.