Sự ra đi của Thủ tướng Anh Theresa May dường như đang đến gần hơn khi bản kế hoạch được xem là “cơ hội cuối cùng” để hiện thực hóa Brexit không thể thuyết phục được cả phe đa số lẫn đảng đối lập. Chính phủ Anh thậm chí hôm qua còn phải chứng kiến thêm một sự ra đi nữa khi lãnh đạo Hạ viện Andrea Leadsom, một thành viên cấp cao của nội các đệ đơn xin từ chức.

themmotbotruongtuchucdongiangmangvaothutuonganh_anee.jpg
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters

Một ngày trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Bộ trưởng phụ trách quan hệ với Hạ viện Andrea Leadsom tối 22/5 thông báo quyết định chức. Lý do mà bà đưa ra là không còn tin tưởng Chính phủ có thể hiện thực hóa kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về Brexit. Theo bà, với dự luật Brexit của Thủ tướng Theresa May, nước Anh sẽ “hoàn toàn không có chủ quyền” và một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 sẽ gây chia rẽ nghiêm trọng đất nước:

“Tôi đã ủng hộ Brexit hoàn toàn trong suốt 3 năm qua và với tư cách là lãnh đạo Hạ viện, cơ quan chịu trách nhiệm về lập pháp, tôi không thể thông qua về một dự luật bao gồm những yếu tố mà tôi không thể ủng hộ. Đó không phải là một Brexit mà tôi mong muốn.”

Bà Andrea Leadsom, 56 tuổi, có tư tưởng hoài nghi châu Âu, bắt đầu tham gia nội các của bà Theresa May từ năm 2016 và cho tới thời điểm trước tối qua vẫn được đánh giá là một trong những nhân vật “trung thành” với vị nữ lãnh đạo của mình. Chính vì thế, quyết định rời nội các của bà Leadsom là một đòn giáng mạnh đánh vào Thủ tướng Theresa May khi đưa ra chưa đầy 1 ngày sau khi nhà lãnh đạo Anh trình Nghị viện một bản dự luật về Brexit. Đây được đánh giá là một bản kế hoạch toàn diện, trong đó đưa ra một loạt thỏa hiệp đáng chú ý như khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần  2 về Brexit hay tạm thời giữ nước Anh ở lại liên minh hải quan với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, cũng chính với việc chấp nhận từ bỏ những “giới hạn đỏ” để đạt được sự ủng hộ của đa số tại Nghị viện, bà Theresa May đã tự đặt mình vào thế đối đầu với những nghị sĩ hoài nghi châu Âu ngay trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất công bố hôm qua trên Thời báo trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Bảo thủ cầm quyền đã giảm sút nghiêm trọng và hiện bị xếp ở vị trí thứ 5 (7%), kém đảng dẫn đầu là đảng Brexit mới thành lập của ông Nigel Farage tới 30%.

Các nhà phân tích nhận định, sự ra đi mới nhất này đã làm xói mòn hơn nữa chính quyền vốn đã mong manh của Thủ tướng Theresa May. Trong những tháng vừa qua, vị nữ lãnh đạo của nước Anh đã lần lượt phải chứng kiến sự ra đi của tới 30 thành viên nội các:

“Nghị viện từng bỏ phiếu thông qua với thế đa số quyết định đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu vào ngày 29/03 vừa qua. Song thật đáng buồn, liên tiếp các cuộc bỏ phiếu sau đó đã khiến chúng ta phải ở trong hình huống hiện nay đến tận bây giờ.”

Ủy ban 1922, chịu trách nhiệm vấn đề tổ chức của đảng Bảo thủ ngay chiều qua đã nhóm họp nhằm thảo luận về khả năng thay đổi những quy tắc có thể đẩy nhanh sự ra đi của bà Theresa May. Theo Chủ tịch Ủy ban, ông Graham Brady, ông sẽ gặp Thủ tướng vào ngày mai. Cuộc gặp được đánh giá là mang tính quyết định đối với số phận của Thủ tướng Theresa May.

Nhằm chuẩn bị cho tình huống không thể thúc đẩy các nghị sĩ thông qua dự luật về Brexit, Thủ tướng Theresa May đã đưa nhượng bộ lớn là thúc đẩy cuộc bỏ phiếu về khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit. Tuy nhiên, nội dung cuộc trưng cầu ý dân thì vẫn còn để ngỏ, có thể về thỏa thuận chia tay mà bà Theresa May đã đàm phán được, mà cũng có thể bao gồm khả năng giữ nước Anh ở lại Liên minh châu Âunhư yêu cầu của các nghị sĩ. Đây là khả năng mà Nghị viện Anh đã bác bỏ hồi giữa tháng 3 vừa qua do lo ngại một cuộc trưng cầu ý dân như thể có thể làm trầm trọng hơn nữa sự chia rẽ của đất nước. Nếu Hạ viện thông qua dự luật và từ chối tổ chức trưng cầu ý dân, nước Anh có thể rời Liên minh châu Âu vào cuối tháng 7./.