Hôm qua 24/8, tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về cuộc khủng hoảng Ukraine nhằm tìm cách thúc đẩy thực thi thỏa hoà bình Minsk.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình Ukraine nguy cấp trở lại khi bạo lực leo thang nghiêm trọng.

duc_hnwi.jpg
Thủ tướng Đức Merkel (giữa) trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Hollande (trái) và Tổng thống Ukraine Poroshenko. (ảnh: Getty)

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc thảo luận với hai nhà lãnh đạo Pháp và Ukraine, Thủ tướng Đức Merkel khẳng định ý nghĩa quan trọng của các thỏa Minsk đạt được vào tháng 9 năm ngoái và 2 năm nay, coi đây là nền tảng cơ bản nhằm đi tới một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột Ukraine.

Nhà lãnh đạo Đức cũng khẳng định cần đẩy mạnh, củng cố vai trò của thể thức nhóm Bộ tứ Normandy gồm Đức, Ukraine, Pháp và Nga trong việc kiến tạo hoà bình cho Ukraine.

Thủ tướng Merkel cũng không bác bỏ khả năng sẽ nối lại cuộc gặp thượng đỉnh của nhóm Normandy, với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời gian tới: “Chúng tôi đều nhất trí rằng, thỏa thuận Minsk mà các bên ký kết trong tháng 2 năm nay là nền tảng  để thúc đẩy hòa bình tại Ukraine ".

Theo bà Merkel, việc thực thi thỏa Minsk cho tới nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, trong đó lệnh ngừng bắn chưa được phía lực lượng đối lập và chính phủ Ukraine tuân thủ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh vai trò của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong việc giám sát thực thi thỏa Minsk, song bày tỏ quan ngại khi khả năng thi hành nhiệm vụ của tổ chức này luôn bị cản trở. Bà kêu gọi cùng hợp tác chặt chẽ với Nga nhằm đẩy mạnh hơn nữa vai trò của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Hollande lên tiếng phê phán việc các bên xung đột không tôn trọng các điều khoản trong thỏa Minsk, nhấn mạnh rằng cần phải coi thỏa hoà bình này là nền tảng cho tiến trình hoà bình ở Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng khẳng định thỏa thuận Minsk là lựa chọn duy nhất nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, trong đó cần phải ngừng bắn ngay lập tức, rút toàn bộ vũ khí hạng nặng và tạo điều kiện hoạt động cho phái bộ thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở phía Đông Nam Ukraine.

 “Chúng tôi nhìn thấy mối nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực, chúng ta phải đảm bảo sự an toàn cho các  quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, bởi vì điều đó đảm bảo cho tiến trình hòa bình. Chúng ta phải đảm bảo các nhân viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu được tiếp cận tại các khu vực mà không bị cản trở bao gồm cả khu vực biên giới Ukraine và Nga”.

Ngoài các vấn đề trên, tại cuộc gặp ở Berlin, lãnh đạo Đức, Pháp và Ukraine cũng thảo luận về việc thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo ở Ukraine, việc trả tự do cho các tù nhân và mối quan hệ thương mại giữa Ukraine với Nga.

Cuộc họp diễn ra  trong bối cảnh tình hình Ukraine nguy cấp trở lại khi bạo lực leo thang một cách nghiêm trọng. Các cuộc giao tranh, đụng độ giữa quân đội chính quyền Kiev và lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine đã bùng nổ trở lại với quy mô và tính nghiêm trọng tăng lên một cách bất thường kể từ sau khi thoả thuận ngừng bắn có hiệu lực hồi tháng 2. Bạo lực leo thang kéo theo tình trạng thương vong cũng tăng cao đột ngột, ở mức chưa từng có trong nhiều tháng trở lại đây. 

Giữa bối cảnh như vậy, cộng đồng thế giới không khỏi lo ngại về khả năng thoả thuận ngừng bắn hồi tháng 2, thứ duy nhất mà các cường quốc đặt nhiều hy vọng vào đó  sẽ bị phá vỡ hoàn toàn. Một khi thoả thuận Minsk đổ vỡ thêm một lần nữa thì tình hình Ukraine khó tránh khỏi viễn cảnh vượt ra khỏi tầm kiểm soát./.