Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa thăm Manila (Philippines) trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 2 ngày theo lời mời của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

philippines_trung_quoc_tap_duterte_myjv.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) đang ký vào sổ lưu niệm của dinh Tổng thống Philippines trước sự chứng kiến của ông Rodrigo Duterte và con gái ông. Ảnh: The Philippine Star.

Nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết

Hôm 20/11, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines chứng kiến việc ký 29 thỏa thuận các loại từ hợp tác giáo dục, văn hóa đến phát triển khu công nghiệp, đến cùng thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác nông nghiệp...

Bắc Kinh và Manila đã nhất trí về một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung. Hai bên cũng ký một bản ghi nhớ về hợp tác trong đại dự án “Vành đai và Con đường” – sáng kiến đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Một dự án được phê chuẩn để nhận tiền vay từ Trung Quốc là dự án xây con đập Kaliwa trị giá 232,5 triệu USD. Trung Quốc và Philippines cũng đã ký thỏa thuận xây tuyến đường sắt dài 581km từ Los Banos tới Matnog, và thỏa thuận về phát triển hạ tầng ở Davao, quê hương ông Duterte. Ngoài ra nhà lãnh đạo Tập Cận Bình còn nói hai nước sẽ hợp tác về thực thi pháp luật.

Trong số 38 dự án Philippines dành riêng cho Trung Quốc đầu tư cách đây 2 năm, chỉ có 4 dự án nằm trong số các cam kết được đưa ra vào hôm 20/11.

Trung Quốc trước đó đã tặng một gói hỗ trợ vũ khí và đạn dược trị giá 22 triệu USD cho lực lượng Cảnh sát Quốc gia Philippines.

“Cột mốc” trong lịch sử quan hệ 2 nước

Đây là chuyến thăm thứ 8 của một lãnh đạo Trung Quốc tới Philippines kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975. Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình còn là vị lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên thăm Manila trong 13 năm qua.

Chuyến thăm của ông Tập diễn ra vào thời điểm 2 năm sau khi Tổng thống Duterte tuyên bố ông sẽ định hướng lại chính sách đối ngoại theo hướng xích lại gần Trung Quốc và rời xa đồng minh lâu đời là Mỹ, bất chấp việc Manila có hàng thập kỷ nghi kỵ và tranh chấp với Bắc Kinh.

Chuyến thăm này được xem là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh xích lại gần hơn với Philippines bất chấp tranh chấp kéo dài giữa 2 nước liên quan đến Biển Đông, bằng việc mở rộng đầu tư và trợ giúp cho chính đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á.

Trong phát biểu mở đầu hội đàm, Tổng thống Duterte gọi chuyến thăm của Chủ tịch Tập là “cơ hội lịch sử”. Về phần mình, ông Tập gọi đây là “cột mốc trong lịch sử giao lưu giữa 2 đất nước”.

Ông Tập nói: “Hai nước chúng ta sẽ luôn là hàng xóm tốt, bạn bè và đối tác tốt, và cùng hưởng sự phát triển và thịnh vượng chung”.

Phát biểu tại Philippines hôm 20/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: Duy trì “quan hệ láng giềng và hữu nghị tốt” là “sự lựa chọn đúng đắn” duy nhất cho Trung Quốc và Philippines để cả hai có thể đạt được mục tiêu và lợi ích chung trong bối cảnh có “những thay đổi sâu sắc và phức tạp trên thế giới”.

Ông Tập nói: “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Philippines hướng tới tiến bộ lớn hơn trong quan hệ của chúng ta... Hai dân tộc chúng ta có những kỳ vọng lớn hơn về những mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn trong nhiều lĩnh vực”.

Sau đó Chủ tịch Tập tái khẳng định cam kết của chính phủ ông về việc phấn đấu đạt được đồng thuận trong việc xây dựng với ASEAN một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong 3 năm tới.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng ông đã mong chờ cuộc gặp với ông Duterte để có thể trao đổi sâu về việc tăng cường quan hệ Trung Quốc-Philippines cũng như về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Trong phát biểu ở Malacañang (dinh Tổng thống Philippines), ông Tập Cận Bình kêu gọi Phillippines “chung tay bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, chống lại chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương”.

Tuyên bố trên của ông Tập xuất hiện trong bối cảnh Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong cuộc họp ASEAN ở Singapore đã nói rằng Biển Đông không thuộc riêng về một nước nào và Mỹ sẽ tiếp tục đưa máy bay và tàu vào khu vực này trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Về phần mình, Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố: “Trong 2 năm qua, chúng ta đã nỗ lực để đặt các hòn đá tảng cho việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác có lợi trong một phạm vi rộng lớn các lĩnh vực... Ông Duterte cam kết: “Tôi sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Chủ tịch Tập để làm sâu sắc mối quan hệ giữa 2 nước”.

Trở ngại trong nước đối với chính sách của ông Duterte

Tổng thống Duterte đang vấp phải sự chỉ trích từ các đối thủ trong nước cho rằng ông đã nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều về mặt chính trị để đổi lấy hàng tỷ USD dưới dạng tiền vay và tiền đầu tư của Trung Quốc.

Mặc dù công luận Philippines nhìn chung ủng hộ chính quyền Duterte, các cuộc thăm dò đều cho thấy có những sự nghi ngại về chính sách của ông Duterte đối với Trung Quốc, cũng như việc ông này không ưa Mỹ.

Philippines và Trung Quốc vướng vào tranh chấp biển đảo nhưng chính quyền Duterte đã lựa chọn gác vấn đề này sang một bên, với lý do Philippines không thể khiến một cường quốc quân sự thù hằn mình hay chấp nhận từ bỏ những khoản đầu tư lớn từ một cường quốc kinh tế.

Ông Duterte vấp phải sự chỉ trích từ những người dân tộc chủ nghĩa - những người này cho rằng ông không chịu phê phán việc Trung Quốc củng cố hiện diện quân sự ở Biển Đông, cũng như không chịu yêu cầu Trung Quốc tuân theo phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế ở La Hay vào năm 2016.

Phán quyết của Tòa nói trên đã bác bỏ tuyên bố “9 đoạn” phi lý của Trung Quốc về Biển Đông nhưng Trung Quốc bác bỏ phán quyết này, đồng thời có nhiều động thái tăng cường sự hiện diện của họ ở Biển Đông, đặc biệt là thông qua việc triển khai các máy bay và tàu chiến ở vùng biển này.

Chi tiết về thỏa thuận dầu khí ký kết trong chuyến thăm của ông Tập chưa được công bố ngay nhưng theo một bản khung dự thảo do thượng nghị sĩ Philippines đối lập Antonio Trillanes công bố, việc thăm dò sẽ được tiến hành dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và lợi ích hai bên, và không được ảnh hưởng tới quan điểm của 2 nước về các vấn đề chủ quyền và hàng hải.

Mặc dù vậy, thỏa thuận thăm dò nói trên vẫn bị một số người Philippines xem là phá hoại tuyên bố chủ quyền của Philippines ở trên biển. Trước khi ông Tập tới Philippines, hàng trăm người biểu tình đã tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila để phản đối việc chính quyền Duterte xích lại gần Bắc Kinh.

Các nhà phê bình bên trong Philippines rất quan ngại việc ông Duterte gác sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay 2016 về vấn đề Biển Đông. Thượng nghị sĩ Philippines Leila De Lima nói: “Thực tế là Philippines dưới thời ông Duterte có lẽ đã bỏ phí một cơ sở pháp lý quan trọng mà nước này có thể dùng để ứng phó với Trung Quốc trong xung đột ở Biển Đông”.

Khi được hỏi về các cuộc thăm dò dư luận nói trên, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte - ông Salvador Panelo, trả lời rằng chiến lược của ông Duterte là tránh xung đột và cố gắng khéo léo thu lợi từ mối quan hệ thương mại được cải thiện.

Quan hệ Philippines-Trung Quốc xấu đi sau khi người tiền nhiệm của ông Duterte, Benigno Aquino, đưa tranh chấp trên Biển Đông ra tòa án quốc tế ở La Hay. Nhưng tình hình đã thay đổi nhiều theo hướng ngược lại dưới thời của Duterte./.

(Bài này dựa trên các thông tin từ các trang Philstar.com, Reuters, và South China Morning Post)