Đã lên tới cao trào?

Cuộc biểu tình thu hút khoảng 1,2 triệu người, vượt con số kỷ lục của cuộc biểu tình ngày 31/3. 

Tại Paris, đoàn biểu tình mang theo biểu ngữ, tuần hành từ quảng trường Italie đến quảng trường Invalides và chân tháp Eiffel. 26 người đã bị thương và 15 người bị bắt trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát Pháp tại khu vực ga tàu điện ngầm Port Royal.

a8e00aa9_0520_4397_9c5f_346b96f040f3_xpvo.jpg
Cuộc biểu tình của người lao động ở Marseille, Pháp vào ngày 9/3. (ảnh: Reuters).
Đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong chuỗi các cuộc biểu tình nổ ra sau khi Dự luật Lao động sửa đổi (còn gọi là Luật El Khomri, tên vị nữ Bộ trưởng Lao động chủ trì soạn thảo dự luật này) đưa đưa ra ngày 18/2.

Luật El Khomri đặt mục tiêu thúc đẩy sử dụng lao động, tạo nhiều việc làm hơn để giải quyết vấn đề thất nghiệp, vấn đề cấp bách hiện nay ở Pháp.

Tuy nhiên, cơ chế linh hoạt hơn trong việc thuê nhân công, quy định giờ lao động, thù lao ngoài giờ, khung bồi thường cho nhân công bị sa thải...bị nhiều công đoàn phản đối vì được cho là tạo thuận lợi cho quyết định đơn phương của giới chủ, phương hại đến lợi ích của người lao động.

Được đảng Xã hội cánh tả nắm quyền chủ trì, nhưng Luật El Khomri bị coi là "mang nặng chất hữu" và trên thực tế nó được đa số cánh hữu tán thành. Bản thân Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pierre Laurent cũng bày tỏ phản đối và ủng hộ các cuộc biểu tình.   

Trước sự phản đối của nhiều công đoàn, Chính phủ đã tổ chức các cuộc đối thoại và quyết định loại bỏ và điều chỉnh một số điều nhạy cảm nhất, nhưng vẫn duy trì nội dung cốt lõi trong điều 2 liên quan đến tính linh hoạt trong sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Và để thể hiện quyết tâm, Chính phủ Pháp quyết định bỏ qua sự biểu quyết của Quốc hội, áp dụng điều 49.3 trong Hiến pháp để thông qua Dự luật Lao động vào ngày 11/5 vừa qua. Bất bình trước việc làm đó, phong trào phản đối tiếp tục dâng cao với các cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc ngày 17/5 và 19/5 và đỉnh cao là cuộc biểu dương lực lượng khổng lồ ngày 14/6, khi dự luật được trình lên Thượng viện. 

Ngoại trừ hai nghiệp đoàn CFDT, thân với đảng Xã hội và CFTC đồng ý với dự luật lao động đã được điều chỉnh, hầu hết công đoàn Pháp như CGT, FSU, FO và Unef của sinh viên chống quyết liệt, đòi chính phủ phải hủy bỏ hẳn dự luật. 

Ở Pháp hiếm có cuộc biểu tình nào lại lâu dài và quyết liệt đến vậy. Từ ngày 8/3 đến nay đã có 8 cuộc biểu tình lớn phản đối Dự luật Lao động sửa đổi, thu hút hàng chục ngàn người, thuộc nhiều tổ chức và công đoàn, đặc biệt là lực lượng thanh niên, sinh viên, những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất của nạn thất nghiệp, các cuộc biểu tình ở Paris và các thành phố lớn.

Kèm với biểu tình là các cuộc bãi công, điển hình là cuộc bãi công từ ngày 1/6 của công nhân ngành đường sắt - SNCF khiến hàng chục chuyến tầu từ Paris tới các miền trên đất Pháp bị hủy.

Bên cạnh đó là các cuộc bãi công của nhân viên của hệ thống tầu điện ngầm, của các nhà máy điện hạt nhân, của phi công thuộc Hãng hàng không Air France, của công nhân môi trường...Và những điều đó lại diễn ra tập trung đúng dịp nước Pháp tổ chức Euro 2016.

Chưa tới hồi kết

Mặc dù cuộc biểu tình ngày 14/6 được cho là đã lên tới đỉnh cao, nhưng đó chưa phải là hồi kết của cuộc đấu tranh bảo vệ lợi ích của người lao động, đặc biệt là giới trẻ. 

Trước việc Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls thể hiện thái độ cương quyết duy trì Dự luật Lao động sau khi đã loại bỏ và điều chỉnh một số điều bị phản đối mạnh mẽ nhất, Tổng Liên đoàn lao đông (CGT) và một số công đoàn tuyên bố sẽ duy trì cuộc đấu tranh.

Ngày 17/6, Tổng thư ký CGT Philippe Martinez và Bộ trưởng Lao động El Khomri đã có cuộc gặp gỡ, tuy nhiên không đi tới thỏa thuận nào. Hai bên vẫn giữ những nguyên tắc của mình. Bộ trưởng Lao động El Khomri tuyên bố sẽ không hủy bỏ Dự Luật Lao động để làm lại hoàn toàn như yêu cầu của CGT và một số công đoàn.

Ông Martinez tuyên bố CGT và các công đoàn sẽ tiếp tục kêu gọi bãi công vào các ngày 23 và 28/6. Cụ thể, vào 23/6, 7 tổ chức công đoàn gồm CGT, FO, FSU, Solidaires, UNEF, FIDL, UNL sẽ tổ chức tuần hành từ quảng trường Bastille đến quảng trường Nation.

Trước các vụ bạo lực xảy ra trong ngày biểu tình 14/6 vừa qua, Cảnh sát Paris yêu cầu các cuộc biểu tình được tiến hành ôn hòa, tại những địa điểm đã được xác định.

Chính phủ Pháp hy vọng Dự Luật Lao động sẽ được thông qua thuận lợi ở Thượng viện, nơi cánh hữu chiếm đa số.

Tình hình sau đó sẽ ra sao nếu Chính phủ và CGT cùng nhiều công đoàn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung./.