Ngày 7/8 tới, các quan chức thương mại Nhật Bản và Mỹ sẽ bắt đầu nhóm họp ở Tokyo để thảo luận về hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với các vấn đề thương mại song phương khác. Cuộc đàm phán này diễn ra chỉ hơn hai tuần trước khi 12 nước tham gia đàm phán TPP, trong đó có Nhật Bản và Mỹ, tổ chức vòng đàm phán thứ 19 tại Brunei.

Theo các chuyên gia phân tích, việc Nhật Bản tham gia đàm phán về TPP sẽ tạo thêm động lực mới cho cuộc đàm phán. Tuy nhiên, điều này có thể làm quá trình đàm phán trở nên phức tạp hơn do những bất đồng giữa Nhật Bản với các nước thành viên khác, nhất là với Mỹ trong nhiều vấn đề, trong đó có việc xóa bỏ hàng rào thuế quan.

Động lực mới cho TPP

Các cuộc đàm phán về TPP đã khởi động hồi tháng 3/2010, với sự tham gia của 8 nước, trong đó có Mỹ. Sau đó, con số quốc gia tham gia đàm phán đã tăng lên 11, trong đó có Việt Nam – nước quyết định tham gia đàm phán về hiệp định thương mại tự do này vào tháng 11/2010.

abe-tai-tpp1.jpg
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong một cuộc đàm phán TPP với Mỹ ngày 15/3 tại Tokyo (Ảnh: AFP)

Trước khi vòng đàm phán thứ 18 về TPP kết thúc ở Malaysia hôm 23/7, Nhật Bản đã được kết nạp trở thành thành viên thứ 12 của cuộc đàm phán nhằm xây dựng một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới này. Vòng đàm phán thứ 19 sắp tới ở Brunei sẽ là vòng đàm phán đầu tiên có sự tham gia của Tokyo.

Với việc Nhật Bản tham gia đàm phán, một số chuyên gia cho rằng các nước có nền kinh tế nhỏ có thể sẽ liên kết với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này để chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong các cuộc đàm phán. Một quan chức thương mại của New Zealand nói nước này hoan nghênh việc Nhật Bản tham gia đàm phán về TPP bởi vì, điều này sẽ tạo thêm “động lực” cho cuộc đàm phán vốn vẫn được coi là do “Mỹ dẫn dắt” mặc dù về mặt kỹ thuật, tất cả các nước tham gia đàm phán đều có tiếng nói bình đẳng.

Tại vòng đàm phán thứ 18, các nước tham gia đã nhất trí về lịch trình gồm 4 giai đoạn cho các cuộc thương lượng nhằm xóa bỏ các hàng rào thuế quan, với mục tiêu đạt được thỏa thuận cơ bản về vấn đề này vào cuối tháng 10/2013.

Theo lịch trình này, tất cả các nước tham gia đàm phán TPP trừ Nhật Bản cần phải đặt 75% dòng thuế của họ lên bàn thương lượng trước ngày 16/8. Con số này nâng lên 90% trước ngày 30/8, 95% trước ngày 20/9 và 100% trước cuối tháng 10.

Theo nhật báo Nikkei, tại vòng đàm phán sắp tới ở Brunei, tất cả 12 nước tham gia đàm phán TPP sẽ đề xuất xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Đây là lần đầu tiên tất cả các nước thành viên kêu gọi dỡ bỏ thuế quan tại một cuộc họp kể từ khi cuộc đàm phán này bắt đầu vào năm 2010. Mục tiêu của đề xuất này là thúc đẩy tiến trình đàm phán bởi vì, vấn đề dỡ bỏ thuế quan vẫn là rào cản chính cho cuộc đàm phán này.

Các nước tham gia về cơ bản nhất trí kết thúc các cuộc đàm phán song phương về việc xóa bỏ thuế trước ngày 20/9 để tập trung vào các cuộc đàm phán đa phương. Họ đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận cơ bản về vấn đề vào tháng 10/2013 và ký kết một thỏa thuận tổng thể về TPP vào cuối năm nay.

Nếu quá trình đàm phán hoàn tất, một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới sẽ ra đời với sự tham gia của 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Khu vực thương mại tự do này sẽ chiếm gần 40% trong tổng GDP toàn cầu và 1/3 thương mại toàn cầu.

Những bất đồng khó thu hẹp

Theo hãng tin Kyodo, trong ba ngày nhóm họp ở Tokyo, các quan chức Nhật Bản và Mỹ dự kiến sẽ thảo luận về các tiêu chuẩn an toàn và các vấn đề khác trong ngành ô tô, lĩnh vực bảo hiểm và các vấn đề sở hữu trí tuệ.

Trong tuyên bố phát hành trước cuộc họp, quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ Wendy Cutler, người sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự cuộc họp này, khẳng định: “Việc Nhật Bản sẵn sàng giải quyết các quan ngại kéo dài liên quan tới các ngành ô tô và bảo hiểm của nước này cũng như hàng loạt các biện pháp phi thuế quan là một nhân tố quan trọng trong quyết định ủng hộ Nhật Bản tham gia đàm phán TPP của Mỹ”. Bà Cutler cũng bày tỏ hy vọng sẽ “đạt được các thỏa thuận có ý nghĩa” với Nhật Bản.

Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản hy vọng TPP sớm được ký kết với Mỹ (Ảnh: AFP/ Getty)

Mặc dù chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe coi việc đẩy mạnh xuất khẩu thông qua việc thiết lập các đối tác kinh tế, trong đó có việc tham gia đàm phán về TPP, là một trụ cột trong chiến lược tăng trưởng nhưng chính quyền Abe đang phải đối mặt với làn sóng phản đối ở trong nước, chủ yếu đến từ ngành nông nghiệp vốn được bảo hộ nhờ thuế suất nhập khẩu cao, khi tham gia cuộc đàm phán này.

Kết quả thăm dò mới nhất của nhật báo Nikkei cho thấy chỉ có 24,4% trong tổng số 500 doanh nghiệp nông nghiệp trên khắp nước Nhật ủng hộ việc nước này tham gia đàm phán TPP, trong khi tỷ lệ phản đối lên tới 41,2%. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp này lo ngại nếu xóa bỏ thuế quan với các mặt hàng nông sản, các nông sản nhập khẩu giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường Nhật Bản và tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của họ.

Chính vì vậy, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Abe đã thông qua nghị quyết kêu gọi Chính phủ tiếp tục bảo hộ 5 mặt hàng nông sản (gồm thịt bò và thịt lợn, gạo, lúa mỳ, các sản phẩm sữa và đường) và không lưỡng lự khi rời bàn đàm phán nếu cuộc đàm phán này thay đổi theo hướng khác.

Trong bối cảnh, mặc dù Nhật Bản muốn các nước khác, trong đó có Mỹ, xóa bỏ hàng rào thuế quan cho việc xuất khẩu ô tô và các hàng hóa chế tạo khác của nước này nhưng Tokyo vẫn quyết tâm bảo hộ 5 mặt hàng đó.

Tuy nhiên, tại vòng đàm phán thứ 18, quyết tâm này của Nhật Bản đã vấp phải phản ứng từ các nước thành viên khác, trong đó có Mỹ. Các nước này cho rằng tất cả các mặt hàng đều phải đặt lên bàn thương lượng và quy tắc phi thuế quan của TPP không cho phép tồn tại những ngoại lệ.

Về phần mình, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ không muốn mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Theo nhật báo Nikkei, trong lúc Nhật Bản chuẩn bị tham gia đàm phán TPP, các hãng chế tạo ô tô lớn của Mỹ đã tăng cường các hoạt động vận động hành lang nhằm tăng áp lực lên Chính phủ Mỹ để duy trì thuế suất đánh vào ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Hội đồng Chính sách Ô tô Mỹ, một tổ chức vận động hành lang đại diện cho ba “ông lớn” trong ngành ô tô Mỹ là General Motors Co., Ford Motor Co., và Chrysler Group LLC, đã khẳng định với Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ rằng cần phải duy trì mức thuế đánh vào ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản trong ít nhất từ 25 đến 30 năm.

Theo các chuyên gia phân tích, những khác biệt về quan điểm giữa Nhật Bản và Mỹ là một trong những trở ngại lớn nhất cho các cuộc thương lượng song phương giữa hai nước cũng như cho cuộc đàm phán đa phương về TPP.

Mặt khác, những bất đồng giữa các nước tham gia đàm phán TPP cũng đang cản trở tiến trình này. Cho đến cuối tháng 7, các bên mới kết thúc đàm phán về 5 trong số 29 chương trong dự thảo hiệp định về TPP (gồm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, hợp nhất các tiêu chuẩn, viễn thông, phát triển, các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và hoàn tất đàm phán về cơ bản 9 chương khác. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về việc tiếp cận thị trường, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và thương mại điện tử vẫn đang bế tắc.

Trong bối cảnh đó, bà Rebecca Fatima Sta Maria, quan chức cao cấp về thương mại của Malaysia, gần đây nhận định các bên sẽ khó đạt được thỏa thuận cơ bản về TPP vào tháng 10/2013./.