Trong bài phỏng vấn tạp chí “Hình ảnh” của Đức đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại việc mở rộng sang phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Nga và phương Tây.

linh_nga_ybzp.jpg
Lính Nga. Ảnh: Photoshot.

Tuyên bố của Tổng thống Nga đưa ra chỉ ít ngày sau khi Ba Lan – một nước láng giềng Đông Âu của Nga hé lộ việc khởi công xây dựng căn cứ quân sự và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Redikovo, tỉnh Pomorskie, miền bắc Ba Lan vào mùa Hè năm nay.

Ba Lan cũng sẽ tìm kiếm việc trở thành thành viên bình thường, đầy đủ quyền lợi của NATO trong hội nghị thượng đỉnh của khối trong tháng 7 tới. Những nhân tố này rất có thể sẽ tạo ra những sự đối đầu trong quan hệ Nga – NATO thời gian tới.

Để hiểu rõ hơn về câu chuyện quốc tế này, chúng tôi có cuộc trao đổi với chị Điệp Anh, phóng viên thường trú VOV tại Liên bang Nga.

Quan hệ Nga – NATO vẫn ở trong giai đoạn thấp nhất kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Với những thông tin về căn cứ quân sự mới của NATO tại Ba Lan vừa được hé lộ, liệu đây có phải là chốt chặn mới trong quan hệ hai bên không?

Điệp Anh: Vâng, có thể nói trong thời gian vừa qua các “chốt chặn” trong quan hệ giữa Nga và NATO thường xuyên và liên tục xảy ra và sự kiện NATO triển khai căn cứ quân sự mới tại Ba Lan cũng chỉ là những bước leo thang căng thẳng tiếp theo giữa Nga với NATO trong khi chưa có một giải pháp chính trị nào để hạ nhiệt.

Trên thực tế, trong những năm gần đây nước Nga đã dần lấy lại thế cân bằng quân sự với NATO. Còn theo vị tướng Đức trong NATO Hans-Lothar Domreze nhận xét thì “NATO đã bị xuống cấp trầm trọng trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh hiện đại hóa của lực lượng vũ trang Nga, và bây giờ Liên minh này e ngại rằng cán cân lực lượng trên thế giới sẽ bị phá vỡ nghiêng về lợi thế của Nga”.

Theo đánh giá của tôi, đây là một trong những nhân tố căn bản thúc đẩy NATO hay đúng hơn là Mỹ phải tìm kiếm những bước đi mới trong bàn cờ quân sự thế giới, nhất là ở khu vực châu Âu nhằm trấn an các đồng minh châu Âu nhiều hơn là ngăn cản sức mạnh quân sự của Nga ở khu vực này.

Thực tế này, một lần nữa đã được chính vị tướng Đức Domreze trong lực lượng NATO thừa nhận "Kể từ thời điểm ông Putin lần thứ hai trở thành Tổng thống, khoản đầu tư của Nga vào lĩnh vực quốc phòng rất được chú trọng cho nên hôm nay lực lượng vũ trang của Nga là cực kỳ hiện đại, linh hoạt và thiện chiến…".

Trong trường hợp NATO vẫn tiếp tục triển khai các căn cứ quân sự trên khắp lãnh thổ châu Âu, Nga có thể có những động thái đáp trả như đã tuyên bố. Một kịch bản như vậy sẽ đẩy không gian an ninh châu Âu đi tới đâu?

Điệp Anh: Nnhững bước đi này của NATO đã diễn ra trong nhiều năm qua ở châu Âu. Nhất là, sau sự kiện Ukraine, NATO đã không ngừng tăng sự hiện diện quân sự của mình ở dọc biên giới Nga sau khi cáo buộc Moscow hậu thuẫn lực lượng dân quân nổi dậy tại Ukraine.

Cho nên, có thể nói các biện pháp đáp trả đã được Nga không những chuẩn bị kỹ càng mà còn thẳng thắn tuyên bố với NATO. Trong đó, việc Nga triển khai các trang thiết bị quân sự tối tân nhất ở Kaliningrad sẽ là một thách thức lớn đối với NATO và điều này khiến châu Âu lo ngại.

Lòng tin giữa Nga và NATO khó có thể sớm hồi phục khi mà trong năm 2015 có tới gần 4.000 cuộc tập trận của Nga, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì bất ngờ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga.

Châu Âu lo ngại một kịch bản xấu có thể xảy ra giữa Nga với NATO. Đại diện thường trực của Nga tại NATO, ông Alexander Grushko đã từng tuyên bố: “Bất kỳ một nỗ lực nào của NATO để triển khai các loại vũ khí nguy hiểm hay tiềm ẩn mối đe dọa đối với Nga, là tương tự như chơi với lửa. Moscow có thể phản ứng bất cứ lúc nào, gây ra những xung đột bên trong khu vực”.

Theo tôi, trong giai đoạn nhạy cảm này thì cuộc đối đầu Nga-NATO hay đúng hơn là cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ có thể đưa thế giới, nhất là châu Âu vào vực sâu nguy hiểm bất cứ lúc nào. Có lẽ, đây là thời khắc để liên minh châu Âu phải có một thái độ, một trách nhiệm mạnh mẽ nhất mới có thể hạ nhiệt nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị bền vững hơn.

Quan hệ Nga - phương Tây có một vài dấu hiệu “ấm lên” trong năm qua, khiến người ta đã nhắc tới sự “hợp tác trong thế đối đầu”. Phương Tây cũng chấp nhận thực tế  nhiều vấn đề quốc tế không thể giải quyết được nếu thiếu vai trò của một nước Nga. Điều này có thể giúp cân bằng lại mối quan hệ này như thế nào?

Điệp Anh: Vâng, một thực tế không thể phủ nhận là châu Âu luôn muốn tìm sự hợp tác với Nga không chỉ trong việc giải quyết những vấn đề nóng trên thế giới mà cả trong kinh tế, xã hội. Nhưng có lẽ, sự lệ thuộc an ninh của châu Âu vào NATO mà thực chất là phụ thuộc vào Mỹ làm cho nhu cầu thực tế đó của châu Âu không dễ dàng được Mỹ chấp thuận.

Thực tế này cũng đã từng được Tổng thống Nga Putin đánh giá: “Nếu như vào đầu thập niên 1990, thay vì mở rộng NATO, phương Tây xây dựng một tổ chức khác, thống nhất cả châu Âu, thì tình hình đã khác, đã không có những cuộc khủng hoảng như hiện nay. Kế hoạch Đông tiến của NATO chính là nguyên nhân khiến các quan hệ thời Chiến tranh Lạnh vẫn còn tồn tại trên thế giới”.

Theo tôi, trong thời gian gần đây xã hội và một số chính trị gia châu Âu đã thể hiện thái độ cũng như nỗ lực thúc đẩy để đưa châu Âu trở về đúng với quỹ đạo của mình và xu thế này cũng phù hợp với tuyên bố của Tổng thống Nga Putin “sẵn sàng tìm kiếm thỏa hiệp trên cơ sở song phương với Tây Âu”. Cho dù, Moscow luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia lên hàng đầu song không mong muốn tiến hành việc đó trong thế đối đầu.

***

Mặc dù còn rất nhiều bất đồng và mâu thuẫn về lợi ích, nhưng có thể thấy rằng Nga và NATO vẫn còn có thể hợp tác hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu như cuộc khủng hoảng Syria, Ukraine, sự hoành hành của tổ chức khủng bố IS… Điều mấu chốt là các bên phải có sự nhượng bộ lẫn nhau, thu hẹp bất đồng và xây dựng được lòng tin./.