Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần qua đã đề xuất làm trung gian hòa giải giữa Qatar và các nước láng giềng Arab.

qatar_gudi.jpg
Qatar - địa bàn tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ? Ảnh: blogspot.

Động thái đầy bất ngờ này của ông chủ Nhà Trắng đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đã diễn ra tới 3 tháng nay mà giờ Mỹ mới chính thức thể hiện vai trò của mình trong vấn đề nóng này. Phải chăng, chính sự xuất hiện của Nga ở vùng Vịnh khiến Mỹ sốt sắng tính toán nước cờ mới?

Theo các nhà phân tích, có lẽ Mỹ không muốn vai trò và tầm ảnh hưởng của nước này tại vùng Vịnh nói riêng và Trung Đông nói chung bị lu mờ, trong lúc Nga đang muốn “lao vào cuộc”. Muốn các quốc gia vùng Vịnh trở thành đồng minh trung thành của mình, nâng cao tầm ảnh hưởng tại khu vực bằng cách đóng vai trò làm trung gian hòa giải phải chăng đang là những mục tiêu mới mà Mỹ muốn theo đuổi?

Thêm vào đó, với việc chính thức làm trung gian hòa giải, Mỹ cũng muốn thể hiện sự hỗ trợ lúc nguy cấp đối với Qatar, nơi Mỹ đang đặt căn cứ không quân lớn nhất ở Trung Đông, và cũng là quốc gia có vị thế hết sức đặc biệt trong khu vực.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, khó có thể dám chắc, liệu kế hoạch mới của Tổng thống Donald Trump có thành công hay không, khi mà cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đến nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu giảm nhiệt, với các bên liên quan nhất quyết không chịu thỏa hiệp cũng không nhượng bộ.

Người đứng đầu ngành ngoại giao của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa nhận định “đây là một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng”.

Ngoại trưởng UAE Anwar Mohammed Qarqash còn miêu tả bất đồng hiện nay giữa Qatar và các nước Arab là một cuộc khủng hoảng chính trị thực sự, và rằng Doha đang phớt lờ "vấn đề cốt lõi" của cuộc khủng hoảng hiện nay. Những tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Saudi Arabia cuối tuần qua tuyên bố dừng mọi hoạt động đối thoại với Qatar, đồng thời cáo buộc nước này “xuyên tạc sự thật”.

Ông Abdu Rahman al-Murshed, một nhà phân tích chính trị của Saudi Arabia cho biết: “Cuộc khủng hoảng này hoàn toàn là vấn đề nội bộ của khu vực. Đó là mâu thuẫn ngoại giao giữa quốc gia vùng Vịnh này và các quốc gia Arab. Nhưng Qatar luôn muốn quốc tế hóa cuộc khủng hoảng này.”

Trong khi Saudi Arabia tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn về tình hình căng thẳng với Qatar và giữa lúc mâu thuẫn vùng Vịnh vẫn chưa có lối thoát sau 3 tháng bùng phát, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bất ngờ kêu gọi các nước Arab và Qatar nên đàm phán trực tiếp để giải quyết xung đột ngoại giao hiện nay cũng như xây dựng lại sự thống nhất trong khu vực.

Phát biểu trong buổi họp báo tại Jeddah hôm 10/9, nhân chuyến thăm Saudi Arabia, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi đã khẳng định quan điểm của mình rằng ủng hộ việc giải quyết những bất đồng thông qua các cuộc đàm phán, bằng cách trực tiếp bày tỏ lo ngại và hướng tới đạt được các giải pháp có tính đến mối quan tâm và lợi ích của tất cả các bên".Trước đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov từng tuyên bố, nếu các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các nước Arab vùng Vịnh được khởi động, Nga sẵn sàng đóng vai trò làm trung gian hòa giải vì một "Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh thống nhất và hùng mạnh".

Ban đầu là chỉ “đứng ngoài” hối thúc các bên tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng, hoan nghênh nỗ lực của Nga trong việc hòa giải mâu thuẫn giữa Qatar và các quốc gia Arab, nay Mỹ cũng chính thức thể hiện vai trò trong xử lý vấn đề nóng này.

Với việc hai ông lớn thi nhau “tháo gỡ nút thắt” cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, liệu không rõ đằng sau đó, mỗi bên có toan tính lợi ích riêng gì hay không, nhưng trước mắt, nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải vẫn được các bên hoan nghênh với hy vọng sẽ sớm tạo ra những đột phá giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang này./.