Nếu đặt câu hỏi, nhìn lại năm 2014, điều gì thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với bạn? Chắc rằng nhiều người sẽ cho rằng họ bị ám ảnh bởi bạo lực và khủng bố. Điều này cũng dễ hiểu bởi trong suốt cả năm qua, những “từ khóa đẫm máu” luôn thống trị trong các dòng tít của các hãng truyền thông lớn của thế giới.
Bạo lực cực đoan do các nhóm Hồi giáo mang tư tưởng thánh chiến như al-Qaeda, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang đặt thế giới trước những nguy hiểm khó lường.
>> IS đang chiến thắng phương Tây trong cuộc chiến trên mạng
Khi những kẻ khủng bố ra tay hành quyết tàn bạo những con tin bị chúng bắt giữ và đe dọa sẽ phá vỡ các ranh giới và trật tự chính trị tại khu vực Trung Đông, rất nhiều chuyên gia đã đặt ra câu hỏi liệu có phải các nhóm cực đoan mang tư tưởng thánh chiến đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc định hình lại cấu trúc ở khu vực này.
Các nhà phân tích về thế giới Arab cho rằng, sự gia tăng của hệ tư tưởng cực đoan như hiện nay một phần là do sự can thiệp quân sự của phương Tây vào khu vực mà tư tưởng Hồi giáo thống lĩnh như Iraq và Afghanistan. Sự can thiệp này đã làm trầm trọng hơn cái gọi là cuộc nổi dậy mùa Xuân Arab và cho đến nay nó vẫn không có dấu hiệu suy giảm.
Thành lập Nhà nước Hồi giáo
Với hành động can thiệp quân sự do NATO đứng đầu dẫn đến việc lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi vào năm 2011, Libya đã bị cuốn vào một cuộc xung đột chính trị nội bộ không có điểm dừng. Chính những xung đột chính trị này đã tạo điều kiện thuận lợi cho al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác chiếm giữ những vùng đất rộng lớn tại quốc gia này.
Tại Trung Đông, sức mạnh của các nhóm chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã vượt qua biên giới của một quốc gia và đặt ra một mối đe dọa đối với cơ cấu xã hội trong thế giới Arab. Điều này có thể lặp lại như năm 2006 khi al-Qaeda tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo ở Iraq (ISI).
Vào đầu năm 2013, các chiến binh ISI đã tràn sang Syria và tham gia vào cuộc nội chiến chống lại chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tổ chức này sau đó đã tuyên bố sáp nhập với một nhóm có liên hệ với al-Qaeda ở Syria, được gọi là al-Nusra Front và tuyên bố tên gọi mới của mình là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL).
Tháng 2/2014, tổ chức al-Qaeda cho biết nó đã cắt đứt liên kết với các chiến binh ISIL do Abu Bakr al-Baghdadi cầm đầu. Tiếp đó vào tháng 6/2014, ISIL đã chiếm giữ một khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq đồng thời tuyên bố thành lập một Caliphate Hồi giáo và đổi tên tổ chức này thành IS.
>> Kẻ cầm đầu IS có bằng Tiến sĩ Đại học Hồi giáo Baghdad
"Việc tuyên bố thành lập Caliphate Hồi giáo là một động thái quan trọng bởi nó sẽ thu hút các nhóm Hồi giáo cực đoan và những người có ý thức hệ gần gũi sẽ trung thành hơn với Abu Bakr al-Baghdadi. Điều này đã xảy ra với một số nhóm chiến binh thánh chiến từ Libya, Ai Cập, Tunisia, Yemen và một số khu vực khác”, Ibrahim al-Ameri, giảng viên chính trị tại trường Cao đẳng Baghdad cho biết.
Ông al-Ameri cũng nói rằng, cả IS và al-Qaeda đều dựa trên một hệ tư tưởng tương tự nhau. Điểm khác biệt có chăng đó là IS có xu hướng bạo lực hơn, thậm chí trong việc đối phó với các nhóm Hồi giáo đối thủ khác.
"IS có vẻ tàn bạo hơn trong việc đối phó với tù nhân của mình. Tổ chức này đã thực hiện nhiều vụ thảm sát hàng loạt, đồng thời áp dụng biện pháp chặt đầu đối với các binh sĩ và nhân viên an ninh rơi vào tay chúng cả ở Syria và Iraq", ông al-Ameri nói.
Cực đoan trỗi dậy do hỗn loạn trong nước và can thiệp từ bên ngoài
Chủ nghĩa khủng bố không thể phát triển mạnh mà không có một môi trường thích hợp. Thật không may, những vấn đề kinh tế - xã hội chủ yếu xuất phát từ sự nghèo đói, thiếu hiểu biết và tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhiều nước thuộc khu vực Arab đã tạo ra một môi trường lý tưởng, hay nói cách khác là một nơi sản sinh tuyệt vời của chủ nghĩa khủng bố.
Chính quyền Iraq được đánh giá là đã thất bại trong việc mang lại ổn định cho đất nước bởi nó chìm vào tình trạng chia rẽ sắc tộc và tranh cãi chính trị thay vì xây dựng và quản lý tốt đất nước.
"Cách tiếp cận và điều hành đất nước của ông Maliki (cựu Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki) - một người Hồi giáo dòng Shia đã đẩy người Hồi giáo dòng Sunni về phía al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo nhằm tăng cường các cuộc tấn công vào cộng đồng người Shiite cũng như chính quyền Iraq. Một lần nữa, các khu vực có đa số người Sunni tại Iraq vốn thất vọng với chính quyền đã trở thành căn cứ tuyển dụng màu mỡ cho các nhóm khủng bố", Najib al-Jubouri, một nhà bình luận chính trị, cho biết.
>> Tổ chức Hồi giáo IS đang vận hành quy củ như một chính phủ hiện đại
Hơn nữa, phương Tây đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và tạo ra các chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo trong thế giới Arab", Hmaidi Abdullah, một nhà phân tích chính trị Syria cho biết.
"Phương Tây và Mỹ đã dựa vào các nhóm khủng bố... Việc Mỹ xâm lược Iraq đã khiến các nhóm khủng bố tái xuất hiện. Bên cạnh đó cuộc cách mạng mùa Xuân Arab nổ ra vào năm 2011 cũng khiến các nhóm cực đoan phát triển mạnh do tình trạng bạo lực tràn lan diễn ra sau cuộc “cách mạng” này", ông Hmaidi Abdullah nói.
Ông Hmaidi Abdullah cũng cho rằng, các nước phương Tây đã hỗ trợ các nhóm cực đoan ở Syria trong một nỗ lực để lật đổ chính quyền của Tổng thống al-Assad. Đây là một sự lặp lại những gì họ đã làm ở Afghanistan khi muốn chống lại Liên Xô khi đó.
Ông Abdullah nói rằng. Mỹ và các đồng minh của mình đã không thực sự muốn mang lại dân chủ cho khu vực này. Thay vào đó, đơn giản họ chỉ đứng về bất cứ phía nào miễn là nó mang lại lợi ích cho họ.
Đồng ý với nhận định này, ông al-Jubouri cho rằng, một khu vực như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa khủng bố nảy nở.
Sự trỗi dậy của al-Qaeda và IS là hậu quả của sự mất cân bằng trong quan hệ giữa thế giới Hồi giáo và Mỹ và là hệ quả của việc thiếu các giải pháp hòa bình trong việc cải thiện sự mất cân bằng này, ông al-Ameni nói.
“Chủ nghĩa đơn phương của Mỹ sau cuộc tấn công 9/11/2001 đã gieo những hạt giống cho bạo lực. Điều đó sẽ không dễ gì để nhổ tận gốc rẽ trong nhiều thập kỷ nữa”, ông al-Ameni nói.
Về phần mình, ông al-Jubouri cũng đổ lỗi cho Mỹ khi áp dụng tiêu chuẩn kép trong các vấn đề toàn cầu.
"Người Mỹ dường như đã thiết lập riêng cho mình một quy tắc để xác định các hành động khủng bố và sau đó sử dụng nó như là một cái cớ để tiến hành can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác", ông al-Jubouri nói.
Cần có phương pháp toàn diện để đánh bại chủ nghĩa khủng bố
Để đánh bại IS và các nhóm khủng bố khác tại khu vực Trung Đông, cần phải có một chiến lược quốc tế toàn diện. "Phải có cách tiếp cận trong nội bộ và bên ngoài để đánh bại IS ở Iraq và trên thế giới. Đối với chính quyền Iraq, có thể điều quan trọng lúc này là cần phải đem lại hòa bình và ổn định cho nước này bằng lực lượng quân đội mạnh. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là cần phải khởi động các cuộc đối thoại chính trị giữa tất cả các phe phái ở Iraq và đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ hội cho tất cả người dân Iraq", ông al-Ameri nói.
"Nó phải được thực hiện ngay nếu chính phủ Iraq muốn kết thúc bạo lực và xung đột sắc tộc", ông al-Ameri nhận định.
>> Cuộc sống đồi trụy của phiến quân IS qua lời kể của nữ nô lệ tình dục
Cũng theo ông al-Ameri, Mỹ không thể tự xưng là lãnh đạo trong cuộc chiến chống khủng bố, bởi từ lâu Mỹ đã áp dụng tiêu chuẩn kép đối với các vấn đề khác nhau trên thế giới. Thay vào đó, "Mỹ nên tiến hành các công việc của mình trong hệ thống của Liên Hợp Quốc, không được có hành động đơn phương".
Bên cạnh đó, theo ông này, phương Tây nên xem xét lại các chính sách của mình để có sự hợp tác trung thực trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố. Nếu không, chính bản thân các cường quốc phương Tây sẽ phải chịu hậu quả của chủ nghĩa khủng bố khi các nhóm cực đoan có tổ chức tiếp tục phát triển mạnh tại khu vực Arab.
Maher Murhej, lãnh đạo Đảng Thanh niên Syria cũng cho rằng "các nước phương Tây cần phải xem xét các chính sách của họ ở Trung Đông. Nếu không, họ sẽ chịu hậu quả của việc tạo ra một “con quái vật lớn”. Khi đó sẽ khó “giam cầm” nó trong một khu vực địa lý nhất định. “Thực tế chúng ta đã thấy rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã vẽ ra sơ đồ cho việc “chinh phục” châu Âu của chúng".
>> Nga, Mỹ có thể bắt tay để cùng tiêu diệt phiến quân IS
Theo ông al-Jubouri, Liên Hợp Quốc, cụ thể là Hội đồng Bảo an nên đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Đây là cách duy nhất để duy trì sự thống nhất, phối hợp hiệu quả những hành động trong cuộc chiến cam go chống lại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu./.