Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump vừa áp mức thuế mới là 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đánh vào hàng ngàn sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, từ gia vị, găng bóng chày, router mạng internet, đến các linh kiện máy móc công nghiệp. Mức thuế mới có hiệu lực vào đầu ngày 24/9 (giờ Mỹ, tức trưa 24/9 giờ Trung Quốc).
Trung Quốc đáp trả ngay lập tức bằng mức thuế mới từ 5-10% đánh vào khối lượng hàng hóa Mỹ có tổng trị giá 60 tỷ USD, bao gồm thịt, chất hóa học, quần áo và linh kiện ô tô. Cụ thể, Trung Quốc áp thuế 5% lên khoảng 1.600 mặt hàng Mỹ (trong đó có máy tính, hàng dệt may) và thêm 10% lên hơn 3.500 mặt hàng bao gồm chất hóa học, thịt, lúa mì, rượu vang, khí hóa lỏng, và dầu ăn.
Các động thái này là một bước leo thang lớn trong “xung đột” ngày càng mở rộng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Không bên nào có dấu hiệu lui bước trong cuộc chiến đáp trả lẫn nhau này.
Cuộc chiến thêm khốc liệt khi Washington tuần trước áp lệnh trừng phạt lên một đơn vị quân sự Trung Quốc vì đã mua vũ khí Nga. Mỹ cho rằng việc mua nói trên vi phạm một đạo luật của Mỹ.
Mỹ muốn “dứt điểm” Trung Quốc?
Giờ đây làn sóng thuế quan mới của Tổng thống Trump đã được áp lên hơn 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bằng xấp xỉ một nửa giá trị hàng hóa do Trung Quốc bán sang Mỹ.
Đợt thuế mới này của Mỹ đánh vào chủ yếu các sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc, như đồ đạc và thiết bị điện tử. Đợt áp thuế trước đó của Mỹ ảnh hưởng chủ yếu đến các sản phẩm công nghiệp.
Đòn thuế quan mới của Mỹ dự kiến vào cuối năm 2018 này sẽ tăng từ mức 10% lên tận 25%. Trung Quốc chưa có đòn đáp trả nào cho viễn cảnh đó.
Ngoài ra chính quyền Tổng thống Trump còn đe dọa áp thuế lên thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác. Khi đó, trên thực tế các biện pháp của Mỹ đã phủ kín lên tất cả các hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. (Tổng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vào năm 2017 là 506 tỷ USD).
Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ ít hơn nhiều so với xuất khẩu sang đây. Và hiện nay Trung Quốc đang cạn dần các “mục tiêu” bên Mỹ mà họ có thể đánh thuế vào.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào hôm 23/9 tuyên bố rằng chính quyền của ông nhất định sẽ thắng lợi trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Nhiều người dự đoán Nhà Trắng sẽ bước sang “hiệp 4” của cuộc chiến thuế quan.
Khi ông Trump vào tuần trước công bố mức thuế quan mới, ông dọa luôn rằng bất cứ hành động trả đũa nào từ phía Trung Quốc sẽ vấp ngay phải “pha 3” của đòn thuế quan, lên các hàng nhập từ Trung Quốc có tổng giá trị khoảng 267 tỷ USD.
Vài tiếng sau khi thuế mới của Mỹ có hiệu lực hôm 24/9, Tân Hoa xã đăng bài lên án Mỹ đang bắt nạt thương mại. Hãng thông tấn nhà nước này của Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán với Washington nếu các cuộc thảo luận “dựa trên sự bình đẳng và sự tôn trọng lẫn nhau”.
Giới phân tích cho rằng, tuy khó khăn, Trung Quốc vẫn còn có một số đòn trả đũa dự trữ, bao gồm mức thuế cao hơn, đặt ra hạn ngạch nhập khẩu, hạn chế việc công dân Trung Quốc sang Mỹ để học tập hoặc du lịch, và giảm thuế cho các công ty chịu tác động từ thuế của Mỹ.
Mục tiêu của Mỹ không chỉ là kinh tế?
Chính quyền ông Trump đưa ra lý do cho các biện pháp này là để trừng phạt Trung Quốc vì “các hoạt động thương mại không công bằng như là nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ”.
Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ. Họ tố ngược lại rằng Mỹ đang thực hành chủ nghĩa bảo hộ và hoạt động bắt nạt.
Giới chức Mỹ cho biết, mục tiêu cuối cùng là để đạt được thương mại tự do với mức thuế bằng không và trợ cấp bằng không ở cả hai phía. Nhưng các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang nghi ngờ ý đồ của Mỹ.
Mỹ tuyên bố sẽ thắng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Quyết định của Tổng thống Mỹ Trump đẩy mạnh các biện pháp thuế quan nhằm vào Trung Quốc có vẻ đã làm hãm lại kế hoạch đàm phán vòng mới giữa hai nước.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã mời các nhà đàm phán Trung Quốc sang Washington để nối lại đàm phán nhưng một quan chức của Nhà Trắng cho biết hiện chưa có kế hoạch gặp gỡ nào.
Trong khi đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đồng ý rằng một mặt cần phải xử lý vấn đề về cách hành xử thương mại của Trung Quốc nhưng mặt khác, họ phản đối việc dựng hàng rào thuế quan vì khoản thuế này sẽ lại do chính các công ty nhập khẩu của Mỹ trả. Giờ đây, các vị giám đốc doanh nghiệp Mỹ phải quyết định xem liệu bản thân họ có gánh lấy khoản thuế này hay để cho người tiêu dùng tự hứng chịu.
Một số doanh nghiệp Mỹ có thể tìm một nhà cung cấp khác bên ngoài Trung Quốc nhưng điều này lại mất thời gian. Và hàng ngàn doanh nghiệp Mỹ đã yêu cầu chính phủ của họ loại bỏ một số sản phẩm nhất định khỏi danh sách đánh thuế, với lý do họ không tìm được nhà cung cấp nào khác ngoài Trung Quốc cho các mặt hàng họ cần./.