“Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng”
Theo thông lệ, trước các cuộc đối thoại quan trọng, tình báo Mỹ thường chuẩn bị một bộ hồ sơ chi tiết kèm theo những thông tin dù là nhỏ nhặt nhất về các nhà lãnh đạo phía đối tác cho Tổng thống Mỹ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters |
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực, tình báo Mỹ cũng mới chỉ cung cấp được cho Tổng thống Mỹ Donald Trump một “cái nhìn thoáng qua” về ông Kim Jong-un.
Theo Reuters, “cái nhìn thoáng qua” này của giới tình báo Mỹ lại dựa quá nhiều vào ấn tượng của Giám đốc CIA Mike Pompeo- người vài tuần trước đó có cuộc gặp ngắn ngủi với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng.
Bản thân ông Mike Pompeo cũng chỉ mô tả ông Kim Jong-un là “một nhà lãnh đạo khôn ngoan đang chuẩn bị kỹ” cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều- mà không đưa ra được một đánh giá đáng chú ý nào.
Ngay cả những nhận định “vô thưởng vô phạt” như vậy cũng được tình báo Mỹ cập nhật vào “hồ sơ mật” về ông Kim Jong-un bao gồm những thông tin về hành vi, tính cách và phong cách điều hành đất nước nhằm giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump và các trợ lý có thể vạch ra “chiến lược đối phó” với ông Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới.
Dù vậy, chính giới chức Mỹ cũng thừa nhận, những gì họ biết được về ông Kim Jong-un vẫn rất hạn chế, nếu không muốn nói là “khoảng trống mênh mông”. Điều này xuất phát từ việc Mỹ rất khó cài cắm điệp viên vào Triều Tiên cũng như tuyển mộ được người Triều Tiên làm gián điệp cho mình.
Ngoài ra, những nỗ lực trong việc tiến hành các hoạt động gián điệp mạng nhằm vào Triều Tiên cũng không thu được nhiều kết quả trong bối cảnh kết nối từ quốc gia Đông Bắc Á này ra thế giới qua Internet vẫn chỉ được duy trì “ở mức tối thiểu” theo đánh giá của Mỹ.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats trong một bài phát biểu hồi đầu tháng 4 từng thừa nhận rằng, lãnh đạo Triều Tiên là “một trong những nhân vật mà tình báo Mỹ gặp khó khăn nhất” trong việc thu thập thông tin.
Thượng đỉnh Hàn-Triều: Chờ quyết định táo bạo của ông Kim Jong-un
Cái nhìn khác về lãnh đạo Triều Tiên
Trái với nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông Kim Jong-un “chỉ toàn làm chuyện điên rồ”, các chuyên gia và giới tình báo Mỹ từ lâu đều đi đến kết luận chung rằng, lãnh đạo Triều Tiên là “một người hết sức lý trí” và rất khó để thuyết phục ông Kim Jong-un từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Theo các chuyên gia, việc ông Kim Jong-un cử em gái của mình tham dự Thế vận hội Mùa đông tại Hàn Quốc hồi tháng 2 và cùng xuất hiện với phu nhân của mình tiếp các đặc sứ Hàn Quốc tới Triều Tiên một tháng sau đó chính là để tạo ra “một hình ảnh Triều Tiên thân thiện hơn với thế giới bên ngoài” trước thềm Thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều.
Giới chức Mỹ cho biết, các chuyên gia của nước này sẽ coi Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều là “cơ hội vàng” để họ có thể thu thập thông tin, phân tích và đưa ra đánh giá chính xác hơn về ông Kim Jong-un. Trước đó, những hình ảnh và bài viết về các cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un với giới chức Hàn Quốc và Trung Quốc cũng được các chuyên gia Mỹ “đặt lên kính lúp soi”.
Thậm chí, giới chức Mỹ cũng không bỏ qua việc thu thập thông tin từ những “nguồn thứ cấp” như “hồi ức của một đầu bếp làm sushi người Nhật Bản từng làm việc cho gia đình ông Kim Jong-un”.
Nhật Bản phản ứng vì thực đơn Hàn Quốc tiếp ông Kim Jong-un
Thách thức từ chính Tổng thống Trump
Không chỉ gặp khó trong việc thu thập thông tin, giới tình báo Mỹ còn phải đối mặt với thách thức từ việc phải lựa chọn thông tin nào để trình bày với Tổng thống Donald Trump- người rất ghét phải nghe báo cáo dài dòng, chi tiết- để ông có thể đưa ra quyết định mang nhiều lý tính hơn là cảm tính như đã từng diễn ra trong thời gian vừa qua.
Dự kiến, các quan chức tình báo Mỹ sẽ phải dày công “cắt ngắn” báo cáo trình lên Tổng thống Trump và chèn thêm vào đó nhiều hình ảnh, bản đồ, đồ họa và video để giúp Tổng thống Mỹ nắm bắt tốt nhất những diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Đây không phải là lần đầu tiên, họ phải sử dụng đến “các công cụ hỗ trợ hình ảnh” trong bản báo cáo trình lên ông Trump. Trước đó, các quan chức tình báo Mỹ đã từng phải chèn biểu tượng Nữ thần Tự do lên phía trên đỉnh núi nơi diễn ra vụ thử bom hạt nhân của Triều Tiên để ông Trump “dễ bề so sánh” kích thước cơ sở thử bom hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ lại khẳng định, ông Trump yêu cầu giới tình báo Mỹ làm như vậy bởi ông “đặc biệt có tài nhớ các chi tiết đã được hình ảnh hóa”: “Thành công của ông trong lĩnh vực xây dựng [trước khi là Tổng thống Mỹ, ông Trump là tỷ phú ngành bất động sản-ND] cho thấy ông rất giỏi nghiên cứu các bản vẽ, đồ họa. Ông có biệt tài ghi nhớ các chi tiết đã được hình ảnh hóa và điều này giúp ông làm việc hiệu quả hơn”.
Các nội dung chính của hội nghị thượng đỉnh “chưa từng có” Mỹ-Triều
Những “bài học đắt giá”
Tuy nhiên, không phải lúc nào giới chức tình báo Mỹ cũng thành công trong việc đánh giá các nhà lãnh đạo quốc tế dù họ đã dày công thu thập và xây dựng được hồ sơ chi tiết về họ. Chính sách “hiểu rõ về đối thủ” đôi lúc lại gây phản tác dụng.
Điển hình nhất là việc khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2012, chính CIA đã “mạnh dạn” dự đoán, chính thể của ông Kim Jong-un sẽ không tồn tại được lâu. Tại thời điểm đó, CIA đánh giá ông Kim Jong-un là “người còn non kinh nghiệm” và sẽ phải “từ bỏ chương trình hạt nhân của mình để dồn sức vực dậy nền kinh tế đang rất khó khăn của Triều Tiên”.
Sáu năm sau, CIA đã buộc phải thay đổi dự đoán của mình và buộc phải thừa nhận ông Kim Jong-un là “nhà lãnh đạo khôn ngoan và cứng rắn”. Thậm chí, nhiều chuyên gia tình báo Mỹ cũng bất ngờ trước khả năng thích nghi với thời cuộc nhanh chóng của ông Kim Jong-un khi ông sẵn sàng chuyển sang đề nghị đối thoại với phía Mỹ sau khi “đã hoàn tất việc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa”.
Dù vậy, giới chức tình báo Mỹ khẳng định, họ vẫn phải tiến hành công tác thu thập thông tin tình báo để “ít nhất có thể hiểu được phần nào cách thức ông Kim Jong-un tiếp cận các vấn đề quốc tế” và “cách tốt nhất để các chuyên gia có thể đưa ra nhận định chính xác nhất về ông Kim Jong-un là để họ có cơ hội được gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên”./.
Ông Trump lại “hớ” khi nói Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa?