Nằm trong số những chính sách ngoại giao gây tranh cãi nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm nay (14/5) Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem sẽ chính thức khai trương bất chấp sự phản đối từ Palestine và hàng loạt quốc gia trên thế giới. Diễn biến này được cho là sẽ khiến tình hình ở Trung Đông vốn đã phức tạp nay lại càng trở nên khó nắm bắt hơn bao giờ hết.
Ông Trump, người trong chiến dịch tranh cử từng cam kết sẽ đưa Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem không có mặt trực tiếp tại lễ khai trương. Tuy nhiên, con gái của Tổng thống là Ivanka Trump cùng chồng Jared Kushner và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan sẽ có mặt tại buổi lễ.
“Đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”, Tổng thống Trump tuyên bố ngày 6/12/2017 với lời giải thích rằng ông hy vọng động thái này có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình mới. Quyết định này của ông chủ Nhà Trắng khiến nhiều người dân Trung Đông và chính các đồng minh của Mỹ tức giận. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thì phản ứng bằng cách quyết định cắt đứt mọi liên hệ với chính quyền Trump.
“Nó đã đặt dấu chấm hết cho vai trò của Mỹ như một nhà hòa giải trung thực”, Nabil Shaath, cố vấn cấp cao của ông Abbas, đồng thời là cựu lãnh đạo đàm phán với Israel nói.
Hôm qua (13/5), Bộ Ngoại giao Israel đã tổ chức một buổi tiếp tân với sự tham dự của khoảng 1.200 người, bao gồm các chính trị gia Israel, các thành viên của Quốc hội Mỹ cùng các nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo và Do Thái trước khi Mỹ chính thức mở Đại sứ quán ở Jerusalem trong hôm nay.
“Tôi kêu gọi tất cả các nước tham gia cùng với Mỹ và di chuyển Đại sứ quán của các bạn đến Jerusalem”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói tại bữa tiệc.
Để đảm bảo an ninh cho buổi lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem, cảnh sát Israel đã tăng cường hiện diện xung quanh thành phố. Theo đó, có ít nhất 1.000 sĩ quan an ninh sẽ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho buổi lễ. Lực lượng này bao gồm các đơn vị chống khủng bố, đặc vụ và lực lượng cảnh sát biên phòng bán vũ trang.
Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 11/5 cho biết, dự kiến có khoảng 800 người tham dự lễ khai trương, đồng thời nhấn mạnh rằng việc mở cửa Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem sẽ giúp ích cho tiến trình hòa bình Trung Đông.
“Về lâu dài, chúng tôi tin rằng quyết định này tạo cơ hội và nền tảng để tiến tới một quá trình hòa bình dựa trên cơ sở thực tế hơn là tưởng tượng. Chúng tôi khá lạc quan rằng quyết định này cuối cùng sẽ tạo ra sự ổn định”, ông Friedman nói.
Quang cảnh bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem. Nguồn: Reuters.
Bruce Riedel, cựu sĩ quan CIA hiện đang chỉ đạo dự án tình báo tại Viện Brookings, nói rằng trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel leo thang ở Syria hiện nay, việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”, và đây là “động thái rất nguy hiểm”.
Bà Diana Buttu, một nhà phân tích chính trị khu vực và là cựu cố vấn cho Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, nói rằng Mỹ có thể đang phạm sai lầm.
Bà Buttu nói: “Quyết định của Tổng thống Mỹ chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem làm cho tình hình tồi tệ hơn vì nó sẽ khuyến khích quyền lực cực đoan ở Israel. Ông Trump đang gửi đi một thông điệp rằng bạn có thể có được lãnh thổ bằng vũ lực. Đó thực sự sự là một thông điệp rất nguy hiểm trong khu vực này”.
Hòa bình Trung Đông vẫn ngoài tầm với
Trước thời ông Trump, đã có không ít ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong nhiều thập kỷ qua tuyên bố sẽ di chuyển Đại sứ quán tại Israel tới Jerusalem nhưng khi đã yên vị, không ai làm điều này vì lo ngại nó sẽ phá vỡ triển vọng hòa bình trong khu vực.
Chính quyền Tổng thống Trump đã bỏ qua bước xây dựng tốn kém và mất nhiều thời gian bằng cách tận dụng một tòa nhà lãnh sự hiện có để làm Đại sứ quán mới ở Jerusalem. Vì khu phức hợp này không có diện tích đủ lớn để làm nơi làm việc cho tất cả các nhân viên ngoại giao hiện có tại trụ sở ở Tel Aviv nên theo ông Friedman, nhân viên sứ quán sẽ di chuyển qua lại giữa hai cơ sở ở Tel Aviv và Jerusalem.Dư luận bất bình về việc Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem
Trong khi Thủ tướng Israel Netanyahu nhiệt tình chào đón sự kiện khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem thì một số người dân ở đây đã tập trung quanh khu vực tòa nhà của Đại sứ quán để phản đối.
“Những bức tường lớn mà họ dự định xây dựng sẽ che khuất hết cảnh đẹp nơi đây. Mặt khác, một số người nói điều này sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các dự án bất động sản vì khu vực này sẽ trở thành khu vực được đảm bảo an toàn và vì những người làm việc trong Đại sứ quan sẽ tìm nơi để cư trú”, Naomi Schachter – một cư dân địa phương nói.
Bất chấp sự phản đối của Palestine và cộng đồng Quốc tế về việc chuyển Đại sứ quán, Mỹ vẫn tiếp tục nói về cam kết của họ đối với việc thúc đẩy hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine. Trong tuyến bố về việc di chuyển Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Chúng tôi không tham gia vào các vấn đề liên quan đến trạng thái cuối cùng, bao gồm ranh giới cụ thể chủ quyền của Israel ở Jerusalem cũng như không giải quyết tranh chấp biên giới”.
Không đồng tình với lập luận này, ông Aaron David Miller, Phó Chủ tịch Trung tâm Wilson, người từng tham gia đàm phán về hòa bình Trung Đông cho cả chính quyền Dân chủ và Cộng hòa nói: “Vấn đề nhạy cảm nhất trong các cuộc đàm phán chính là Jerusalem. Nếu kế hoạch mang lại hòa bình Trung Đông của ông Trump được đặt lên bàn thì câu hỏi đầu tiên người ta đặt ra vẫn sẽ là kế hoạch này nói gì về Jerusalem”.
Ông Miller nhận định, trừ khi kế hoạch hòa bình có những câu từ phản ánh nguyện vọng của phía Palestine, “bao gồm việc coi Đông Jerrusalem là thủ đô của Palestine. Vấn đề Jerusalem chính là rào cản chính trị lớn nhất cho các cuộc đàm phán. Những gì đang diễn ra khiến cho khả năng đạt được thỏa thuận về Jerusalem gần như là không thể xảy ra trong khi bạo lực sẽ vẫn tiếp diễn trong khu vực trong tương lai”./.
Israel sẵn sàng khai trương Đại sứ quán mới của Mỹ ở Jerusalem
Israel báo động an ninh trước ngày Mỹ khai trương sứ quán ở Jerusalem