30 thành viên NATO ngày 26/5 đã ra một tuyên bố chung chỉ trích việc Belarus ép máy bay của hãng hàng không Ryanair hạ cánh xuống Minsk để bắt giữ nhà báo đối lập Roman Protasevich. Tuy nhiên, văn bản này không bao gồm các bước trừng phạt mà các đồng minh Baltic và Ba Lan đã thúc đẩy trước đó.

Tuyên bố chung cũng bớt gay gắt hơn so với tuyên bố công khai của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ông Stoltenberg đã gọi sự việc này là một vụ “cướp máy bay”.

Theo 2 nguồn tin ngoại giao, Ankara cho rằng, việc ủng hộ gia tăng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Belarus cũng như kêu gọi thả tù nhân chính trị, nên được loại bỏ khỏi văn bản. Việc đe dọa đình chỉ hợp tác giữa NATO với Belarus cũng không nên được nhắc tới.

Động cơ của Thổ Nhĩ Kỳ

Hiện chưa rõ động cơ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang tìm cách bảo vệ mối quan hệ với Nga, đồng minh thân cận nhất của Belarus, và duy trì mối quan hệ với Belarus thông qua Turkish Airlines, hãng hàng không có các chuyến bay hàng ngày đến Minsk.

Một khả năng khác có thể là do Thổ Nhĩ Kỳ muốn chào đón khách du lịch Nga trong mùa hè năm nay sau đại dịch Covid-19.

Sự gia tăng số ca mắc Covid-19 hồi tháng trước cùng loạt cảnh báo du lịch nước ngoài đã khiến nhiều người hủy đặt chuyến từ trước, dấy lên viễn cảnh một mùa du lịch thất thu nữa đối với Thổ Nhĩ Kỳ - nước vốn phụ thuộc vào dòng tiền mặt để chi trả các khoản nợ nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỹ hiện chưa phản hồi đề nghị bình luận.

Một quan chức NATO cho biết: “Tuyên bố của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC) về Belarus nhận được sự đồng thuận của 30 đồng minh. Chúng tôi không đi vào chi tiết thảo luận ở NAC, đây là thông tin bí mật”.

Một trong số các nhà ngoại giao cho biết, Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã giành được sự nhất trí từ tất cả các nước thành viên, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, về một văn bản cuối cùng, được đăng tải trên trang web của NATO, nhằm tránh có sự chia rẽ công khai.

Các đồng minh thất vọng

Các nhà ngoại giao cho biết, việc Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết làm dịu nhẹ lời lẽ trong văn bản tuyên bố đã khiến một số thành viên khác thất vọng, đặc biệt là Ba Lan, Latvia và Litva.

Một nhà ngoại giao khác cho biết, hành động của Ankara chủ yếu là nhằm sử dụng cách diễn đạt khác với tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) vốn nêu chi tiết về đề xuất trừng phạt nhằm vào Belarus. Các đề xuất này bao gồm việc cấm các hãng hàng không Belarus bay qua không phận EU cũng như sử dụng các sân bay trong khối, đồng thời kêu gọi các hãng hàng không trong EU tránh bay qua không phận Belarus.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thành viên EU dù nước này xin gia nhập suốt nhiều năm qua.

“Rất nhiều đồng minh thất vọng với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều quan trọng là NATO cần phải phản ứng và hiện chưa rõ vì sao Ankara lại muốn bảo vệ Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko”, một nhà ngoại giao EU có mặt tại cuộc thảo luận cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một đối tác ngày càng “khó chịu” đối với một số đồng minh NATO trong những năm gần đây. Nước này bất đồng với Pháp về chính sách người Thổ ở Libya, bất đồng với Mỹ về vấn đề Syria và bất đồng với Hy Lạp về quyền khai thác năng lượng ở Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng mua hệ thống phòng không tiên tiến của Nga – quốc gia mà NATO cho là đối thủ đang tìm cách gây bất ổn cho phương Tây.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có quân đội lớn thứ 2 trong NATO và nằm ở vị trí chiến lược giữa châu Âu và Trung Đông, tiếp giáp cả Biển Đen và Biển Địa Trung Hải, có vai trò quan trọng mà EU hay Mỹ đều không thể bỏ qua.

Ankara đã nhiều lần khẳng định ủng hộ NATO nhưng nước này có quyền theo đuổi các chính sách ngoại giao riêng./.