Hai cuộc hội đàm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tuần trước ở Washington là cuộc gặp của hai con người đối lập.
Tổng thống Hàn Quốc là một người nghiêm khắc, là con trai của một gia đình nhập cư từ miền Bắc, từng phục vụ trong quân đội Hàn Quốc, bị bắt giam trong quá khứ vì phản đối chính quyền quân sự, ông Moon Jae-in còn là một luật sư về nhân quyền. Trong khi Tổng thống Mỹ là một doanh nhân, người nổi tiếng với những quyết định khó lường và chủ trương “Nước Mỹ trên hết”.
Cuộc gặp là sự hiện diện của hai sự đối lập về quan điểm. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc là một người theo cánh tả, chỉ trích mạnh mẽ nền kinh tế bị các tập đoàn thao túng ở Hàn Quốc, đề xuất về quyền của người lao động, và vận động để đối thoại nhiều hơn với Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại không có nhiều niềm tin cố định vào bất cứ vấn đề nào, kể cả câu chuyện trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump từng bác bỏ giá trị của Liên minh Mỹ - Hàn, trong khi cùng lúc nhắc tới việc dội bom Triều Tiên và đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un của quốc gia này.
Vì thế, cả Hàn Quốc và Mỹ đều cố gắng đề cao khía cạnh tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh. Thậm chí trước khi lên đường tới Mỹ, tổng thống Hàn Quốc đã tối thiểu hóa các khác biệt. Tuy nhiên, căng thẳng có thể gia tăng nhanh chóng khi hai bên bàn thảo về chính sách với Triều Tiên.
Thậm chí ngay cả khi Seoul đồng thuận với chính sách của Tổng thống Donald Trump “gia tăng áp lực cao nhất và tối đa hóa sự can dự”, họ vẫn diễn giải điều này theo hướng hoàn toàn khác nhau. Hiển nhiên là việc triển khai các chính sách này sẽ đi theo hai con đường không giống nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tỏ ý không hài lòng trước sự miễn cưỡng của người đồng cấp Hàn Quốc khi tiếp tục triển khai hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Việc Chính phủ mới ở Hàn Quốc đang cố gắng mở lại Khu công nghiệp chung Kaesong hay cung cấp các chuyến hàng viện trợ nhân đạo mới cho Triều Tiên cũng khiến Washington phiền lòng. Ngoài ra, những việc làm đó cũng có thể vi phạm các lệnh cấm vận Triều Tiên của Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Ngược lại, lời đe dọa tấn công phủ đầu Triều Tiên của Mỹ để ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của nước này cũng đe dọa làm tuyệt giao mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn cũng không có nhiều lựa chọn để giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Lời đe dọa tấn công phủ đầu Triều Tiên của Mỹ nếu thành hiện thực sẽ bị coi là một hành động khinh suất.
Các lệnh cấm vận và cô lập mạnh hơn vẫn phải nhờ sự hợp tác với Trung Quốc mới hy vọng có tác dụng. Còn đàm phán là giải pháp vô vọng nếu tập trung vào việc phi hạt nhân hóa khu vực này.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa: Quân Át chủ bài đáng sợ của Triều Tiên
Mỹ nên giảm bớt can dự
Người Triều Tiên luôn coi sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á hơn 6 thập kỷ sau ngày chiến tranh kết thúc là mối đe dọa lớn nhất. Và vì thế họ coi phát triển hạt nhân và tên lửa là giải pháp duy nhất để phòng ngừa và răn đe.
Sự hung hăng của Mỹ và tiền sử can thiệp để thay đổi chế độ tại Iraq và Afghanistan được Triều Tiên dẫn chứng cho lựa chọn của mình. Bất chấp sự cô lập từ bên ngoài, Triều Tiên vẫn đang phát triển các loại vũ khí có khả năng răn đe láng giềng Hàn Quốc, Nhật Bản và có thể là cả Mỹ.
Họ bảo lưu việc sử dụng các công cụ này nếu bị đe dọa. Trong trường hợp một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ xảy ra, với lý do bảo vệ đồng minh Đông Bắc Á, Triều Tiên sẽ chẳng ngần ngại đáp trả. Cam kết an ninh giữa Mỹ và Hàn Quốc, vì thế, lại là một sự rủi ro với nước Mỹ.
Nhiều ý kiến đang cho rằng liệu Mỹ có nên đánh cược an ninh của mình với những lợi ích vốn khiêm tốn tại bán đảo Triều Tiên hay không. Hay đơn giản là cuộc phiêu lưu tại Đông Bắc Á có đáng để Mỹ chấp nhận đứng trước sự nguy hiểm của tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên?
Dong Bandow, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Cato, và là cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan cho rằng Mỹ nên cân nhắc về cam kết của mình, đặc biệt khi Hàn Quốc đã có thể tự bảo vệ mình trước một cuộc chiến tranh quy ước. “Chẳng có lý do gì để 64 năm sau khi chiến sự kết thúc trên bán đảo Triều Tiên, nước Mỹ cứ tiếp tục bảo vệ Hàn Quốc cả”.
Một giải pháp được đưa ra là Washington có thể rút dần sự hiện diện quân sự và cam kết an ninh tại đây. Và hơn 6 thập kỷ, đã tới lúc Hàn Quốc tự chịu trách nhiệm cho năng lực quốc phòng của mình. Khó có chuyện một Hàn Quốc với GDP gấp 40 lần lại không thể đối phó được với một Triều Tiên. Quan trọng là giảm sự can dự cũng giúp đưa Mỹ ra khỏi danh sách thù địch của Triều Tiên. Đó cũng là cách để Mỹ loại trừ một nguy cơ.
Một hiệp ước đồng minh lỗi thời, và một cái ô hạt nhân nhiều rủi ro không còn đáp ứng được nhu cầu an ninh của cả hai đồng minh. Và vì thế Mỹ và Hàn Quốc có thể cân nhắc thay thế bằng một giải pháp khác dù rằng điều đó sẽ thay đổi hiện trạng địa chính trị tại Đông Bắc Á tương lai./.
Mỹ đặt dấu chấm hết cho “tuần trăng mật” với Trung Quốc vì Triều Tiên?