Hai vụ nổ liên tiếp vào 8h hôm 22/3 (giờ địa phương) đã biến sảnh đi của sân bay Zaventem ở Brussels thành đống đổ nát và 14 người thiệt mạng. Vụ nổ tiếp theo xảy ra vào lúc 9h11 cùng ngày, tại ga tầu điện ngầm Maalbeek khiến 17 người chết, hàng trăm người bị thương.

Thủ đô Brussels và toàn nước Bỉ được đặt trong tình trạng báo động cấp 4 (cấp báo động cao nhất). Cảnh sát được tăng cường trên toàn quốc, đặc biệt ở các trạm kiểm soát biên giới.

bi_elup.jpg
Hành khách vội vã rời khỏi sân bay Zaventem sau vụ đánh bom kinh hoàng. Ảnh Reuters.

Toàn bộ các ga tàu điện ngầm ở Brussels đã được lệnh đóng cửa. Các chuyến tàu Eurostar từ London, Anh, đi Brussels bị hủy, tàu Thalys từ Amsterdam (Hà Lan) về Paris (Pháp), qua Bỉ cũng tạm ngưng.

Các nước châu Âu láng giềng cũng lập tức được đặt trong tình trạng báo động. Tổng thống Pháp Hollande lập tức triệu tập các bộ trưởng Nội vụ, Quốc phòng, Ngoại giao tới thảo luận về tình hình.

Các cuộc họp khẩn cấp tương tự cũng diễn ra tại Anh, Đức và các nước gần Bỉ. Hàng loạt biện pháp ứng phó được áp dụng. Lực lượng an ninh và các trạm kiểm soát được tăng cường. Châu Âu đang phải đối mặt với "một cuộc chiến tranh" thực sự.

Một sự nối tiếp các cuộc trả thù

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ngay lập tức nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom này. Nhiều ý kiến cho rằng đây là sự "trả đũa" việc lực lượng an ninh Bỉ, phối hợp với cảnh sát Pháp ngày 18/3 đã bắt được Salah Abdeslam, một trong những tên cầm đầu thực hiện các cuộc tấn công đêm 13/11 tại Paris, khiến 130 người thiệt mạng.

"Niềm vui ngắn chẳng tày gang", khi người ta còn đang hân hoan ăn mừng thắng lợi này và các cơ quan chức năng Bỉ và Pháp còn đang tranh cãi về việc dẫn độ Salah Abdeslam về Paris xét xử thì cuộc báo thù đã xảy ra, ở ngay những nơi được coi là được kiểm soát nghiêm ngặt nhất.

Vẫn là thuốc nổ và vũ khí thô sơ, vẫn là cách tấn công liều chết, táo tợn, vào các điểm công cộng, các phần tử Hồi giáo cuồng tín, cực đoan đã gây nên "cơn ác mộng" giữa bình minh.

Nhìn lại các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở châu Âu, có thể thấy "một chuỗi" các cuộc trả thù đẫm máu, mà chắc chắn sự kiện ở Brussels sáng 22/3 này chưa phải là điểm dừng.

Cuộc xả súng tại tòa soạn báo Charli Hebdo tại Paris ngày 7/1/2015, sát hại 16 người, là lời răn đe những kẻ dám lấy nhà tiên tri Mohamed của đạo Hồi làm hình tượng châm biếm.

Các cuộc tấn công tại Paris đêm 13/11/2015, khiến 130 người thiệt mạng, là đòn "trả đũa" việc Pháp quyết định không kích IS tại Syria. Nỗi ám ảnh khủng bố luôn treo lơ lửng trên đầu mọi người dân châu Âu, ở Pháp, Bỉ hay bất cứ nơi đâu.

Bỉ- mảnh đất màu mỡ của khủng bố 

Bỉ là một quốc gia nhỏ bé, với diện tích chỉ tương đương 2-3 tỉnh của nước Pháp, nhưng lại có vị trí địa - chính trị quan trọng của châu Âu.

Nằm ở trung tâm châu lục này, thủ đô Brussels của Bỉ được Liên minh châu Âu (EU) lựa chọn làm nơi đặt trụ sở. Đây cũng là nơi Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt đại bản doanh... Theo logic thông thường, đây phải là nơi được bảo đảm an ninh tốt hơn những nơi khác. Nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Do tính chất đa sắc tộc, đa ngôn ngữ và tôn giáo, các cộng đồng người ở Bỉ có tính liên kết lỏng lẻo, hay xảy ra mâu thuẫn, như giữa khu vực nói tiếng Flemish và khu vực nói tiếng Pháp. Chính quyền rất khó khăn trong việc kiểm soát đời sống, sinh hoạt của cộng đồng.

Khó khăn đó còn tăng thêm khi Bỉ nằm ở ngã tư của châu Âu, là điểm dễ đến và đi của mọi công dân trong các nước thành viên khối Schengen. Những yếu tố đó biến Bỉ thành "mảnh đất tốt" cho các phần tử khủng bố nương náu, hoạt động và phát triển.

Qua điều tra, đa số những phần tử tiến hành các vụ tấn công tại Paris năm 2015 từ Trung Đông tới ẩn náu rồi triển khai các hoạt động từ đất Bỉ. Cách Paris chưa đầy 300km, đi lại dễ dàng, các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan dễ tiếp cận mục tiêu hơn so với các tỉnh miền nam nước Pháp xa xôi. Từ Bỉ tới Đức, Áo, Hà Lan, Thụy Sỹ... cũng rất gần và dễ dàng.

Còn trên đất Bỉ, Brussels là một mục tiêu lý tưởng. Đánh vào Brussels là đánh vào trung tâm của thế giới phương Tây, là sự "trả đũa" đầy đủ nhất đối với liên minh chống IS.

EU trước bài toán khó

Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong việc ngặn ngừa hiểm họa khủng bố, nhất là trong hợp tác an ninh giữa Bỉ, Pháp và các nước thành viên EU, nhưng sự kiện sáng 22/3 tại Brussels cho thấy mọi thứ còn chưa đầy đủ.

Các phần tử khủng bố vẫn rất dễ dàng chuyển nhiều khối thuốc nổ vào tận phòng chờ của sân bay, bến tầu. Lực lượng khủng bố vẫn rất mạnh, có thể thực hiện các cuộc tấn công lớn, được lên kế hoạch.

IS đã đưa cuộc chiến tranh tới trung tâm châu Âu, một cuộc chiến tranh vô hình, không chiến tuyến, ngày càng quy mô và nguy hiểm hơn.

EU đang khó khăn trong việc tìm lời giải cho một bài toán hóc búa, khi cuộc xung đột Trung Đông chưa chấm dứt, khi dòng người tỵ nạn vẫn ùn ùn đổ tới và khi sự thống nhất của Liên minh đang bị những toan tính cá nhân của nhiều thành viên đe dọa./.