Cứ “dăm bữa, nửa tháng”, dư luận thế giới lại rùng mình vì tin về các vụ tấn công liều lĩnh ở những thành phố lớn khắp châu Âu và Mỹ.

Bên cạnh một số vụ đánh bom mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thừa nhận có liên quan là những vụ tấn công như đâm dao ở sân bay Bishop (Mỹ) ngày 21/6, tấn công bằng dao ở Louvre (Pháp) ngày 3/2 hay các vụ đâm xe ở công viên Finsbury ngày 19/6, ở cầu London ngày 3/6, gần cung điện Westminster ngày 22/3 (Anh), trên đường phố Stockholm (Thụy Điển) ngày 7/4.

tuong_niem_nan_nhan_o_finsbury_reuters_cdob.jpg
Hoa đặt tại hiện trường để bày tỏ long thương tiếc nạn nhân vụ tấn công ở Finsbury (Anh) ngày 19/6. Trên tường là khẩu hiệu đoàn kết chống lại khủng bố. Ảnh: Reuters.

Các vụ tấn công trên là những dấu hiệu cho thấy, cụm từ “cực đoan hóa” không phải dùng để nói riêng bất cứ ai hay bên nào mà là để chỉ ra sự chia rẽ sâu sắc đến mức báo động trong xã hội phương Tây.

Hãy lấy ví dụ từ vụ tấn công ở công viên Finsbury (Anh) ngày 19/6 làm 1 người chết và 10 người bị thương. Cả thế giới tiếc thương. Những câu chuyện, tin bài về vụ việc này ngập tràn trên các mặt báo với những lời kêu gọi đoàn kết cộng đồng.

Nhưng khi đa số lấy làm đau khổ thì có những người trục lợi từ vụ việc khi kể lại câu chuyện này theo cách riêng để phù hợp với mục đích của họ.

Chủ nghĩa cực đoan tích lũy

Những người da trắng phân biệt chủng tộc cho rằng vụ tấn công ở Finsbury chứng tỏ rằng “vẫn còn hy vọng cho người Anh”, trong khi các kênh truyền thông ủng hộ tư tưởng của IS chỉ ra rằng vụ việc chính là lý do vì sao người Hồi giáo phải vùng dậy và tấn công.

Xu hướng này không mới nhưng gia tăng do môi trường địa chính trị hiện nay, theo ông Brian Levin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về sự thù hằn và chủ nghĩa cực đoan.

“Thường sẽ có một sự kiện xúc tác và nó kích thích sự hung hãn của các bên”, ông Levin chia sẻ với kênh CNN của Mỹ.

Đấu tranh chống lại những luận điều như vậy là một bước quan trọng mà chính phủ các nước phải tiến hành trong chiến lược ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố nhân rộng, vụ việc này khơi mào nhiều vụ việc khác, điều mà giới chuyên gia gọi là “chủ nghĩa cực đoan tích lũy” (Cumulative Extremism).

“Điều khác biệt về vụ việc này [vụ tấn công ở Finsbury, Anh – ND] chỉ là nó ở khía cạnh khác của cực đoan khi nhằm vào người Hồi giáo. Điều mà chúng ta không mong muốn lúc này là sự trả thù” – cựu chỉ huy cảnh sát thủ đô London Mak Chishty nhận định.

IS xóa sạch “vùng xám” giữa “theo” và “chống”

Chiếm một phần rất lớn trong chiến lược toàn cầu của IS là đáp trả những vụ tấn công như ở Finsbury.

Trong một bài báo đăng trên tờ Dabiq, tạp chí tiếng Anh của IS, nhóm này đã lý giải mục tiêu giũ bỏ cái mà chúng gọi là “vùng xám”, ám chỉ những người Hồi giáo không ủng hộ IS mà sát cánh bên những cộng đồng khác biệt về tôn giáo và chủng tộc khác.

IS chỉ muốn thế giới này có 2 màu trắng và đen rõ ràng, nghĩa là chỉ có 2 lựa chọn hoặc theo chúng, hoặc trở thành kẻ ngoại đạo bất kể tôn giáo nào, không có sự nhập nhằng giữa “yêu” và “ghét”, “theo” và “chống” ở đây.

Vấn đề ở chỗ, sau mỗi vụ tấn công vừa qua ở Mỹ và châu Âu, bất kể động cơ của thủ phạm là gì, thì “vùng xám” này lại thu hẹp dần.

Sự đáp trả của cực đoan cánh hữu

Khảo sát chỉ ra rằng sau các vụ tấn công khủng bố của những phần tử thánh chiến, tội ác liên quan đến thù hằn đối với cộng đồng Hồi giáo thường gia tăng. Đó chính là trường hợp xảy ra sau các vụ tấn công ở Manchester và London, Anh.

Những phần tử cực đoan chống Hồi giáo đã ca ngợi vụ tấn công ở Finsbury. Một số nhân vật cực hữu ở Anh nhưng là người của công chúng như 2 nhà hoạt động chính trị Tommy Robinson hay Paul Golding không nói ra điều đó nhưng cho rằng vụ việc đã chứng minh rằng họ đúng.

Ông Robinson gọi thủ phạm tấn công người Hồi giáo ở Finsbury là “ngu xuẩn”, nhấn mạnh rằng nạn nhân là những người vô tội nhưng cũng cho rằng sẽ không thể tránh khỏi việc xảy ra những vụ tấn công tương tự.

Một vài chuyên gia cũng nhận định rằng các vụ tấn công gần đây đang nhồi nhét thêm những luận điệu phân biệt giữa “chúng ta và bọn họ”, nghĩa là càng thu hẹp “vùng xám”, tăng cường sự rạch ròi trắng đen đúng như IS mong muốn.

“Chủ nghĩa khủng bố cướp đi sinh mạng của rất nhiều người nhưng còn có một mối đe dọa thứ hai không kém phần nguy hiểm nếu không nói là còn lớn hơn thế. Đó là xã hội của chúng ta ngày càng bị phân cực” – Peter Neumann, chuyên gia hàng đầu về cực đoan hóa ở Vương quốc Anh (UK) viết trong cuốn sách của ông xuất bản năm 2016 có tên “Cực đoan hóa: những phần tử thánh chiến mới và mối đe dọa với phương Tây” (Radicalized: New Jihadists and the Threat to the West)

Ông nêu rõ: “Các đảng cựu hữu và các nhóm vũ trang sẽ có thêm sức mạnh và cuối cùng sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn cho những người với những niềm tin và nguồn gốc khác nhau có thể cùng chung sống”.

Những vụ tấn công như ở Finsbury là một “món quà” cho chiến lược tuyên truyền của các tay súng thánh chiến trong khi những người da trắng phân biệt chủng tộc coi đây là “giai đoạn đầu của một cuộc chiến chủng tộc”.

Nhưng lý luận về các vụ tấn công trả thù là không mới.

Điểm mới ở đây là cái mà ông Brian Levin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về sự thù hằn và chủ nghĩa cực đoan, gọi là “việc truyền lại phương thức tấn công đơn độc của những kẻ bị cực đoan hóa theo nhiều lý tưởng khác nhau nhưng lại theo cách thức tương tự như nhau” như là qua mạng xã hội và những phương tiện truyền thông phiến diện khác./.