Cơn ác mộng đối với Kazakhstan
Các sự kiện ở Kazakhstanđang diễn ra với tốc độ chóng mặt và tình hình thay đổi từng giờ. Cuộc biểu tình phản đối giá năng lượng tăng vọt tại quốc gia này ban đầu tưởng chừng diễn ra một cách ôn hòa, nhưng sau đó đã nhanh chóng bùng phát thành bạo loạn khiến Tổng thống Kazakhstan Kassym-Zhomart Tokayev phải kêu gọi sự hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) - một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu. Đáp lại lời kêu gọi của ông Tokayev, CSTO đã nhanh chóng cử lực lượng hòa bình đến Kazakhstan giúp ổn định tình hình.
Kazakhstan luôn được coi là một trong những quốc gia hậu Xô Viết ổn định nhất, với quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ từ tổng thống đầu tiên cho đến người kế nhiệm. Nhưng hiện giờ, quốc gia này đang phải đối mặt với thách thức khó khăn nhất trong 30 năm qua.
Những hình ảnh về các cuộc biểu tình, bạo loạn tại Kazakhstan đã lan rộng khắp thế giới. Người biểu tình xông vào các cơ quan công quyền, chặn các phương tiện quân sự và tước vũ khí của binh lính. Theo RT, cuộc biểu tình diễn ra một cách tự phát và không được kiểm soát. Không có một nhân vật nào đứng ra nhận trách nhiệm và cũng không có đảng phái chính trị nào dẫn đầu các phong trào biểu tình. Điều đó đã khiến chính phủ nước này không biết thương lượng với ai.
Các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra vào ngày 2/1 tại miền Tây Kazakhstan khi giá nhiên liệu gia tăng. Tại khu vực này, hầu hết người dân địa phương đều sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) làm nhiên liệu cho ô tô thay vì dùng xăng. Sau khi chính phủ tuyên bố sẽ không tiếp tục trợ giá và thả nổi mức giá theo thị trường, giá LNG tại quốc gia này đã tăng gấp đôi từ 0,14 USD lên đến 0,28 USD/lít.
Chính phủ đã đưa ra quyết định này vì cho rằng mô hình cũ khiến các nhà sản xuất khí đốt liên tục thua lỗ và biện pháp mới sẽ cho phép “đạt được mức giá cân bằng dựa trên cung và cầu”. Biểu tình đã nhanh chóng lan rộng sang phía Bắc đất nước. Nhiều người đã chặn các tuyến đường giao thông ở khu vực trung tâm của Kazakhstan và yêu cầu giảm giá LNG xuống mức trước đó. Đã có 69 người bị cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ trong 2 ngày 2 và 3/1.
Ngay sau đó, chính phủ Kazakhstan cam kết sẽ thực hiện một loạt biện pháp để điều chỉnh giá khí đốt, đồng thời cho biết, một số cơ sở kinh doanh đã quyết định giảm giá xuống còn khoảng 0,21 USD/lít. Nhưng điều này không đủ đáp ứng yêu cầu của đám đông. Vào tối 4/1, các cuộc cuộc đụng độ giữa người biểu tình và các nhân viên thực thi pháp luật đã nổ ra tại nhiều thị trấn của Kazakhstan. Cảnh sát phải sử dụng dùi cui, hơi cay và đạn cao su để chống lại các phần tử quá khích. Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu người biểu tình, Tổng thống Tokayev đã đồng ý thực hiện một trong những yêu cầu của họ và giải tán chính phủ.
Theo đánh giá của RT, quy mô cuộc biểu tình lần này hoàn toàn khác biệt so với những cuộc biểu tình trước đây mà Kazakhstan từng chứng kiến. Chủ tịch Câu lạc bộ Phân tích Á-Âu Nikita Mendkovich ở Moscow (Nga) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình bạo loạn không chỉ là do nền kinh tế khó khăn mà còn xuất phát từ động cơ chính trị. Ông lưu ý, đảng Sự lựa chọn Dân chủ của Kazakhstan (DVK) và Oyan, Qazaqstan (OQ) – vốn là các nhóm đối lập thân phương Tây đang cố gắng dẫn dắt các cuộc biểu tình, đồng thời tận dụng điều đó để thúc đẩy chương trình nghị sự của họ. Đây là lý do khiến tình hình không có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp sự nhượng bộ của chính phủ.
Ngoài ra, các yếu tố khác như cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và đại dịch Covid-19 cũng khiến tình trạng bất ổn trở nên trầm trọng hơn. Chính phủ Kazakhstan đã ban hành một loạt biện pháp chống dịch mới, thắt chặt các hạn chế và nhiều người có thể xuống đường để phản đối những biện pháp này.
Nga không thể làm ngơ
Nga đã tuyên bố công khai rằng nước này coi những diễn biến hiện tại là công việc nội bộ của Kazakhstan, đồng thời tin tưởng mạnh mẽ rằng chính quyền Tổng thống Tokayev có thể kiểm soát tình hình. Nhưng trong trường hợp biểu tình không có dấu hiệu hạ nhiệt, Moscow chắc chắn sẽ quan tâm nhiều hơn đến nước láng giềng ở phía Nam của mình.
Kazakhstan đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh của Moscow bởi nước này có chung đường biên giới kéo dài gần 7.000km với Nga. Đây là biên giới trên bộ nối liền dài nhất thế giới. Nếu tình hình tại Kazakhstan bất ổn, Nga có thể đối mặt với rất nhiều mối đe dọa từ phía nam do đây là vùng biên giới rộng lớn, trải dài qua các khu dân cư thưa thớt và rất khó kiểm soát.
Một yếu tố quan trọng khác là thành phố Baikonur. Nga đã thuê khu vực này và đây là nơi có bãi phóng nổi tiếng Baikonur Cosmodrome. Nga cũng xây dựng một cơ sở không gian khác là Vostochny ở gần đó để thực hiện các sứ mệnh không người lái. Trong khi chờ đợi để tìm ra một địa điểm khác thay thế Baikonur, Nga vẫn cần bãi phóng này cũng như sự ổn định ở Kazakhstan để thực hiện các sứ mệnh thăm dò vũ trụ.
Sary Shagan – một khu vực thử nghiệm quan trọng đối với an ninh của Nga cũng nằm ở Kazakhstan. Đây là địa điểm đầu tiên và duy nhất ở Âu-Á thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM). Kể từ khi Liên Xô tan rã, Nga đã thuê lại một số cơ sở ở Sary Shagan, còn những cơ sở khác được chuyển giao cho Trung tâm Truyền thông và Vô tuyến điện tử Quốc gia Kazakhstan. Việc sử dụng địa điểm thử nghiệm này đóng vai trò quan trọng trong khả năng phòng thủ của Nga.
Kazakhstan là quốc gia có đông người Nga sinh sống, với 3,5 triệu người chiếm 18,4% tổng dân số của toàn bộ đất nước. Vì thế sự an toàn của cộng đồng người Nga ở Kazakhstan luôn là mối quan tâm lớn của Moscow.
Giới phân tích cho rằng, Nga chắc chắn sẽ theo dõi sát sao các cuộc biểu tình tại Kazakhstan và có thể hỗ trợ chính phủ nước này trong trường hợp cần thiết, bởi sự ổn định tại Kazakhstan đóng vai trò rất quan trọng đối với Nga, cả về chính sách đối nội lẫn đối ngoại, nhằm duy trì ảnh hưởng với không gian hậu Xô Viết./.