Mặc dù quan hệ về du lịch và thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua đã tăng lên nhanh chóng nhưng khi so sánh với các nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Singapore và Thái Lan, những thông tin về Việt Nam thường ít xuất hiện hơn trên các phương tiện truyền thông của Nhật Bản.
Tuy nhiên, gần đây, đột nhiên một số tờ báo của Nhật Bản mô tả Việt Nam một cách đáng ngưỡng mộ vì sự tương đồng về tinh thần cũng như là một hình mẫu về vai trò quân sự rất đáng khích lệ.
Tàu Trung Quốc chủ động quây ép tàu cá Việt Nam (ở giữa)
Lý do của việc này rất đơn giản, cả Việt Nam và Nhật Bản đều có liên quan đến những căng thẳng đang leo thang mạnh mẽ trên biển với Trung Quốc.
Trong trường hợp của Nhật Bản là quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn trong trường hợp của Việt Nam là 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhiều chính trị gia và các nhà phân tích quân sự tại Nhật Bản đang theo dõi diễn biến căng thẳng hiện nay để xác định dã tâm của Trung Quốc trong việc sử dụng lực lượng quân đội để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền phi lý của mình.
Trong một bài báo hàng tuần đăng trên tạp chí Asahi Geino ngày 6/5, Cựu Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản Toshio Tamogami đã mô tả những diễn biến hiện nay trên Biển Đông là “việc không chỉ của riêng ai” bởi “những hành động tương tự có thể xảy ra tại quần đảo Senkaku”.
Ông Tamogami nhấn mạnh Việt Nam không phải là một quốc gia dễ dàng để các nước lớn chi phối mình.
“Dù không có sức mạnh Hải quân và Không quân đáng kể, Việt Nam là một nước có quyết tâm sắt đá và chỉ tiến hành chiến tranh dựa trên chiến lược “không để kẻ thù chiến thắng tức là đã tránh được thất bại”.
Chiến lược đã khiến nhiều nước lớn như Pháp, Mỹ và Trung Quốc phải nếm trải nhiều cay đắng.
Ông Tamogami gợi ý rằng Nhật Bản có thể học hỏi được rất nhiều từ chiến lược của Việt Nam.
“Nhân dân và quân đội Việt Nam rất có tinh thần đồng đội và bạn có thể gọi đó là “sức mạnh ý chí” của họ”, Tổng biên tập tờShips of the WorldToru Kitsu nhấn mạnh.
Ông Kitsu cũng nói thêm rằng lợi thế về quân sự của Việt Nam là nhờ có những người lính và những nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trận mạc sau cuộc chiến tranh với Mỹ.
Người Việt Nam có thể tự hào vì tinh thần chiến đấu ngoan cường của mình ngay cả khi phải chịu những bất lợi khi đối đầu với những đối thủ mạnh hơn mình nhiều lần.
Dù Hải quân Việt Nam với 16.000 binh sỹ và 139 tàu được cho là "chưa là gì" so với Hải quân Trung Quốc với 217.000 binh sỹ và 891 tàu, ông Sera vẫn nói rằng khu vực quần đảo Hoàng Sa là một “bãi săn” rất tốt cho những chiếc tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua từ Nga. Trong số này, có 2 chiếc đã đi vào hoạt động và 4 chiếc khác đang trên đường đến Việt Nam.
Cả 2 ông Sera và Kitsu đều thống nhất rằng sức mạnh quân sự của Việt Nam chủ yếu là ở trên bộ, tuy nhiên, Việt Nam vẫn có một lợi thế mà Trung Quốc không thể có được. Đó là việc hàng năm có hàng chục sinh viên Việt Nam đã được gửi đi học tại Học viện Quốc phòng Nhật Bản tại thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa.
“Nhật Bản là nước duy nhất tại châu Á hiểu rõ các chiến lược về Hải quân”, ông Sera cho biết và nói thêm rằng: “Chúng tôi không thể phủ nhận rằng có một số lượng lớn binh sỹ Việt Nam đang học tập tại đây”.
Trong suốt 2 thập kỷ chiến tranh với Mỹ (từ năm 1954-1975), binh sỹ Mỹ đã vấp phải rất nhiều khó khăn khi phải chiến đấu với những người lính du kích Việt Nam thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng sâu.
Để đối phó, người Mỹ đã phải sử dụng bom Napal và các hóa chất để làm rụng lá trong nhiều khu rừng của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không thể nào “tát cạn biển” để đối phó với tàu của Việt Nam.
Tạp chí Takarajima cũng dẫn một nguồn tin từ Liên minh Nghị sỹ Nhật-Việt cho biết: “Ngay cả trong trường hợp Nhật Bản không thể viện trợ quân sự cho Việt Nam, Nhật Bản cũng có thể hỗ trợ Việt Nam bằng nhiều cách khác ví dụ như viện trợ kinh tế.
“Nhật Bản không nên bỏ rơi Việt Nam”, nguồn tin này nhấn mạnh./.