Hôm nay (19/3), Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ( EU) khai mạc tại Brussels (Bỉ). Tình hình tại miền đông Ukraine dự kiến là một trong những nội dung chính của hội nghị diễn ra hai ngày này. Mặc dù một đề xuất về trừng phạt Nga đang được xem xét đưa ra thảo luận trước thềm hội nghị, nhưng nhiều nhà ngoại giao châu Âu cho rằng sẽ không có biện pháp trừng phạt mới nào đưa ra tại hội nghị lần này.

co_lien_minh_chau_au_eu_lemp.jpgCờ EU và cờ Nga (ảnh: Sputnik)
Hiện một số nước thành viên Liên minh châu Âu đang hối thúc EU sớm quyết định về việc gia hạn các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành tài chính, năng lượng, quốc phòng của Nga thông qua vào tháng 7/2014 và dự kiến hết hiệu lực vào tháng 7 tới. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm qua (18/3) cho biết, cũng đang thảo luận về một đề xuất trừng phạt Nga trong tương lai với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức. Đề xuất này tiếp tục được đề cập tại hội nghị cấp cao hai ngày tại Brussels.

Trong bối cảnh thỏa thuận hòa bình Minsk tại miền đông Ukraine có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào, cũng như có sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên EU nên giới quan sát cho rằng, các nhà lãnh đạo EU khó có thể đạt được một thỏa thuận tại hội nghị cấp cao lần này nhằm kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga.

Hiện một số nước thúc đẩy gia tăng trừng phạt chống Nga, trong khi các nước khác cho rằng điều này có thể làm tổn hại đến nền kinh tế của một số nước có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga.  

Thủ tướng Robert Fico cũng cho rằng, áp đặt hoặc gia hạn trừng phạt nhằm vào Nga sẽ không giúp cho lệnh ngừng bắn tại miền đông Ukraine. Các biện pháp trừng phạt này là phản tác dụng và không có ý nghĩa.

Trước những bất đồng chưa được thu hẹp này, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận, các nhà lãnh đạo EU sẽ không quyết định biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga tại hội nghị cấp cao lần này. Tuy nhiên, EU có thể đưa ra quyết định vào tháng 6 tới.

Chủ tịch  Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt bổ sung của Liên minh châu Âu nhằm vào Nga trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn tại miền đông Ukraine.  

Ông Martin Schulz nói:  “Tôi hi vọng rằng thỏa thuận Minsk sẽ từng bước được thực hiện. Mặc dù chúng ta không có gì đảm bảo điều này sẽ được thực hiện, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy thỏa thuận này vẫn đang được tôn trọng. Tôi nghĩ đây là cách tốt nhất để tránh bất cứ biện pháp trừng phạt nào”.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu luôn khẳng định sự ủng hộ đối với tiến trình thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk và nhấn mạnh trách nhiệm của Nga tuân thủ thỏa thuận này. Tuy nhiên, phía Nga và lực lượng đối lập tại miền Đông đang cáo buộc chính phủ Ukraine vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, khi thông qua dự luật "về danh sách các khu vực thuộc vùng Donbass được hưởng quy chế tự quản đặc biệt”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng,  đạo luật này quá xa rời thỏa thuận Minsk vì đã thay đổi luật về quy chế đặc biệt của khu vực Đông Nam, bằng cách làm cho nó phụ thuộc vào các cuộc bầu cử tại các khu vực này mà không có sự tham gia của lãnh đạo hiện nay của hai nước cộng hòa tự xưng Lugansk và Donesk.

Ông Lavrov kêu gọi Pháp và Đức gây sức ép với Ukraine để thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh.

Lãnh đạo nhóm đối lập tại miền đông Ukraine hôm qua cũng cảnh báo có thể sẽ từ bỏ lệnh ngừng bắn Minsk để phản đối quyết định của quốc hội Ukraine./.