VOV.VN xin giới thiệu nhận định của học giả Mỹ Jeffrey Lewis về thông điệp đầu năm mới 2019 của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un. Nhận định gốc bằng tiếng Anh được đăng trên tạp chí National Interest:

Mỗi năm nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên đều có diễn văn vào ngày mồng 1 Tết Dương lịch. Vào ngày đầu tiên của năm 2017, ông Kim bắn tín hiệu về cuộc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sắp diễn ra. Và rồi vào ngày đầu tiên của năm 2018, ông bóng gió về việc tan băng ngoại giao kéo theo những bức thư tình tình cảm. (Thực tế năm 2017 và 2018 đã diễn ra đúng như vậy – ND). Vậy thông điệp năm mới 2019 của ông Kim có dự báo điều gì?

kim_jong_un_thong_diep_nam_moi_2019_lkot.jpeg
Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đọc diễn văn. Ảnh: KCNA.

Thực ra cũng không có nhiều bất ngờ trong bài phát biểu đầu năm mới 2019 này. Nửa đầu của bài phát biểu của ông Kim là dành cho mảng kinh tế. Khi chuyển sang vấn đề hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và việc đình trệ trong đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa, ông Kim lặp lại đường lối quen thuộc mà chúng ta đã thấy từ Bình Nhưỡng trong các tháng gần đây: Lời lẽ tích cực về việc chuyển đổi mối quan hệ với Hàn Quốc nhưng sự thiếu kiên nhẫn với Tổng thống Trump thì ngày càng tăng.

Năm nay, bài diễn văn được phát trên truyền hình, có vẻ như đã được ghi hình trước. Trong đoạn truyền hình này, ông Kim ngồi trong một chiếc ghế thoải mái và phát biểu trong khoảng 30 phút. Một số phóng viên, bao gồm Motoko Rich của báo New York Times, phát trực tiếp phần dịch của diễn văn này trên trang mạng xã hội Twitter. Triều Tiên giờ cũng đã xuất bản toàn văn bài phát biểu đó, dài khoảng 5.000 từ, trên tờ báo Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng xuất bản một bản tóm tắt (dài 900 từ) bằng tiếng Anh, nêu bật những ý quan trọng nhất.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã gửi thư riêng cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump – các văn bản này đều không được công bố. Ông Moon mô tả bức thư đó là chứa đựng thông điệp tích cực.

Nhà lãnh đạo Kim tỏ ra cực kỳ lạc quan về các thay đổi trong quan hệ với Hàn Quốc. Ông ca ngợi 3 thỏa thuận đã ký với Tổng thống Moon Jae-in – Tuyên bố Bàn Môn Điếm, Tuyên bố chung Bình Nhưỡng, và thỏa thuận quân sự liên Triều, cũng như cảm xúc ấm áp trong Thế vận hội mùa Đông tổ chức ở Hàn Quốc và có sự tham gia của các vận động viên Triều Tiên.

Tuy nhiên trong thông điệp của mình, ông Kim hướng tới việc chỉ trích các cuộc tập trận của Hàn Quốc với “các lực lượng nước ngoài”, coi đó là “nguồn gốc của tình hình trên bán đảo Triều Tiên”. Và ông kêu gọi chấm dứt “việc đưa thiết bị chiến tranh bao gồm các phương tiện chiến lược từ bên ngoài vào”.

Ông Kim sau đó lồng ghép tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, gọi những người Hàn Quốc ủng hộ liên minh với Mỹ là không ái quốc. Ông gợi ý rằng tất cả người Hàn Quốc-Triều Tiên nên “ý thức” rằng chỉ có người Triều Tiên-Hàn Quốc mới là “người làm chủ hòa bình trên bán đảo”. Theo ông Kim, người dân Hàn Quốc-Triều Tiên không bao giờ được phép “dung thứ sự can thiệp của các thế lực ngoại bang cản trở hòa giải và thống nhất dân tộc bằng cách đặt quan hệ liên Triều bên dưới lợi ích và mong muốn của họ”.

Trong một đoạn diễn văn, ông Kim nói rằng Triều Tiên đã nhất trí với một bộ cam kết khá rộng là không chế tạo, thử nghiệm, sử dụng và phổ biến vũ khí hạt nhân. “Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp thực tế”.

Đoạn diễn văn này nếu tách riêng ra chắc chắn đem lại tia hy vọng về việc Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Tuy nhiên, Triều Tiên có vẻ như nhấn mạnh hơi nhiều về thành tích họ đã làm, coi việc phá dỡ một điểm thử hạt nhân nào đó như là sự kiểm chứng thực tế về việc ngừng sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Ông Kim Jong-un xây dựng hình ảnh Triều Tiên như bên có lý và đã thực hiện nhiều nhượng bộ, còn ông Trump và đội ngũ của ông Trump thì trở thành bên gây trở ngại cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim răn đe: “Nếu Mỹ không giữ lời hứa trước con mắt của thế giới và tính toán nhầm về lòng kiên nhẫn của dân tộc Triều Tiên, nếu họ nỗ lực đơn phương áp đặt điều gì đó lên chúng tôi và kiên trì áp đặt các lệnh trừng phạt và áp lực đối với nước Cộng hòa của chúng tôi, chúng tôi có thể buộc phải tìm ra một con đường mới để bảo vệ chủ quyền đất nước và lợi ích tối thượng của nhà nước, và vì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên”.

Tuy nhiên ông Kim không nói rõ con đường đó sẽ như thế nào./.