Cuộc đối thoại "mang tính xây dựng, chiến lược và tích cực"
Hai bên đã thảo luận về các vấn đề an ninh trong khu vực và trên toàn cầu, cũng như mối quan hệ quốc phòng song phương giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Austin đã nói với người đồng cấp Trung Quốc về sự cần thiết phải “quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và duy trì các đường dây liên lạc cởi mở”. Cuộc họp ban đầu dự kiến chỉ diễn ra trong 30 phút nhưng đã kéo dài gấp đôi.
Về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu. Bộ trưởng quốc phòng 2 nước thảo luận về Triều Tiên và những thách thức ở Đông Bắc Á, cuộc chiến Nga-Ukraine, Biển Đông.
Ngoài ra, ông Lloyd Austin và ông Ngụy Phượng Hòa cũng nói về sự cần thiết phải giữ đường dây liên lạc giữa quân đội 2 nước trong trường hượp xảy ra khủng hoảng. Ông Austin kêu gọi Trung Quốc tham gia tích cực hơn và các cơ chế liên lạc và quản lý khủng hoảng. Mỹ coi việc giữ các đường dây liên lạc này như “hành lang” để giúp 2 bên không đi chệch hướng khiến leo thang căng thẳng.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhất trí tăng cường sự tin cậy giữa các bên về mặt chiến lược và quản lý sự khác biệt giữa quân đội hai nước. Ông cho biết, Trung Quốc hy vọng sẽ xây dựng quan hệ theo kiểu nước lớn với Mỹ nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh, ổn định và đây sẽ là định hướng nỗ lực chung của cả 2 bên. Ông nhấn mạnh, quan hệ ổn định giữa hai quân đội đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, lưu ý rằng, quan đội hai bên nên tránh xung đột và đối đầu.
Hai bên cũng dành phần lớn thời lượng cuộc gặp cho vấn đề Đài Loan. Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, ông Austin tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với chính sách một Trung Quốc trên cơ sở Đạo luật Quan hệ Đài Loan, 3 thông cáo chung Trung- Mỹ, và 6 Bảo đảm về an ninh cho Đài Loan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu bật tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan, kêu gọi Trung Quốc “kiềm chế, tránh những hành động gây leo thang căng thẳng trong khu vực”. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa khẳng định, Đài Loan là “một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và nguyên tắc một Trung Quốc là nền tảng chính trị trong mối quan hệ Mỹ-Trung”.
Đây là cuộc đối thoại cấp cao nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc. Một quan chức quốc phòng của Mỹ mô tả cuộc gặp rất “chuyên nghiệp và tập trung”, đồng thời cho rằng trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ có các kênh liên lạc quân sự cởi mở từ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ hoặc chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với những người đồng cấp Trung Quốc.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian, cũng đánh giá cuộc đối thoại giữa hai các bộ trưởng quốc phòng 2 nước là "mang tính xây dựng, chiến lược và tích cực", một "khởi đầu tốt" cho việc khôi phục các liên lạc song phương.
Cung cấp chỉ dẫn về hướng đi của quan hệ Mỹ-Trung
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở nên căng thẳng hơn trong thời gian qua khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột về mọi vấn đề từ Đài Loan, Ukraine, Biển Đông đến nỗ lực của Bắc Kinh để mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực Thái Bình Dương.
Vào năm 2021, hai bên đã tổ chức 3 cuộc hội đàm ở cấp phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, cũng như giữa các lực lượng hải quân và không quân hai nước. Tuy nhiên, những cuộc tiếp xúc này vẫn chưa đủ để có thể giải quyết các tình huống nảy sinh khi khủng hoảng bùng phát. Cựu chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Adm. (Retd) Scott Swift cho biết, các hệ thống thông tin liên lạc song phương hiện tại có thể bị quá tải trong một kịch bản khủng hoảng.
Cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc ngày 10/6 được coi là một tín hiệu tốt, trong bối cảnh nhu cầu về các biện pháp xây dựng lòng tin, kênh liên lạc trong thời kỳ khủng hoảng, các cuộc thảo luận về giảm leo thang căng thẳng ở thời điểm hiện tại cấp thiết hơn bao giờ hết, Meia Nouwens - chuyên gia nghiên cứu Chính sách Quốc phòng và Hiện đại hóa Quân sự của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định.
Kể từ khi bắt đầu được tổ chức vào năm 2002, Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á đã trở thành diễn đàn cho nhiều cuộc trao đổi gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng, giọng điệu của mỗi bên có thể cung cấp những chỉ dẫn về hướng đi của mối quan hệ của họ trong tương lai.
Lam Peng Er, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á của Singapore nhận định: “Đối thoại Shangri-la là một nền tảng hữu ích cho Mỹ và Trung Quốc để đưa ra quan điểm của họ và sự kiện này cũng có thể tạo cơ hội cho những quốc gia có cùng chí hướng xích lại gần nhau”.
“Các nhân tố chính sẽ giữ vững lập trường của họ và không bên nào có thể làm lung lay quyết tâm của phía bên kia vì ý thức mạnh mẽ của họ về lợi ích quốc gia và các giá trị khác biệt. Nhiều vấn đề rất khó được giải quyết tại Đối thoại Shangri-la, nhưng hội nghị đã tạo cơ hội đối thoại để các bên hiểu rõ quan điểm của nhau một cách trực tiếp và giảm hiểu lầm”.
Subhranshu Sekhar Das, thành viên tại công ty tư vấn Frost and Sullivan của Mỹ cho rằng, hai cường quốc nhiều khả năng sẽ tận dụng Đối thoại Shangri-la lần thứ 19 để kêu gọi sự ủng hộ đối với chính sách và chiến lược của họ. “Tại thời điểm này Mỹ đang chuyển trọng tâm sang châu Á. Mỹ đã dành nhiều thời gian để tạo ra các liên minh, củng cố quan hệ đối tác với các nước châu Á nhằm đảm bảo tiếp tục hành động cân bằng”./.